Tin tức - Sự kiện

Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam chú trọng chất lượng

DNVN - “Định hướng phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam trong giai đoạn tới chú trọng đến chất lượng, đóng góp của lực lượng doanh nghiệp KHCN cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và quốc gia”, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Phạm Hồng Quất cho biết.

Đăng ký doanh nghiệp tháng 1/2021 có nhiều khởi sắc / Doanh nghiệp châu Âu lạc quan về kinh tế Việt Nam năm 2021

Khoa học và công nghệ luôn đóng vai trò tiên phong cho sự phát triển, kinh tế, xã hội, trong đó các doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN) là nòng cốt, đóng vai trò chủ đạo. Để khuyến khích thành lập và phát triển doanh nghiệp KHCN, nhiều ưu đãi về thuế, đất đai, ưu đãi về tín dụng và các chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước… đã được ban hành. Tuy nhiên, thống kê thực tế cho thấy số lượng doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn ít so với tổng số hàng nghìn doanh nghiệp đang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KHCN.
Tiến sĩ Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) - trả lời phỏng vấn Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam về các vấn đề liên quan đến phát triển doanh nghiệp KHCN.
Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Phạm Hồng Quất.

Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Phạm Hồng Quất.

Thưa ông, xin ông cho biết một số thông tin về tình hình phát triển doanh nghiệp KHCN hiện nay?
Hiện nay, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã cùng các Sở Khoa học và Công nghệ triển khai nghị định 13/2019 của Chính phủ về Doanh nghiệp KHCN, từng bước tháo gỡ các khó khăn cho các doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục đăng ký công nhận doanh nghiệp KHCN.
Tính đến hết năm 2020, cả nước có 538 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trên tổng số 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KHCN.
Trong thời gian tới, Cục và các Sở KHCN sẽ tiếp tục hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp về thủ tục đăng ký doanh nghiệp KHCN.
Số liệu thống kê cho thấy số doanh nghiệp được cấp chứng nhận doanh nghiệp KHCN trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KHCN còn ít. Nguyên nhân của thực trạng này là gì, thưa ông?
Chiến lược phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2011-2020 đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2020 Việt Nam sẽ có 5.000 doanh nghiệp KHCN, tuy nhiên thực tế đạt được không như mong muốn. Có nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp không “mặn mà” đăng ký thành doanh nghiệp KHCN.
Thứ nhất, cơ chế, chính sách vẫn còn những khó khăn là rào cản cho các doanh nghiệp. Ví dụ như: Cơ chế giao quyền sở hữu, sử dụng kết quả nghiên cứu được hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước còn nhiều thủ tục phức tạp, đặc biệt là việc đánh giá, định giá kết quả nghiên cứu giao cho doanh nghiệp còn khó khăn.
Những cơ chế, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp KHCN được quy định trong rất nhiều văn bản, từ luật cho đến nghị định, nhưng việc triển khai thực thi trong thực tiễn còn nhiều vấn đề, đặc biệt là thủ tục ưu đãi về thuế, quyền sử dụng đất cho hoạt động nghiên cứu, sản xuất sản phẩm KHCN, cơ chế vay tín dụng hỗ trợ các dự án sản xuất, kinh doanh sản phẩm KHCN, xác nhận dự án đầu tư mới trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ… còn nhiều khó khăn.
Thêm nữa, hệ thống các văn bản và cơ chế thực thi các quy định về quỹ phát triển KHCN ở doanh nghiệp – là một chính sách rất quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp thành lập các quỹ phát triển KHCN nhằm đầu tư, phát triển và thương mại hóa các sản phẩm KHCN mới, từ đó hình thành doanh nghiệp KHCN – còn nhiều khó khăn.
Nguyên nhân thứ hai đến từ phía các doanh nghiệp. Mặc dù các cơ quan nhà nước đã cải thiện rất nhiều về mặt thủ tục để tạo thuận lợi tối đa nhưng nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện vẫn giữ tâm lý e ngại trong việc lập hồ sơ, làm thủ tục đăng ký công nhận doanh nghiệp KHCN.
Một lưu ý là doanh nghiệp cần có ý thức tự bảo vệ tài sản trí tuệ của mình bằng cách đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Khi đã có những văn bằng bảo hộ ở cấp quốc gia thì thủ tục thành lập doanh nghiệp KHCN sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn ngại ngùng trong việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình, điều này phần nào làm khó cho doanh nghiệp khi đăng ký thành doanh nghiệp KHCN.
Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam được thành lập sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp KHCN.

Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam được thành lập sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp KHCN.

Vậy theo ông cần làm gì để thu hút các doanh nghiệp đăng ký công nhận là doanh nghiệp KHCN nhiều hơn?
Về cơ chế chính sách thì cần tiếp tục hoàn thiện để giảm thiểu tối đa các thủ tục có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp. Hiện nay, tất cả những quy định mà theo phản ánh của doanh nghiệp là có thể gây tâm lý e ngại khi đăng ký công nhận doanh nghiệp KHCN, ví dụ như mô tả kĩ quá trình ươm tạo, quy trình công nghệ để tạo ra sản phẩm, đã được khắc phục hết. Trong nghị định 13/2019 không yêu cầu doanh nghiệp phải mô tả kĩ những thứ liên quan đến bí quyết công nghệ, quy trình ươm tạo công nghệ, mà chỉ còn lại yêu cầu mô tả kĩ sản phẩm họ tạo ra có lợi thế như thế nào về mặt công nghệ, thị trường, kinh tế. Thực tế triển khai vừa rồi đã không còn vướng mắc nhiều về vấn đề thủ tục khai báo quy trình công nghệ nữa. Trong quá trình thực hiện nếu như còn có gì vướng mắc thì Cục sẵn sàng tiếp nhận những phản hồi từ doanh nghiệp.
Một giải pháp quan trọng là hỗ trợ chủ động và trực tiếp cho các doanh nghiệp KHCN và các doanh nghiệp tiềm năng trở thành doanh nghiệp KHCN. Các cơ chế này cần từng bước chuyển đổi và tạo thuận tiện hơn cho doanh nghiệp thì mới thu hút được các doanh nghiệp đăng ký trở thành doanh nghiệp KHCN.
Chương trình hỗ trợ cần có thay đổi để tác động đầu ra cho doanh nghiệp KHCN nhiều hơn, chứ không chỉ hỗ trợ chính sách liên quan đến đầu vào. Ví dụ việc phát triển thị trường cho các sản phẩm KHCN mới thì doanh nghiệp đang rất khó khăn. Khi doanh nghiệp có được thị trường mới, cạnh tranh được với các sản phẩm ngoại nhập thì họ mới có doanh thu, lợi nhuận, khi đó các chính sách ưu đãi về thuế mới có tác dụng.
Trong các chính sách liên quan đến đầu ra cho doanh nghiệp KHCN hiện nay chưa có nhiều hỗ trợ liên quan đến việc mua sắm công. Những sản phẩm dành cho những khu vực cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước để mua sắm như y tế, giáo dục, môi trường, những công nghệ mới ứng dụng trong nông nghiệp, chế biến, vật liệu mới, xây dựng, vận tải… đều liên quan rất nhiều đến quản lý dự án có vốn đầu tư nhà nước. Chừng nào các doanh nghiệp KHCN có thể tiếp cận các thị trường này thì mới giải quyết được vấn đề đầu ra cho sản phẩm công nghệ mới, thương mại hóa được kết quả nghiên cứu của các viện, trường. Từ đó mới kích thích được các doanh nghiệp khởi nguồn từ các viện, trường thành lập doanh nghiệp, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của mình. Chỉ khi đó thì lực lượng doanh nghiệp KHCN mới không chỉ tăng về số lượng mà còn về chất lượng, từ đó mới hấp dẫn các doanh nghiệp khác, kể cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, đổi mới công nghệ, đứng vào hàng ngũ doanh nghiệp KHCN.
Về vấn đề tâm lý e ngại của doanh nghiệp khi làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp KHCN, cần khắc phục bằng cách tăng cường truyền thông, hướng dẫn, trợ giúp các doanh nghiệp, cần có các tổ chức tư vấn trực tiếp, thậm chí làm thay các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Khi đó, họ mới sẵn sàng tham gia vào lực lượng doanh nghiệp KHCN. Chúng tôi rất mong muốn Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và công nghệ Việt Nam tham gia nhiều hơn nữa vào giải quyết vấn đề này.
Định hướng phát triển doanh nghiệp KHCN giai đoạn mới chú trọng vào chất lượng. Trong ảnh: Tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam – BUSADCO với niềm vui vỡ òa trong ngày hợp long toàn tuyến kè Hồ Gươm với tổng chiều dài gần 1.500m sau 65 ngày đêm thi công, về đích trước 2 tháng so với thời gian yêu cầu.

Định hướng phát triển doanh nghiệp KHCN giai đoạn mới chú trọng vào chất lượng. Trong ảnh: Tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam – BUSADCO với niềm vui vỡ òa trong ngày hợp long toàn tuyến kè Hồ Gươm với tổng chiều dài gần 1.500m sau 65 ngày đêm thi công, về đích trước 2 tháng so với thời gian yêu cầu.

Định hướng phát triển doanh nghiệp KHCN trong giai đoạn tới là gì, thưa ông?
Hiện nay, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ được giao nhiệm vụ xây dựng một dự thảo chương trình hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ và doanh nghiệp KHCN năm 2021, định hướng đến năm 2030. Những giải pháp hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ đầu ra cho doanh nghiệp KHCN sẽ được nhấn mạnh.
Định hướng mới không đưa ra các con số cụ thể mang tính số lượng mà chú trọng đến nội dung lực lượng doanh nghiệp KHCN đóng góp gì cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của quốc gia. Thậm chí, chỉ cần một vài doanh nghiệp dẫn dắt trong một số lĩnh vực thì đã có thể đóng góp rất lớn cho nền kinh tế, giống như ở một số nước. Nếu quá đông doanh nghiệp KHCN đăng ký nhưng thực tế họ không phát triển, không lớn mạnh được về chất lượng thì con số về số lượng không giải quyết được vấn đề gì. Vì thế, các chỉ tiêu về đóng góp cho kinh tế xã hội từ lực lượng doanh nghiệp KHCN sẽ có giá trị hơn rất nhiều.
Xin cảm ơn ông!

Bá Mạnh (Thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm