Ngoài TP.HCM, địa phương nào cũng đang áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng để chống dịch?
Người dân TP.HCM đổ xô mua hàng tích trữ, giá thực phẩm tăng mạnh vẫn "cháy hàng" / Bình Dương: Lập thêm 7 khu điều trị bệnh nhân COVID-19 sau khi ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm
Đúng 0h ngày 9/7, TP.HCM bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày, với mục tiêu "chặn và đẩy lùi COVID-19".
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thị sát một khu phong toả trên địa bàn phường Tấn Thới Nhất, Quận 12, TP.HCM sáng 8/7. (Ảnh: VGP)
Đây là lần thứ 4 TP.HCM thay đổi, kéo dài biện pháp giãn cách xã hội. Thành phố đã trải qua 2 đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 từ 31/5 đến hết 18/6; từ 19/6 đến nay, thành phố áp dụng Chỉ thị 10.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong xem đây là cuộc chiến thật sự, mong người dân ủng hộ, cảm thông khi thành phố áp dụng các biện pháp quyết liệt để đẩy lùi dịch COVID-19.
"Lúc này mỗi gia đình là một pháo đài, mỗi người là một chiến sĩ trong cuộc chiến chống dịch như chống giặc này”, người đứng đầu thành phố bày tỏ.
Thực hiện Chỉ thị 16, UBND TP.HCM nhấn mạnh nguyên tắc là gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố - tổ nhân dân cách ly với tổ dân phố - tổ nhân dân, khu phố - ấp cách ly với khu phố - ấp, xã - phường - thị trấn cách ly với xã - phường - thị trấn, quận - huyện và TP Thủ Đức cách ly với quận - huyện và TP Thủ Đức.
Người dân được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết gồm: Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; Các trường hợp khẩn cấp (cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ); Làm việc tại cơ quan, đơn vị Nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao... Trường hợp ra khỏi nhà phải đảm bảo nguyên tắc 5K.
UBND phường, xã, thị trấn tổ chức đội tuần tra, giám sát, hoạt động 24/24, không để xảy ra tập trung đông người, xử lý nghiêm người vi phạm công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, thành phố sẽ tăng cường xử phạt vi phạm hành chính với trường hợp ra khỏi nhà không thuộc các trường hợp quy định, không có lý do chính đáng.
TP.HCM cũng tạm dừng hoạt động bán vé số của đại lý vé số, bán vé số dạo, tạm dừng dịch vụ ăn uống mang về. Dừng tất cả hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô trên địa bàn thành phố, trừ trường hợp công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly và xe taxi phục vụ vận chuyển người dân đến, đi từ bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cần thiết.
Dừng hoạt động dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe mô tô, bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và xe “ôm”. Dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng xe mô tô được phép hoạt động bình thường.
Các phương tiện vận chuyển hàng hóa ra, vào, đi ngang TP.HCM thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 4658/TCĐBVN-VT ngày 08/7/2021 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Công văn số 7030/SGTVT-KT ngày 08/7/2021 của Sở Giao thông Vận tải. Lái xe, người bốc xếp, dỡ hàng hóa theo xe phải được xét nghiệm SARS-CoV-2.
Ngoài TP.HCM, tỉnh Đồng Nai cũng đang áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng trên quy mô toàn tỉnh.
Tương tự, toàn bộ tỉnh Đồng Nai cũng bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng từ 0h ngày 9/7.
Trong cuộc họp khẩn chiều 8/7, TS.BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, cho biết, số ca dương tính với COVID-19 trong toàn tỉnh không ngừng tăng lên, nếu không có những biện pháp cấp bách thì chỉ 10 ngày nữa, tỉnh Đồng Nai sẽ quá tải, sẽ có những ổ dịch nhỏ trong cộng đồng ở TP.Biên Hòa, H.Nhơn Trạch.
“Hiện nay, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Da liễu Đồng Nai đã đầy bệnh nhân, tỉnh đang triển khai bệnh viện dã chiến ở Trung tâm y tế huyện Thống Nhất, Trung tâm y tế huyện Tân Phú. Dự báo, nếu số ca bệnh vượt quá 1.000 ca, ngành Y tế Đồng Nai sẽ quá tải”, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.
Trong khi đó, tại tỉnh Khánh Hòa, trước tình trạng cấp bách khi dịch COVID-19 lan rộng, Chủ tịch UBND tỉnh này cũng đã quyết định áp dụng Chỉ thị số 16 với nhiều địa phương trong tỉnh này.
Cụ thể, từ 0h ngày 9/7, áp dụng Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với TP. Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh trên nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Cũng từ 0h ngày 9/7, tỉnh Khánh Hoà áp dụng Chỉ thị 15 đối với các huyện, thành phố còn lại (Diên Khánh, Cam Lâm, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Ranh). Trong đó: Dừng các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường hợp, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m trong tiếp xúc.
Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.
Các tỉnh cũng đang tích cực chuẩn bị thêm nhiều khu cách ly, khu điều trị bệnh nhân COVID-19.
Trước đó, từ 0h ngày 5/7, tỉnh Bình Dương đã quyết định áp dụng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng trên địa bàn toàn TP. Dĩ An. Chính quyền địa phương yêu cầu chỉ các cơ sở kinh doanh thực phẩm, dược phẩm, các loại hàng hoá phục vụ thiết yếu mới được mở cửa, hoạt động kinh doanh ăn uống chỉ bán mang về.
Tạm dừng các hoạt động vận tải hành khách công cộng trừ hoạt động xe công vụ, cấp cứu, chuyên chở vật liệu, hàng hoá, hạn chế hoạt động các phương tiện xe cá nhân… Bắt đầu từ 6h ngày 6/7, người từ TP.HCM, Đồng Nai ra, vào TP. Dĩ An phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh