Nikkei Asia: Phát triển bùng nổ, Việt Nam có nhiều điểm giống "con hổ châu Á" thế hệ trước
Phó Thủ tướng: Cảng Hàng không Nội Bài phải được đầu tư với quy mô xứng tầm Thủ đô / Giá trị thương hiệu Việt tăng mạnh trong đại dịch
Thành tựu của Việt Nam
Trong tương lai, trên các hộp Apple Watch hoặc MacBook, người mua có thể tìm thấy dòng chữ: "Được lắp ráp tại Việt Nam".
Theo Asia Nikkei, đây có thể được xem như là một chiến thắng lớn cho Việt Nam. Trong hơn 1 thập kỉ qua, quốc gia này đã thu hút được các thương hiệu công nghệ hàng đầu như Intel, Samsung và Xiaomi để thiết lập chuỗi cung ứng trong nước. Apple lấy nguồn hàng tai nghe AirPods từ Việt Nam và đang thử nghiệm sản xuất đồng hồ và máy tính xách tay. Việc sản xuất những thiết bị phức tạp hơn tại Việt Nam sẽ là biểu tượng thành công cho ngành sản xuất của quốc gia này và thể hiện quyết tâm tham gia chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu.
Việt Nam là nền kinh tế duy nhất có quy mô và trình độ phát triển ở quy mô tương tự lọt vào top 6 trong danh sách các nhà cung cấp linh phụ kiện của Apple.Vào năm 2020, Apple lấy sản phẩm từ 21 nhà cung cấp tại Việt Nam, tăng từ 14 vào năm 2018.
Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu công nghệ mà không có đối thủ châu Á nào sánh kịp: Tỷ trọng xuất khẩu của hàng công nghệ cao đạt 42% vào năm 2020, tăng từ 13% vào năm 2010.
Tuy nhiên, vẫn có một vài vấn đề vẫn còn tồn tại. Theo Asia Nikkei, Việt Nam chưa tăng quá nhiều giá trị cho các mặt hàng công nghệ xuất khẩu và không có thương hiệu công nghệ mạnh trong nước, chủ yếu vẫn chỉ cung cấp dây chuyền lắp ráp cho các thương hiệu lớn của các quốc gia khác.
Samsung Electronics là một ví dụ: mặc dù đã hoạt động tại Việt Nam 14 năm và phụ thuộc vào chuỗi cung ứng tại đây để sản xuất một nửa số lô hàng điện thoại thông minh của hãng, thì gã khổng lồ công nghệ này vẫn chỉ nêu tên một số nhà cung cấp nước ngoài ở Việt Nam trong danh sách nhà cung cấp hàng đầu của hãng trong năm 2020.
Trong những thập kỷ trước, các nền kinh tế "con hổ châu Á" đã chứng minh rằng một hành trình phát triển vượt bậc về công nghệ là có thể thực hiện được. Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc đại lục đều bắt đầu từ ngành sản xuất công nghệ thấp và dần dần nâng cao lên ô tô, chất bán dẫn và rô bốt.
Thật vậy, Việt Nam có nhiều lợi thế mà các nền kinh tế này đã làm được: lực lượng lao động kỷ luật, chi phí thấp và chính sách công nghiệp của nhà nước. Hiện tại, Việt Nam cần thêm một số yếu tố quan trọng như nhân lực trình độ cao và cơ sở hạ tầng tốt.
Trong khi đó, việc đạt được những tiến bộ như các nền kinh tế châu Á thế hệ trước có thể khó khăn khi nền kinh tế toàn cầu đã biến đổi sau nhiều thập kỷ và sự thống trị ngày càng tăng của ngành sản xuất Trung Quốc. Toàn cầu hóa có thể đang bước vào một giai đoạn mới và khó dự đoán. Để tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam sẽ cần tìm vị trí của mình trong bản đồ thương mại chiến lược mới của thế giới.
Những bước đầu tiên đầy hứa hẹn
Đi về phía nam Hà Nội, có thể thấy những khung cảnh đã dần thay đổi. Giờ đây, các khu công nghiệp đã thay thế vùng đầm lầy, trở thành địa điểm lí tưởng cho chuỗi cung ứng của các công ty công nghệ nước ngoài.
Các công ty tới đây thuê bao gồm nhà cung cấp Wistron của Apple, Seoul Semiconductor và Anam Electronics, những công ty xuất khẩu loa Bluetooth JBL và hệ thống âm thanh Yamaha.
Trong thập kỷ trước, việc tăng tiền lương nhân công ở các trung tâm sản xuất ven biển phía Nam Trung Quốc đã khiến nhiều nhà cung cấp nản lòng, sau đó họ đã tìm cách chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam.
Gần đây, Việt Nam hưởng lợi từ nhiều sự kiện lớn. Đầu tiên,chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã thúc đẩy các công ty Mỹ (cùng với nhiều công ty Trung Quốc) chuyển nhà cung cấp sang Việt Nam nhằm thoát khỏi các lệnh trừng phạt. Sau đó là đại dịch COVID-19, khi các đợt phong tỏa ở Trung Quốc đã buộc nhiều công ty - bao gồm cả Apple - chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc và sang Việt Nam.
Khi lệnh phong tỏa làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa ra khỏi Trung Quốc, công ty Anam đã chuyển sang sản xuất loa tại Việt Nam. Tại Hà Nam, nhà máy của công ty Hàn Quốc này có dàn loa thông minh, bảng mạch lấp đầy căn phòng và các robot chuyển hàng hóa giữa các trạm sản xuất.
Giám đốc Anam Việt Nam Park Hyeon-su cho biết: "Cho đến nay, Việt Nam đã làm rất tốt nhờ hoạt động thu hút đầu tư".
Theo Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi quy mô từ năm 2010 đến năm 2020. Dù vậy, vẫn có những rủi ro trong tương lai, ví dụ, nếu lương cho nhân viên tăng lên, thì các công ty nước ngoài có thể sẽ chọn các nước láng giềng có nhân lực giá rẻ hơn như Campuchia. Ngoài ra,các công ty cũng có thể bị thu hút bởi các chính sách về nước của chính phủ của họ (ví dụ như Nhật Bản), hoặc bởi mong muốn "tiến gần" tới các thị trường lớn (như Mỹ Latinh hoặc châu Phi). Các rủi ro khác bao gồm đầu tư có chất lượng thấp có thể tạo ra ô nhiễm hoặc các tiến bộ công nghệ quá đắt đỏ khiến các Việt Nam buộc phải tăng chi phí phát triển và khó cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo