Nhiều gam màu sáng trong bức tranh kinh tế 11 tháng
Đại học Đông Á ký kết hợp tác đào tạo, cung ứng nhân lực với các doanh nghiệp Tây Nguyên / TP Hồ Chí Minh chỉ đạo khẩn, 'siết' nạn cá độ bóng đá mùa World Cup
Nền kinh tế tăng trưởng ấn tượng
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là hết năm 2022, một năm nhiều thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu với những ảnh hưởng hậu COVID-19. Trong nước, các doanh nghiệp cũng đã phải nỗ lực hết mình, căng sức chống dịch và ổn định sản xuất, nhanh chóng chuyển hướng kinh doanh để thích ứng với tình hình mới. Nhờ đó, 11 tháng qua, nền kinh tế đã đạt được nhiều con số tăng trưởng ấn tượng. Về tăng trưởng, thương mại dịch vụ vẫn là điểm nhấn nổi bật nhất.
11 tháng qua, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều con số tăng trưởng ấn tượng. (Ảnh: TTXVN)
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng vừa rồi 11 ước đạt hơn 514.000 tỷ đồng, tăng tới 17,5% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp vào con số chung của 11 tháng là trên 5,1 triệu tỷ đồng.
Còn về doanh thu dịch vụ tiêu dùng, đáng chú ý là dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành. Hai mảng này, trong 11 tháng đầu năm, lần lượt đạt tốc độ tăng trưởng là hơn 50% và 300% so với 11 tháng năm 2021. Sự phục hồi ấn tượng của ngành du lịch đã kéo theo các dịch vụ liên quan.
"Sự phục hồi của các cơ sở dịch vụ trông thấy rõ rệt. Các dịch vụ tại các điểm đến không bị đứt gãy như giai đoạn trước", ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết.
Một chỉ số được quan tâm theo dõi nhất là lạm phát. Theo đó, bình quân 11 tháng năm nay, CPI chỉ tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước, tức là mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay dưới 4% chắc chắn sẽ đạt được.
Những con số tích cực trên cho thấy nền kinh tế đang tiến rất gần với mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra.
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt hơn 49 tỷ USD
Tuần qua, 44 tấn bưởi đầu tiên tại tỉnh Bến Tre chính thức được xuất khẩu vào thị trường Mỹ - thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng. Đây là cơ hội giúp doanh nghiệp và nông dân gia tăng lợi nhuận từ loại trái cây đặc sản này.
Trước trái bưởi, chỉ trong vòng 3 tháng qua, lần lượt sầu riêng, khoai lang, tổ yến của Việt Nam cũng đã được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc và quả nhãn vừa chấp nhận xuất khẩu chính ngạch vào Nhật Bản. Việc nông sản của Việt Nam đạt tiêu chuẩn vào những thị trường khó tính không chỉ làm tăng thương hiệu, mà kéo theo đó, giá trị ngành hàng cũng được kéo lên.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm thủy sản trong tháng 11 đạt hơn 4,2 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu qua 11 tháng của năm nay đạt hơn 49 tỷ USD, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm 2021.
Đặc biệt, cán cân thương mại ngành nông nghiệp đạt thặng dư gần 8 tỷ USD, tăng gần 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó nổi bật ngành thủy sản, bất ngờ ước tính đạt giá trị xuất khẩu tới 11 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
"Một năm xuất khẩu thủy sản tăng trưởng ở mức 31%, có thể nói là khá bất ngờ. Kết quả này đến từ nhu cầu thực phẩm sau dịch của các nước đều tăng một cách đáng kể, đồng thời, bên doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã có sự chuẩn bị và kiên trì theo đuổi các thị trường, sẵn sàng cung ứng khi có nhu cầu", ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho hay.
Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng
Trong giai đoạn còn nhiều khó khăn thách thức, các doanh nghiệp đã rất nỗ lực, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội để đạt được các mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra. Tuy nhiên, trong giai đoạn cuối năm này, tình trạng mất việc làm xuất hiện cục bộ tại một số địa phương do nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng phải thu hẹp sản xuất kinh doanh.
Điều đó có nhưng chỉ xảy ra chủ yếu ở các ngành thâm dụng lao động. Thực tế, nhu cầu tuyển dụng lao động vẫn tăng cao ở nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là lao động trực tiếp sản xuất. Với những doanh nghiệp trực tiếp sản này, họ lại đang tăng cường tuyển dụng để đáp ứng những hướng đi mới của họ.
Trong quá trình tăng tốc này, các doanh nghiệp đang tìm kiếm các nhà cung cấp mới, đa dạng hóa nguồn hàng, tìm kiếm đơn hàng, đẩy mạnh sản xuất, hay đa dạng hóa thị trường tránh nguy cơ phụ thuộc để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng.
Công ty Tân Quang Minh đang tăng tốc sản xuất hàng Tết và có thêm thị trường xuất khẩu mới trong năm nay. Mức tăng trưởng dự kiến trên 10%.
"Mùa Tết là mùa rất thuận lợi, mang lại doanh thu lớn cho chúng tôi. Chúng tôi cũng có may mắn là vẫn xuất khẩu được đi các thị trường khó tính như Nhật Bản, Singapore. Hiện nay chúng tôi đang kết nối được với các khách hàng ở Mỹ, châu Âu", ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty Tân Quang Minh, cho biết.
Còn với các doanh nghiệp dệt may, da giày, khi nhu cầu đặt hàng từ thị trường nhập khẩu giảm xuống, doanh nghiệp nhanh chóng chuyển hướng vào thị trường nội địa, tìm kiếm đơn hàng ở thị trường ngách. Vừa giữ việc cho công nhân, vừa hoàn thành kế hoạch năm.
"Chúng tôi hưởng ứng phong trào người Việt dùng hàng Việt, giảm giá cho khách hàng, khuyến khích khách hàng dùng thử hàng Việt; phối hợp với từng trung tâm thương mại làm marketing để khách hàng hiểu về nhãn hàng của mình, có những chính sách ưu đãi phù hợp cho mùa mua sắm cuối năm", ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, thông tin.
Doanh nghiệp mong muốn được ổn định nguồn vốn vay cuối năm
Trong khả năng của mình, các doanh nghiệp đang xoay xở bằng nhiều cách khác nhau để đạt được tăng trưởng cao nhất. Tuy nhiên phía doanh nghiệp cũng có khá nhiều tâm tư, như câu chuyện lãi suất. Tín dụng là nguồn lực quan trọng trong quá trình tăng tốc của các doanh nghiệp.
Hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động trên 6 tháng đã tăng khoảng 3,5 - 4%/năm so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên theo khảo sát, nhiều doanh nghiệp cho biết lãi suất cho vay mới tăng thêm từ 1 - 3%/năm tùy khoản vay và tùy từng kỳ hạn.
Nhìn chung, đà tăng của lãi suất cho vay đã chậm hơn so với lãi suất huy động nhằm thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ về triển khai các giải pháp thúc đẩy phục hồi và phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên ngoài lãi suất, các doanh nghiệp cũng mong muốn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận lợi, để kịp thời phục vụ cho cao điểm sản xuất kinh doanh cuối năm.
Công ty CP Vận tải Quốc tế Protraco chuyên cung cấp dịch vụ logistics cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, mỗi tháng đều cần khoảng 35 tỷ đồng để thanh toán trước tiền vận chuyển cho đối tác. Nếu không có dòng vốn này, hoạt động kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng.
Trong giai đoạn còn nhiều khó khăn thách thức, các doanh nghiệp đã rất nỗ lực, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội để đạt được các mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
"Khách hàng sẽ nợ từ 2 - 3 tháng. Đối với các hãng tàu và hãng hàng không, chúng tôi phải thanh toán tiền luôn nên cần hỗ trợ từ phía ngân hàng. Từ quý 3 trở đi lãi suất cũng tăng dần, ở mức 7 - 9%, cũng tăng phù hợp với công ty và lạm phát hiện nay", ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty CP Vận tải Quốc tế Protraco, cho biết.
Đang vay với mức lãi suất 8%/năm, doanh nghiệp nhìn nhận đây là mức khá ưu đãi. Tuy nhiên vì phần lớn các nguyên, vật liệu đầu vào đều phải nhập khẩu, nên họ kỳ vọng, ngoài lãi suất, tỷ giá sẽ tiếp tục được giữ ổn định để hạn chế tác động tới giá thành sản xuất.
"Hầu như tất cả đơn hàng đều được ký từ đầu năm, đơn giá không thể thay đổi nên biến động chi phí đầu vào sẽ ảnh hưởng tới lãi, lợi nhuận. Chúng tôi mong nhà nước cố gắng can thiệp để tình hình tỷ giá ổn định, giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất", bà Nguyễn Thị Bảo Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Trung Hùng Hà Nội, cho hay.
Ngân hàng giảm lãi suất cho vay
Tính đến cuối tháng 10, tín dụng đã tăng trưởng 11,5%. Như vậy, so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm, vẫn còn dư địa hơn 2% cho 2 tháng cuối năm.
Nguồn vốn cho vay vẫn còn, nhưng sẽ dành cho các lĩnh vực ưu tiên nên nếu các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực như: sản xuất, nông nghiệp hay xuất khẩu có thể yên tâm trong tiếp cận vốn. Phía ngân hàng cũng có các chương trình giảm lãi vay cho khách hàng vào dịp cuối năm, nhằm chia sẻ khó khăn với người vay vốn. Ngay cả khi việc này làm giảm lãi của các ngân hàng.
"Rất nhiều đối tượng khách hàng được giảm trong đợt này, trong đó là nhóm sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, hoạt động nông nghiệp, môi trường... Quy mô dư nợ khoảng 500.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% danh mục tín dụng của chúng tôi", ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng giám đốc Vietcombank, cho biết.
Phía ngân hàng đã có các chương trình giảm lãi vay cho khách hàng vào dịp cuối năm, nhằm chia sẻ khó khăn với người vay vốn. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
"Lãi suất đầu vào không thấp hơn, thậm chí là đang cao hơn. Để giảm lãi suất cho vay không có gì khác hơn là ngân hàng chấp nhận hy sinh một phần thu nhập lãi của mình, làm cho khách hàng có động lực, nguồn lực để kinh doanh tốt hơn. Tốt hơn thì như vậy sau này ngân hàng sẽ có cơ hội làm việc với khách hàng tốt hơn trong tương lai", ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp HDBank, thông tin.
Các tổ chức tín dụng đồng hành, Chính phủ và Quốc hội cũng có chủ trương triển khai các giải pháp hỗ trợ quá trình phục hồi và tăng trưởng của các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Với những nỗ lực của các doanh nghiệp, tháng còn lại trong năm, quá trình tăng tốc của doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ có thêm nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, quá trình tăng tốc này vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, do những tác động không nhỏ từ thế giới, từ các vấn đề kinh tế vĩ mô như: lạm phát, tỷ giá, tăng lãi suất, các vấn đề về an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu… nên tăng tốc nhưng không thể thiếu sự chủ động và linh hoạt để thích ứng của các doanh nghiệp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao