Nhộn nhịp thị trường xuất khẩu nông sản
Kinh tế Việt Nam vững vàng nhờ 5 cân đối / Xuất khẩu chính ngạch “mở đường” cho nông sản hướng đến sự chuyên nghiệp
Ngày 28/11/2022, 44 tấn bưởi đầu tiên tại tỉnh Bến Tre chính thức được xuất khẩu vào thị trường Mỹ - thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng. Tại lễ công bố được tổ chức ở Bến Tre vào sáng nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định sau 5 năm đàm phán với phía Mỹ, đây là cơ hội giúp doanh nghiệp và nông dân gia tăng lợi nhuận từ loại trái cây đặc sản này.
Bưởi Việt Nam chính thức xuất khẩu sang Mỹ
Lô bưởi đầu tiên gồm 44 tấn bưởi da xanh xuất khẩu sang Hoa Kỳ được tuyển chọn nghiêm ngặt từ vùng nguyên liệu 160ha của Bến Tre. Bên cạnh niềm tự hào cho loại nông sản vườn nhà xuất ngoại, tỉnh Bến Tre cũng có những tính toán dài hơi cho mặt hàng lợi thế.
Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, nhận định: "Xuất khẩu được rồi thì nguồn hàng làm sao cho đủ, lâu dài, đó là vấn đề chúng tôi suy nghĩ để tìm giải pháp. Đặc biệt, chúng tôi củng cố, hình thành các HTX trồng bưởi, rồi liên kết với các doanh nghiệp".
Hiện có 36 vùng trồng bưởi của 10 tỉnh được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang Hoa Kỳ với diện tích hơn 750ha. Con số này còn khá khiêm tốn so với 105.400ha bưởi của cả nước. Điều này cho thấy tiềm năng xuất khẩu của loại trái cây này là rất lớn bởi Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu mỗi năm lên tới 3,6 triệu tấn trái cây các loại. Để bưởi có thể rộng đường thì tiêu chuẩn chất lượng vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Chị Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, nói: "Thay đổi qui trình canh tác và trong thời gian tới chúng tôi sẽ tính đến chuyện bao trái bưởi để làm sao hạn chế tối đa dư lượng, kiểm soát sinh vật gây hại vì đây là tiêu chí đầu tiên mà Hoa Kỳ đưa ra".
Năm 2021 đã có trên 3.000 tấn bưởi của Việt Nam được xuất khẩu đi nhiều nước. Thời gian qua, chỉ riêng 6 loại trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ gồm xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa đã mang về kim ngạch khoảng 20 triệu USD mỗi năm.
Trước trái bưởi, tchỉ trong vòng 3 tháng qua lần lượt sầu riêng, khoai lang, tổ yến của Việt Nam cũng đã được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, rồi quả nhãn vừa chấp nhận xuất khẩu chính ngạch vào Nhật. Việc nông sản của Việt Nam đạt tiêu chuẩn vào những thị trường khó tính không chỉ làm tăng thương hiệu, mà kéo theo đó là giá trị ngành hàng cũng được kéo lên.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm thủy sản trong tháng 11 đạt hơn 4,2 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu qua 11 tháng của năm nay đạt hơn 49 tỷ USD, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, cán cân thương mại ngành nông nghiệp đạt thặng dư gần 8 tỷ USD, tăng gần 48% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó nổi bật ngành thuỷ sản, bất ngờ ước tính đạt giá trị xuất khẩu tới 11 tỷ usd, cao nhất từ trước đến nay.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhận định: "Một năm xuất khẩu thuỷ sản tăng trưởng ở mức 31%, có thể nói là khá bất ngờ. Năm 2021 là năm chúng ta vướng đại dịch cho nên trên cơ sở đó, cũng khó để nói là tỷ lệ năm nay tăng cao so với mọi năm. Tuy nhiên, kết quả này đến từ nhu cầu thực phẩm sau dịch của các nước đề tăng một cách đáng kể, đồng thời, bên doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chuẩn bị và kiên trì theo đuổi các thị trường, sẵn sàng cung ứng khi có nhu cầu".
Cùng với nhịp độ xuất khẩu sôi động của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các vùng trồng và doanh nghiệp chế biến nông sản phía Bắc cũng đang khẩn trương cho những đơn hàng cuối năm.
Doanh nghiệp chế biến nông sản nỗ lực tăng thị phần xuất khẩu
Để chuẩn bị đơn hàng xuất khẩu ngô ngọt nguyên bắp chào cho khách hàng Hàn Quốc, ngay từ những ngày đầu vụ, nhân viên vùng nguyên liệu của nhiều công ty xuống tận ruộng để kiểm tra chất lượng mùa vụ năm nay.
Theo kế hoạch, công ty xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu sẽ xuất khẩu khoảng 800 tấn ngô ngọt sang Hàn Quốc và Nhật Bản từ cuối năm nay và trải dài cho năm 2023. Ngoài vải, ngô ngọt hiện cũng là mặt hàng chủ lực của doanh nghiệp
Chị Đỗ Linh Nhâm, Phó Tổng Giám đốc, CTCP xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, cho biết: "Chúng tôi mong muốn được mở rộng vùng nguyên liệu, xây dựng thêm nhà máy để có thể đáp ứng nhiều đơn hàng".
Thời điểm cuối năm cũng là thời điểm các cây vụ đông ở miền Bắc như bắp cải, su hào, cà rốt… bắt đầu cho thu hoạch. Đây cũng là lúc các doanh nghiệp chế biến nông sản tăng cường sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước và mở rộng xuất khẩu.
Trong bối cảnh, nhu cầu tiêu dùng hàng hoá trên thế giới đang thu hẹp, ít nhiều ảnh hưởng tới đơn hàng xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của Việt Nam, bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục sẽ phối hợp với Bộ Công Thương đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương, đa phương, hướng đến mở cửa thị trường xuất khẩu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo