Tin tức - Sự kiện

Phải để công đoàn cấp trên thương lượng thỏa ước lao động tập thể tại DN

DNVN - Ý kiến này đã được Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường đưa ra tại phiên thảo luận ở hội trường sáng 07/6 về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Tổng Bí thư: 'Việt Nam là đối tác tin cậy vì hòa bình bền vững' / Cách chức Phó phòng Giáo dục làm lộ đề thi ở Bình Thuận

Cần thiết phải gia nhập Công ước 98
Đa số các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình cao với sự cần thiết của việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể cũng như dự thảo Nghị quyết mà Chính phủ trình.
Các đại biểu cho rằng, đây là một bước thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP), tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới của Việt Nam trong quan hệ đa phương và song phương. Việc gia nhập Công ước số 98 cũng thể hiện Việt Nam là quốc gia thành viên có trách nhiệm và tích cực trong các cam kết quốc tế.
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) đề nghị, Chính phủ phải có kế hoạch, chương trình hành động cụ thể khi gia nhập Công ước 98; cần rà soát, đánh giá đầy đủ các mặt không thuận lợi khi gia nhập công ước để chủ động phương án xử lý tốt nhất, không làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người lao động.
Đồng quan điểm, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) cho rằng Chính phủ cần tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật để bảo đảm sự tương thích với Công ước 98. Trong đó, nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn; cần luật hóa trong các quy định pháp luật để bảo đảm bình đẳng giữa hai chủ thể trong thương lượng tập thể giữa tổ chức của NLĐ và NSDLĐ.
Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho biết: Vì bản chất của Nghị quyết này có giá trị như một đạo luật, do đó, trên cở sở nghị quyết này, một loạt các hoạt động lập pháp phải tiến hành mà chủ yếu là nội luật hóa việc thừa nhận các quy tắc ứng xử trong Công ước số 98. Cụ thể, khoản 1 Điều 3 tôi đề nghị đưa nội dung căn cứ vào Công ước 98 trước khi giao cho Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao.
Xung quanh vấn đề này, ông Bùi Văn Cường - Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam khẳng định, hiện công tác chuẩn bị về hồ sơ và cơ sở pháp lý đang được gấp rút hoàn thiện.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường giải trình làm rõ một số vấn đề các ĐBQH quan tâm. (Ảnh: VPQH)

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường giải trình làm rõ một số vấn đề các ĐBQH quan tâm. (Ảnh: VPQH)

"Chúng tôi đã hoàn thiện hồ sơ để sửa đổi Luật Công đoàn. Vừa rồi, Uỷ ban Các vấn đề xã hội và Uỷ ban Pháp luật đã tiến hành cho ý kiến, chúng tôi đang hoàn thiện lạị, và lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong tháng 6, chúng tôi sẽ trình cho cấp có thẩm quyền theo đúng quy định", ông Cường phát biểu.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, đây là thời điểm “chín muồi” để Việt Nam tham gia Công ước 98. Các quy định của Công ước 98 sẽ được Việt Nam thực thi hiệu quả.
Theo đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã thiết kế 9 nội dung kế hoạch hành động khi Công ước 98 được phê chuẩn, đi kèm với đó là sẽ rà soát lại các hành lang pháp luật về người lao động một cách đồng bộ.
Băn khoăn về kinh phí CĐ 2%
Theo các đại biểu, hiện nay về cơ bản hệ thống pháp luật của Việt Nam đã đảm bảo các yêu cầu của công ước này. Tuy nhiên, còn một số điểm chúng ta cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp, trong đó có việc sử dụng kinh phí CĐ 2% do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng trên tổng tiền lương.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) đề nghị Chính phủ làm rõ việc khoản 2 điều 26 luật Công đoàn quy định người sử dụng lao động (NSDLĐ) nộp 2% trên tổng quỹ tiền lương cho quỹ CĐ có bị coi là hành vi can thiệp vào tổ chức CĐ, vi phạm điều 2 công ước hay không.
Theo đại biểu này, đương nhiên đây là hành vi can thiệp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vào tổ chức CĐ, vì NSDLĐ là người nộp CĐ phí. Việc hiện cả chủ sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) đều được coi là đoàn viên CĐ, theo luật CĐ hiện hành, cũng được ông Lợi cảnh báo là hành vi chi phối của NSDLĐ, vi phạm công ước.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội phát biểu. (Ảnh: VPQH)

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội phát biểu. (Ảnh: VPQH)

Về vấn đề này, Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) phát biểu: “Trong nhiều diễn đàn, trước sự quan tâm của các đối tác quốc tế, chúng tôi đã trao đổi là tổ chức công đoàn không sử dụng kinh phí hoạt động từ Chính phủ, không bị can thiệp công đoàn; 2% kinh phí công đoàn được sử dụng cho nhiệm vụ trong toàn hệ thống, bao gồm lương và các hoạt động thường xuyên, các hoạt động chăm lo, bảo vệ người lao động, ví dụ như xây dựng thiết chế công đoàn cho NLĐ”.
Trong khi đó, Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Bùi Văn Cường (đoàn Gia Lai) đồng tình với quan điểm cho rằng phải thiết kế lại quy định theo hướng kinh phí 2% đó chia cho các tổ chức đại diện NLĐ, tùy theo số lượng thành viên tham gia.
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho biết, 2% kinh phí công đoàn là một chính sách của Đảng và Nhà nước để tổ chức công đoàn thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ cho người lao động. Vì thế, hệ thống tài chính của công đoàn là theo hệ thống dọc. Cũng có ý kiến nêu rằng có thể xem xét về 2% kinh phí công đoàn.
“Việc này chúng tôi hoàn toàn nhất trí, vì trong thể chế chúng ta, tổ chức công đoàn đang thực hiện các nhiệm vụ của một tổ chức chính trị xã hội, cán bộ công đoàn được xác định là công chức trong hệ thống chính trị, nếu xem xét lại việc này thì đồng nghĩa với việc ngân sách nhà nước phải cấp”, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN nói.
Ông nói thêm, hiện nay trong 2% kinh phí công đoàn thì có 69% được dành cho công đoàn cơ sở để tổ chức hoạt động, còn 31% dành cho các cấp công đoàn từ Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tới Tổng Liên đoàn để trả lương cán bộ và tổ chức các hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ cũng như xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho người lao động.
Từ đó, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN nhấn mạnh, 2% kinh phí công đoàn này được dùng theo đúng quy định của pháp luật và quy định của công đoàn về tài chính.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết sẽ cùng với Tổng LĐLĐ nghiên cứu việc này và trình QH ở thời điểm thích hợp.
CĐ cấp trên sẽ tham gia thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam thừa nhận, hiện nay khi thương lượng, ký kết các thỏa ước lao động tập thể trong các doanh nghiệp (DN) còn rất nhiều hạn chế. Mới chỉ có hơn 60% DN có tổ chức CĐ chịu ký kết thỏa ước lao động tập thể.
Số lượng DN chưa chịu ký kết các thỏa ước lao động tập thể giữa người lao động và chủ sử dụng lao động thông qua tổ chức CĐ còn rất nhiều. Do đó, ông Bùi Văn Cường Cường cho biết tới đây sẽ làm việc với phía đại diện cho chủ sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh Các hợp tác xã, Hiệp hội DNNVV Việt Nam, để ký thỏa ước lao động tập thể khung cấp quốc gia; ký thỏa ước lao động tập thể ngành và sau đó ký thỏa ước lao động tập thể cấp DN".
Ông Hiện nay, theo ông Bùi Văn Cường, luật mới chỉ cho ký thoả ước lao động tập thể cấp DN và cũng đang có nhưng bất cập. Bởi chủ tịch CĐ hưởng lương tại DN và nếu như đấu tranh mạnh cho quyền của người lao động thì "thưa với các ĐBQH, người sử dụng lao động sẽ tìm cách sa thải hoặc tìm cách gây khó dễ".
Vì thế luật cần phải thiết kế giống như các nước, quốc gia trên thế giới. CĐ cấp trên - tức tổ chức người lao động cấp trên sẽ tham gia vào thương lượng ký kết này thì mới có thoả ước lao động tập thể tốt, nhất là tới đây từ 2021 chúng ta sẽ thực hiện nghị quyết về tiền lương mới, thì người sử dụng lao động và đại diện của người lao động sẽ thoả thuận về tiền lương.
"Nếu vẫn để chủ tịch CĐ cơ sở hay đại diện của người lao động ở cơ sở mà ký kết thoả ước lao động tập thể thì không bao giờ có được quyền lợi tốt cho người lao động", ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh
Hôm 29/5, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thay Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình Quốc hội về tờ trình gia nhập Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Phó Chủ tịch nước cho biết, Công ước 98 về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể là một trong 8 công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).Công ước đã được ILO thông qua năm 1949 và tính đến tháng 1/2019 đã có 165/187 quốc gia là thành viên của ILO thông qua.
Theo Phó chủ tịch nước cho biết Công ước 98 có 3 nội dung cơ bản: thứ nhất là bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn của người sử dụng lao động. Thứ 2, bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động. Thứ 3, những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể, tự nguyện, thiện chí.
Khi tham gia Công ước số 98, Việt Nam sẽ phải hoàn thiện pháp luật và có những biện pháp phù hợp, hiệu quả để đáp ứng yêu cầu đề ra về chống phân biệt đối xử, chống can thiệp thao túng đối với CĐ, cũng như thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện một cách hiệu quả và thực chất.
Sau khi gia nhập Công ước, Việt Nam có nghĩa vụ tuân thủ báo cáo định kỳ (3 năm một lần) hoặc báo cáo đột xuất về các biện pháp đã tiến hành để tạo hiệu lực cho các điều khoản của Công ước theo quy định tại Điều 22 Điều lệ của ILO.

Minh Thu (Tổng hợp)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm