Việt Nam giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Đại học Đông Á ký kết hợp tác đào tạo, cung ứng nhân lực với các doanh nghiệp Tây Nguyên / TP Hồ Chí Minh chỉ đạo khẩn, 'siết' nạn cá độ bóng đá mùa World Cup
Chỉ số giá tiêu dùng được kiềm chế và kiểm soát tốt
Chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 11 tháng của năm nay tăng 3,02%. Thu ngân sách Nhà nước ước vượt hơn 16% dự toán. Kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt gần 674 tỷ USD, tăng khoảng 12%. 11 tháng qua, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy được tăng trưởng và bảo đảm được các cân đối lớn.
Chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2022, 11 tháng qua, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường với các yếu tố rủi ro ngày càng gia tăng, tác động lớn trên quy mô toàn cầu.
Với độ mở ngày càng lớn của nền kinh tế, Việt Nam đã phải chịu nhiều áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng dầu, nguyên, vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.
Người dân mua sắm tại một siêu thị. (Ảnh: TTXVN)
Dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tích cực. Trong đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF nhận định Việt Nam là điểm sáng trong "bức tranh xám màu". Với chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 11 tháng qua tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước, nhiều nhận định cho rằng, như vậy, mục tiêu về tốc độ tăng trưởng của cả năm nay ở mức 8% đã ở trong tầm tay.
Không ai sát sao giá cả hàng ngày bằng những người tiểu thương. Sự biến động về giá cả lương thực, thực phẩm từ đầu năm, họ nắm trong lòng bàn tay.
"Cũng không biến động, lên xuống một thời gian thôi, nhưng giờ không hạ, cũng không lên nữa", một người bán hàng tại chợ Thành Công, Hà Nội, chia sẻ.
"Giá cả không biến động mấy. Nó chỉ hơi lên một chút rồi lại xuống", một người bán hàng khác tại chợ Thành Công cho biết.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có quá nhiều biến động, việc kiềm chế, kiểm soát tốt chỉ số giá tiêu dùng dưới 4% trong năm 2022 được đánh giá là một sự nỗ lực lớn và quyết tâm cao của các cơ quan điều hành.
"Mặc dù thời gian qua, giá cả của nhiều hàng hóa, đặc biệt là xăng dầu, mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu đều tăng, nhưng kiềm chế lạm phát của chúng ta tương đối tốt. Đây là sự cố gắng, nỗ lực của nhiều bộ, ngành cũng như của cả nền kinh tế", TS. Đinh Trọng Thịnh, nguyên giảng viên Học viện Tài chính, đánh giá.
"CPI của tháng 11 năm nay tăng 0,39% so với tháng trước, nếu so với cùng kỳ năm trước tăng 4,37%. Con số 4,37% này cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Tuy nhiên, nếu so với các nước trên thế giới, thì mức lạm phát của Việt Nam hiện nay thuộc nhóm các nước có mức lạm phát thấp", bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, thông tin.
Giá cả ổn định cũng tác động trực tiếp đến hành vi tiêu dùng của người dân và nền kinh tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong 11 tháng qua đã đạt gần 5,2 triệu tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ. Giao thương thông suốt và tăng trưởng cũng có nghĩa là hàng hóa, sản xuất cũng gia tăng. Chỉ số công nghiệp toàn ngành đã tăng 8,6%. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động gần 57.000 doanh nghiệp và trên 137.000 doanh nghiệp thành lập mới.
Bình luận về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân của Việt Nam 11 tháng qua ở mức 3,02%, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Thống kê, cho rằng đây là sự thành công trong kiểm soát lạm phát, giữ lạm phát thấp hơn so với mục tiêu. Lạm phát thấp như vậy giúp cho môi trường vĩ mô ổn định, tạo niềm tin cho đầu tư, cho sản xuất.
"Con số lạm phát này rất có ý nghĩa trong bối cảnh lạm phát thế giới tăng cao. Trong khi lạm phát của nhiều nền kinh tế lớn cao nhất trong 40 năm qua thì càng thấy được ý nghĩa của con số lạm phát 11 tháng là 3,02%", ông Lâm nhận định.
Cùng đánh giá về chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng qua, ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, cho biết mục tiêu mang tính chất kiên định cũng là kim chỉ nam cho điều hành kinh tế vĩ mô là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Như vậy, con số 3,02% chứng tỏ mục tiêu đặt ra đã đạt được.
"Việc này tác động rất lớn, trước hết lạm phát giữ được như vậy sẽ giúp ổn định cuộc sống của người dân, giá cả hàng hóa không tăng lên; thứ hai, giá không tăng thì yếu tố đầu vào của các nhà sản xuất sẽ không bị áp lực. Như vậy các hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ có được nguồn lợi thực sự, giúp các nhà đầu tư yên tâm bỏ tiền vào sản xuất, kinh doanh, không có tình trạng lo lạm phát, mất giá đồng tiền và chuyển tiền vào tích trữ, như vậy huy động được nguồn vốn. Thứ ba, khi lạm phát thấp, đó là yếu tố giúp chúng ta ổn định được các chỉ tiêu khác của kinh tế vĩ mô như: ổn định tỷ giá, kiểm soát nợ công, không làm tăng bội chi..., các chỉ tiêu của cân đối kinh tế vi mô sẽ giữ được", ông Hoàng Văn Cường nói.
Nông nghiệp ghi dấu ấn
Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều quốc gia đối diện với lạm phát tăng cao, chi tiêu được thắt chặt, Việt Nam đã cố gắng bằng nhiều giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu.
Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã đạt hơn 340 tỷ USD, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 10,6 tỷ USD. Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực đã ghi dấu ấn.
Sau 44 tấn bưởi da xanh đầu tiên đã được xuất khẩu sang Hoa Kỳ, mới đây nhất, quả nhãn tươi Việt Nam cũng đã được Nhật Bản chính thức cho phép nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn chính ngạch hóa nhiều loại nông sản khác như: bưởi, chanh (sang New Zealand); chanh leo, sầu riêng, chuối, khoai lang (sang Trung Quốc).
"Phía Trung Quốc chuẩn hóa lại bằng nghị định thư và được ký ở cấp bộ trưởng. Chuẩn hóa lại được hiểu rằng bài bản hơn, yêu cầu rõ ràng hơn và trách nhiệm của nước xuất khẩu sẽ cao hơn, nhưng bù lại chất lượng hàng hóa sẽ tốt hơn và người dân làm có trách nhiệm hơn", ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết.
Bưởi được đóng thành từng thùng 12kg, mỗi thùng 10 quả khi được vận chuyển sang Mỹ. (Ảnh: VOV)
"Chúng ta còn một tháng để vượt đích chỉ tiêu Chính phủ giao, chúng tôi dự kiến rơi vào khoảng 52 - 53 tỷ USD. Như vậy đây là con số ấn tượng. Năm nay điểm sáng đầu tiên là thủy sản, thủy sản lần đầu tiên vượt con số 10,5 tỷ USD. Chúng ta đã đi sâu vào chất lượng của sản phẩm thủy sản. Thứ hai là chúng ta duy trì được hệ thống phân phối ở các nước sở tại, biết cách phối hợp các sản phẩm thủy sản với các sản phẩm khác ", ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, thông tin.
Nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, tại cuộc họp Chính phủ cách đây 2 hôm, các thành viên Chính phủ cho rằng, nước ta còn không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt, xử lý. Trong đó, khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn so với cơ hội, thuận lợi. Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ quan điểm chỉ đạo, điều hành là tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Một trong những nhiệm vụ phải tập trung giải quyết thời gian tới đó là tháo gỡ về vốn cho doanh nghiệp.
"Tập trung giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, trong đó có tháo gỡ về vốn cho doanh nghiệp. Chúng ta phải thúc đẩy, bảo đảm các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và các tổ chức tín dụng hoạt động công khai, minh bạch, lành mạnh, an toàn và bền vững; tiếp tục chấn chỉnh những cái sai, những việc làm chưa đúng để bảo vệ người đúng. Song song với việc này, phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các đối tượng liên quan trong bất cứ hoàn cảnh nào", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
11 tháng của năm 2022 đã trôi qua với những điểm sáng đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế của đất nước. Sau đại dịch COVID-19, kinh tế tiếp tục đà phục hồi và phát triển. Các chỉ số đạt được trong 11 tháng vừa qua, cho thấy sự chủ động, quyết liệt và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành nền kinh tế của Chính phủ.
Điều được các chuyên gia kinh tế trong nước cũng như quốc tế đặc biệt ghi nhận đó là qua thực tiễn điều hành của Chính phủ, cho thấy khả năng ứng phó linh động, hiệu quả với những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Đây cũng chính là kinh nghiệm, đồng thời cũng tạo thêm động lực để chúng ta vững tin tiếp tục vượt qua những khó khăn, thách thức mà dự báo sẽ phải đối mặt trong thời gian tới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo