Phát triển bền vững và toàn diện thị trường tài chính
Vi phạm quy định về nghĩa vụ quân sự 2023 bị xử phạt ra sao? / Giám đốc Công an Hà Nội lý giải vì sao 4.700 cán bộ, chiến sĩ xin ra khỏi ngành
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần 5
Cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Chính phủ tổ chức với chủ đề "Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức". Diễn đàn được tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, với sự tham dự của trên 1.000 đại biểu trong nước, quốc tế.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng nhấn mạnh, phải xác định sắp tới khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, để phải đoàn kết, kỷ cương, không hoang mang, lo sợ mà luôn bình tĩnh, bản lĩnh, linh hoạt, đổi mới sáng tạo kịp thời hiệu quả.
Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, vướng mắc đang tồn tại trong một số thị trường như thị trường chứng khoán dễ bị "thổi" lên. Nhiều trái phiếu doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm, lãi suất cao đi kèm rủi ro nhưng không tư vấn cho khách hàng... Lĩnh vực ngân hàng có tình trạng sở hữu chéo. Thị trường bất động sản tập trung vào phân khúc cho người giàu. Do đó, Thủ tướng yêu cầu phải xử lý nghiêm minh, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để làm lành mạnh hóa các thị trường, phát triển công khai, minh bạch, an toàn, đúng hướng, đúng bản chất, hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Thủ tướng đề nghị các cơ quan quản lý nắm chắc, bám sát tình hình, phản ứng chính sách kịp thời hơn nữa.
Về vĩ mô, Thủ tướng khẳng định thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt và hiệu quả; tìm điểm cân bằng giữa tăng trưởng và lạm phát để có ưu tiên; cân bằng và điều hòa giữa tỷ giá và lãi suất. Thực hiện chính sách tài khoá mở rộng, tập trung có trọng tâm, trọng điểm, giao Bộ Tài chính triển khai hiệu quả.
Giải pháp phát triển bền vững và toàn diện thị trường tài chính Việt Nam
Các chuyên gia tham dự diễn đàn đã đóng góp nhiều giải pháp để phát triển bền vững và toàn diện thị trường tài chính Việt Nam, bao gồm cả thị trường vốn và tài chính ngân hàng. Đặc biệt trước thách thức lớn của thị trường tài chính Việt Nam hiện nay là chủ yếu nguồn vốn vẫn phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng, trong khi đó dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới chỉ chiếm 12,5%, nhưng lại chưa được phát huy tốt.
Minh bạch thông tin là giải pháp quan trọng giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và sôi động trở lại. (Ảnh minh họa - Ảnh: VGP)
Đánh giá về hệ thống ngân hàng, theo chuyên gia, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có những chỉ đạo kịp thời để hạ mặt bằng lãi suất huy động, từ đó tạo tiền đề giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Thời gian qua, một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động gây nên tình trạng huy động gay gắt.
"Cần phải đẩy nhanh hơn quá trình cơ cấu lại hệ thống tài chính ngân hàng, đặc biệt là các tổ chức tài chính yếu kém để đảm bảo, một là phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, hai là đảm bảo an toàn bền vững hệ thống và tránh những hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh", ông Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, nhận định.
Cũng theo ông Lực, chính sách tiền tệ hiện nay cần vừa đảm bảo cung ứng vốn, vừa đảm bảo thanh khoản, không để ngân hàng thương mại nào, kể cả ngân hàng nhỏ, rơi vào tình trạng mất thanh khoản.
Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, theo Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, tổng quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp 11 tháng đầu năm nay chỉ đạt khoảng 336.000 tỷ đồng, giảm hơn 57% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để lấy lại tốc độ tăng trưởng cho thị trường này, nhiệm vụ cho năm 2023 là phải đảm bảo xử lý thật tốt nhu cầu về trái phiếu đáo hạn trong năm tới, nhất là doanh nghiệp bất động sản. Đặc biệt, minh bạch thông tin là giải pháp quan trọng giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và sôi động trở lại.
"Minh bạch thông tin là chìa khóa của mọi giải pháp. Minh bạch thông tin không có nghĩa là doanh nghiệp phải công bố đại chúng mọi thông tin của mình, mà có nghĩa là doanh nghiệp nên chủ động làm việc với các nhà đầu tư, các trái chủ, các ngân hàng thông qua đại diện của chủ nợ để chủ động tháo gỡ thông tin về tình hình tài chính, dự kiến hoạt động của mình và những khó khăn để có thể tái, hoãn, hoặc đàm phán lại các điều khoản nợ", ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinRatings, cho biết.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề xuất một số giải pháp ngắn hạn nhằm khôi phục thị trường trái phiếu doanh nghiệp như đẩy nhanh tiến độ xử lý và tái cấu trúc nợ, có liệu pháp riêng cho các nhà phát hành gặp nhiều vướng mắc và khai thông trái phiếu chào bán ra công chúng qua việc áp dụng phê duyệt nhanh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo