Xuất khẩu chính ngạch “mở đường” cho nông sản hướng đến sự chuyên nghiệp
Đà Nẵng: Tôn vinh 22 nghệ nhân, người thực hành tiêu biểu di sản văn hóa phi vật thể / Đầu tháng 12 Trung Bộ có thể xuất hiện không khí lạnh, mưa lớn trên diện rộng
Xuất khẩu nông sản 11 tháng đạt hơn 49 tỷ USD
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 11 đạt hơn 4,2 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 11 tháng của năm nay, đạt hơn 49 tỷ USD, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản, ước đạt hơn 20 tỷ USD; xuất khẩu thủy sản đạt hơn 10 tỷ USD; lâm sản đạt hơn 15 tỷ USD.
Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 25%, Trung Quốc chiếm gần 19% và Nhật Bản chiếm gần 8%.
Trong 11 tháng qua, cán cân thương mại ngành nông nghiệp Việt Nam đạt thặng dư gần 8 tỷ USD, tăng gần 48% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khởi động xuất khẩu chính ngạch tổ yến
Năm 2022 cũng là năm thành công nhất của Việt Nam, trong xúc tiến thương mại. Hàng loạt các nông sản có được tấm vé thông hành xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.
Hoàn thiện đóng gói sản phẩm tổ yến tại một cơ sở sản xuất. (Ảnh: TTXVN)
Mới đây, để khởi động xuất khẩu tổ yến vào quốc gia tiêu thụ yến lớn nhất thế giới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị phổ biến nội dung nghị định thư về xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc cho tất cả các hiệp hội và doanh nghiệp.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để xuất khẩu chính ngạch, nhà nuôi chim yến, doanh nghiệp chế biến tổ yến, doanh nghiệp xuất khẩu phải đảm bảo 16 điều quy định trong nghị định thư đối với bao bì, ghi nhãn, yêu cẩu về kiểm dịch, kiểm tra, giám sát dịch bệnh và an toàn thực phẩm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng lưu ý, mỗi lô hàng xuất khẩu phải kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thú y và giấy chứng nhận xuất xứ.
"Bộ sẽ chỉ đạo cục thú y, Cục Chăn nuôi hướng dẫn các chi cục thú y, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng thực hiện đúng theo đúng yêu cầu của nghị định thư", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết.
Trước mắt, phía Trung Quốc chấp nhận nhập khẩu sản phẩm yến đã sơ chế, được xử lý qua nhiệt độ 70oC. Sản phẩm xuất khẩu không đáp ứng yêu cầu của nghị định thư sẽ bị Tổng cục Hải quan Trung Quốc tạm giữ, xử lý, trả lại hoặc tiêu hủy.
"Chúng ta phải bán những gì thị trường yêu cầu chứ không bán những gì chúng ta có. Chúng ta sẽ rà soát tiêu chí của các nhà yến đã đăng ký với Trung Quốc và phải có mã số nhà yến đó", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Từ 7.000 nhà yến vào năm 2017, cả nước hiện có trên 30.000 nhà nuôi yến với sản lượng khoảng 200 tấn/năm, giá trị trên 500 triệu USD. Sau quá trình đàm phán, Việt Nam đã bước đầu thống nhất được mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch dịch thú y với Tổng cục Hải quan Trung Quốc làm cơ sở để tổ yến được xuất khẩu chính ngạch. Chất lượng sản phẩm tổ yến Việt Nam được đánh giá vượt trội so với các nước trong khu vực
Xuất khẩu chính ngạch thúc đẩy ngành hàng chuyên nghiệp
Chính ngạch là con đường mở ra cho nông sản Việt những bước tiến hướng đến sự chuyên nghiệp. Có thể ví dụ từ ngành sữa. Kể từ lô sữa đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc từ 2019 đến nay, ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp coi trọng thị trường Trung Quốc, giống như các thị trường Mỹ, EU…, từ đó có chiến lược đầu tư đồng bộ vùng nguyên liệu, chế biến sâu, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ.
Ngành sữa hiện đã có hàng chục nhà máy được cấp mã giao dịch xuất khẩu, trong đó có các tên tuổi lớn như Vinamilk, TH True Milk, Mộc Châu Milk, Nutifood, Hanoimilk.
Đóng gói sản phẩm sữa tại HTX chăn nuôi bò sữa Tam Đảo (xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo). (Ảnh: TTXVN)
Sau lô sữa đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch, Việt Nam hướng đến mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu đạt 1 tỷ USD/năm. Sữa và các sản phẩm sữa của Việt Nam đang lấn dần trên giá các siêu thị của thế giới và còn có khả năng cạnh tranh với những cường quốc sữa của thế giới như New Zealand, Australia.
"Nếu chúng ta bán hàng bằng cách liên kết với các hệ thống thương mại điện tử thì chúng ta phải quản lý theo chuỗi giá trị sản phẩm từ trang trại để chúng ta truy xuất được nguồn gốc, chúng ta phải theo đến cùng chất lượng sản phẩm, vừa đảm bảo chất lượng, giá thành, đặc biệt là vấn đề an toàn", Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam Trần Quang Trung nhận định.
"Chúng ta hướng đến tổng đàn 1 triệu con bò vào năm 2030. Khi đó chúng ta sẽ có một lượng sữa tươi rất lớn, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và nhiều nước khác", ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết.
Trên nền tảng chuẩn hóa các tiêu chuẩn, việc xây dựng thương hiệu sữa có giá trị toàn cầu đang là đích đến của nhiều doanh nghiệp. Thực tế cho thấy việc xuất khẩu chính ngạch đã mở ra những hướng đi mới bền vững hơn, giá trị cao hơn.
Có thể thấy thực phẩm vẫn là lĩnh vực có sự tăng trưởng bền vững trong bối cảnh có biến động. Không chỉ sữa, mà mặt hàng gạo cũng được dự báo sẽ còn tiềm năng tăng giá trong năm 2023. Đây tiếp tục là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo