Nghệ An: "Tìm mỏi mắt" kiếm lao động... đi biển
Doanh nghiệp có cần làm hồ sơ để gia hạn thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động? / Hà Nội sắp tổ chức hội chợ việc làm cho lao động xuất khẩu về nước
Thu nhập không ổn định, nghề biển giảm sức hút
Thống kê của Chi cục Thủy sản Nghệ An, toàn tỉnh có hơn 3.500 tàu thuyền, trong đó có hơn 1.400 tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ. Số tàu thuyền đánh bắt cá trên biển tạo việc làm gần 18.500 lao động.
Tuy nhiên theo ông Hồ Thế Xuân - Phòng Quản lý tàu cá và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề biển (Chi cục thủy sản Nghệ An), tình trạng giảm lao động nghề biển là thực tế đang xảy ra.
“Năm nay, “biển mất mùa” khiến việc đánh bắt hải sản gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn rủi ro. Đặc biệt là ảnh hưởng đến tâm lý của ngư dân đi biển và giảm sức hút trong việc thu hút lao động nghề biển”, ông Xuân cho biết.
Tàu đánh cá NA - 90341 của anh Phùng Minh Hiệp phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò (Nghệ An) có công suất 450C, cần đến 16 lao động nhưng hiện tại mới chỉ có 11 lao động, chủ yếu là anh em thân quen.
“Hiện giờ người ta đóng tàu công suất 800-900CV để đánh bắt xa bờ, đi dài ngày. Tàu mình cũ, chỉ đi về trong ngày, năng suất cũng không ổn định nên thu nhập của anh em thuyền viên cũng không cao (thu nhập tính theo sản lượng đánh bắt). Trước đây, bạn thuyền gắn bó với nhau và với tàu 5-7 năm nhưng giờ họ chỉ đi cho nửa năm đến 1 năm. So với những tàu công suất lớn thì tàu như của tôi khó thuê người hơn”, anh Hiệp nói.
Trong khi đó, đội tàu Long Hùng (thị xã Cửa Lò) có công suất 900CV đang gấp rút hoàn thiện trang thiết bị để chuẩn bị ra khơi nhưng mới có 10 lao động, so với nhu cầu là còn thiếu 4 bạn thuyền. Phần lớn thuyền viên là người trung niên, có người đã gần 60 tuổi.
Lao động Dương Văn Xuân - 21 tuổi, thành viên trẻ nhất của đội tàu Long Hùng, cho biết: “Em học xong cấp 3 thì ở nhà đi biển với bố, nhưng bạn bè hầu hết đều đi xuất khẩu lao động. Giờ ở làng còn ít thanh niên lắm”.
Các đội tàu xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động nghề biển. Thời gian gần đây, mỗi tàu ra khơi đều thiếu từ 2-3 lao động so với nhu cầu.
Lý giải về tình trạng này, ông Nguyễn Văn Ước - Chủ tịch UBND xã Tiến Thủy, cho rằng, ngư trường thu hẹp, đi biển vất vả, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm nên nhiều thanh niên không mặn mà với nghề truyền thống. Nhiều thanh niên lựa chọn con đường xuất khẩu lao động bởi thu nhập khá hơn, thậm chí có người chấp nhận rủi ro khi đi xuất khẩu lao động chui.
Hiện tại tỉnh Nghệ An có 10.375/18.458 lao động trên biển đã được cấp chứng chỉ, chủ yếu là thuyền trưởng, máy trưởng (chỉ có 6.750 thuyền viên có chứng chỉ).
|
Xuất khẩu lao động cũng là hướng đi mà nhiều lao động trẻ ở thị xã Cửa Lò lựa chọn. Theo thông tin ông Võ Huy Hường - Phó Trưởng phòng Lao động thị xã Cửa Lò, trung bình mỗi năm có gần 200 ngư dân đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc và Đài Loan. Công việc mới của họ cũng là đánh cá nhưng nguồn thu nhập cao và ổn định hơn khi ở nhà.
Mở rộng ngư trường, nâng cao chất lượng lao động nghề biển
Xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu hiện có 176 thuyền đang hoạt động khai thác hải sản trên biển, trong đó có 110 tàu lớn, đánh bắt xa bờ với công suất lớn từ 900 – 1.100CV. Đây cũng là một trong những địa phương có đội tàu đánh bắt xa bờ hùng hậu nhất Nghệ An.
“So với các nơi khác thì áp lực lao động nghề biển ở Quỳnh Long không quá căng thẳng. Hiện nghề này cho thu nhập cơ bản đảm bảo cuộc sống. Tỷ lệ lao động từ độ tuổi 25 – 35 tuổi làm nghề biển tại địa phương chiếm hơn 50%, có tới 70% người đã qua đào tạo”, ông Vũ Ngọc Chắt – Chủ tịch Hội nghề cá xã Quỳnh Long cho biết.
Đặc thù nghề biển là thu nhập của người lao động phụ thuộc vào mùa cá và sản lượng đánh bắt. Những năm gần đây, ngư dân Quỳnh Long đóng thuyền lớn đánh bắt cá dài ngày ở các ngư trường lớn, do đó, sản lượng đánh bắt cao, cho thu nhập ổn định hơn trước. Hướng đi này cũng phù hợp với chủ trương nâng cao hiệu quả khai thác nghề biển mà Nghệ An đang triển khai.
Bên cạnh đó, ngư dân Quỳnh Long không dừng lại ở lao động phổ thông mà đã và đang học nghề để nâng cao trình độ như học thuyền trưởng, thuyền viên, kỹ thuật máy; trang bị kiến thức về phạm vi chủ quyền lãnh thổ, vùng biển Tổ quốc cũng như xử lý tình huống trên biển.
Nâng cao chất lượng lao động nghề biển cũng đang được tỉnh Nghệ An triển khai bằng cách hỗ trợ kinh phí đào tạo. Trung bình mỗi năm, ngân sách tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề biển cho từ 300-400 lao động.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hà Nội là địa phương dẫn đầu về chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2024
Rút ngắn thời gian trả kết quả xét nghiệm
Ngành dệt may trước kỷ nguyên mới - Bài cuối: Thích ứng, vượt thách thức
Trao Giải thưởng Báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ VII
Thủ tướng Chính phủ: Đà Nẵng nghiên cứu, sớm triển khai hoạt động lấn biển
Từ 1/1/2025 chính thức đổi khung giờ bắt buộc bật đèn xe, ai cũng phải biết kẻo bị phạt tiền