PAPI 2022: Tăng tỷ lệ người dân quan tâm về vấn đề tham nhũng
DNVN - Theo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2022 (PAPI 2022) ở Việt Nam, tỉ lệ người được hỏi cho rằng tham nhũng là vấn đề hệ trọng cần Nhà nước tập trung giải quyết tăng 4,8% trong năm 2022 so với năm 2021. Ngoài ra, các vấn đề giảm nghèo, việc làm, chất lượng việc làm và tăng trưởng kinh tế cũng được người dân quan tâm.
Dư luận quốc tế đánh giá tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam / Dự báo thời tiết ngày 11/4/2023: Hà Nội tiếp tục có mưa phùn, trời lạnh
Tại Hội nghị công bố Báo cáo PAPI 2022 sáng 12/4 tại Hà Nội, TS. Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, Báo cáo PAPI 2022 cung cấp một bức tranh quan trọng về hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương trong năm thứ hai của nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời cho thấy sự thay đổi quan điểm của người dân về hiệu quả của công tác chống tham nhũng ở địa phương·trong bối cảnh người dân kỳ vọng về nền quản trị hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Việc nghiên cứu, phân tích sự đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của người dân đem lại những chỉ báo quan trọng, giúp cho các nhà hoạch định chính sách kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách và đổi mới phương thức hoạt động cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
TS. Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá cao việc công bố chỉ số PAPI.
Bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam chia sẻ, báo cáo PAPI 2022 cung cấp nguồn dữ liệu thực chứng quan trọng để các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương theo dõi hiệu quả hoạt động của mình trong công tác điều hành, quản lý nhà nước, hành chính công và cung ứng dịch vụ công.
Báo cáo cho thấy, có tới 66,1% số người được hỏi đánh giá nền kinh tế quốc gia là “tốt” vào năm 2022 – tăng 19,4% so với một năm trước đó. Cũng ở câu hỏi này, tỉ lệ người dân đánh giá điều kiện kinh tế của đất nước là “kém” giảm tới 13,7% so với tỉ lệ 19,8% của năm 2021 xuống còn 6,1% năm 2022. Tương tự như vậy, ở cấp hộ gia đình, tỉ lệ người dân cho rằng điều kiện kinh tế hộ của mình là “kém” giảm từ 15,3% năm 2021 xuống còn 11,4% năm 2022.
Sự chuyển dịch sang thời kỳ hậu đại dịch cũng được phản ánh trong ý kiến của người dân khi được hỏi về những vấn đề hệ trọng nhất cần Nhà nước tập trung giải quyết trong năm 2022. Tỉ lệ lựa chọn vấn đề y tế và bảo hiểm y tế là vấn đề hệ trọng nhất giảm mạnh từ 23,84% theo khảo sát PAPI 2021 xuống 6,38% theo khảo sát PAPI 2022. Vấn đề nghèo đói trở lại vị trí hàng đầu với 22,13% số người trả lời chọn vấn đề này năm 2022. Nghèo đói cũng là vấn đề liên tục đứng đầu danh sách các vấn đề được người dân quan tâm kể từ năm 2015, ngoại trừ năm 2021 khi Việt Nam chịu tác động mạnh của đại dịch COVID-19.
Về tham nhũng, tỉ lệ người được hỏi cho rằng tham nhũng là vấn đề hệ trọng cần Nhà nước tập trung giải quyết tăng 4,8% năm 2022, so với năm 2021. Xu hướng này nhất quán với những phát hiện của Chỉ số nội dung "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công", với số người dân ghi nhận hiệu quả kiểm soát tham nhũng của chính quyền địa phương sụt giảm lần đầu tiên kể từ năm 2016. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do tỉ lệ người dân cho rằng phải nhờ vào mối quan hệ thân quen với người có chức, có quyền mới xin được việc làm trong cơ quan nhà nước tăng lên và tỉ lệ người dân phải "chung chi" khi làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất cũng gia tăng.
Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương giúp cảnh báo sớm nguy cơ sai trái, vì thế góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu tham nhũng. Song kết quả khảo sát PAPI 2022 cho thấy chưa có nhiều chuyển biến tích cực ở khía cạnh quản trị công quan trọng này. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân vẫn phản ánh về tính thiếu chính xác trong việc lập danh sách hộ nghèo của chính quyền cấp cơ sở để hộ thực sự nghèo tiếp cận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, người dân ghi nhận sự cải thiện trong việc công khai thông tin thu, chi ngân sách cấp xã trong năm 2022.
Để đóng góp cho chương trình xây dựng và thực thi pháp luật năm 2023, PAPI 2022 cũng phân tích kết quả khảo sát công dân về một số vấn đề nhằm cung cấp dẫn cứ cho việc thảo luận sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và chuẩn bị thực thi Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở năm 2022.
Về hiệu quả quản trị điện tử, các cấp chính quyền địa phương vẫn còn nhiều việc phải làm để người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhiều hơn, tương xứng với tỉ lệ lớn người dân đang sử dụng internet hiện nay. Năm 2022, tỉ lệ người dân cho biết họ có thể thực hiện một phần dịch vụ công trực tuyến để làm thủ tục xin xác nhận của chính quyền địa phương hoặc thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thấp hơn so với năm 2021. Chưa tới 5% số người trả lời cho biết họ đã sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia cho các mục đích khác nhau và khoảng 3% đã thiết lập hồ sơ người dùng trên cổng này.
Bên cạnh đó, Báo cáo PAPI 2022 trình bày kết quả cấp tỉnh ở 8 chỉ số nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường; và, Quản trị điện tử.
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất
Cột tin quảng cáo