Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Bảo đảm an toàn dịch bệnh mới sản xuất bởi 'còn người, còn của'
Thủ tướng kiểm tra công tác chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh / Hà Nội siết chặt kiểm soát tại cửa ngõ, đảm bảo an toàn tuyệt đối dịp Quốc khánh
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra tình hình sản xuất của Công ty Pepperl+Fuchs tại Khu chế xuất Tân Thuận. Ảnh VGP/Đức Tuân |
Cùng đi có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Cao Lục.
Phó Thủ tướng và đoàn đã đến kiểm tra hoạt động của Công ty Pepperl+Fuchs, doanh nghiệp của Đức chuyên sản xuất sản phẩm về công nghệ như cảm biến, thiết bị truyền tín hiệu tại Khu chế xuất Tân Thuận; Công ty Dược phẩm An Thiên tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, kiểm tra tình hình hoạt động của Cảng Hiệp Phước; Công ty Chế biến lương thực thực phẩm Cholimex Food tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc; thị sát trung tâm phân phối, đi chợ thay, chuẩn bị túi thực phẩm của Quận 7 tại Ủy ban Trung ương MTTQ Quận 7 và làm việc với Sở Công Thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp-khu kinh TP Hồ Chí Minh (Hepza) về tình hình sản xuất trên địa bàn Thành phố hiện nay.
Các doanh nghiệp mà Phó Thủ tướng đến kiểm tra đều sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”, với số lượng công nhân làm việc chỉ còn 30-50% so với bình thường.
Đại diện Công ty Pepperl+Fuchs cho biết, doanh nghiệp đã thực hiện sản xuất theo phương thức “3 tại chỗ” từ ngày 12/7 với 206 công nhân trong số 879 lao động của công ty. Mỗi ngày công ty lo 3 bữa ăn cho người lao động, trong đó bữa trưa, chiều trị giá 30.000 đồng/suất/người. Một tuần công ty xét nghiệm tầm soát COVID-19 cho người lao động 2 lần. Công ty trả lương 175% cho những công nhân thực hiện "3 tại chỗ".
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nghe lãnh đạo Công ty An Thiên giới thiệu về túi thuốc an sinh mà công ty chuẩn bị cho các F0 tự điều trị. Ảnh VGP/Đức Tuân |
Còn theo đại diện Cholimex, công ty có hơn 1.800 lao động, giờ giảm 50%, chỉ còn hơn 900 lao động làm việc tại chỗ. Sản lượng hiện chỉ bằng 70% so với bình thường. Tuy nhiên, công ty đã duy trì sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” hơn 40 ngày qua. Mặc dù chi phí tăng cao do phải lo ăn ở tại chỗ, tiền phụ cấp cho công nhân, tiền xét nghiệm, công ty vẫn phải tiếp tục hoạt động để giữ bạn hàng, giữ thị trường, giữ chân người lao động.
Công ty Dược phẩm An Thiên - doanh nghiệp sản xuất thuốc, hiện đang tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” với hơn 120 công nhân. Công ty đang tích cực hoàn thành 10.000 túi thuốc an sinh dành cho các F0 tự chữa trị.
Theo lãnh đạo cảng Tân Cảng Hiệp Phước, từ ngày 8/7 cảng bắt đầu trực hiện “3 tại chỗ”, đồng thời truy vết những công nhân nghi nhiễm để sàng lọc cách ly và điều trị. Để hỗ trợ khách hàng nhận container hàng nhập dỡ từ tàu cập cảng Hiệp Phước, Tân Cảng Sài Gòn miễn phí giao nguyên container cho khách hàng, miễn phí lưu bãi, miễn phí 24 giờ vận hành container lạnh, hỗ trợ thực hiện thủ tục sửa vận đơn đổi cảng đích sau khi khách hàng đã hoàn tất đầy đủ các thủ tục trên hồ sơ giấy và trên hệ thống cổng thông tin một cửa quốc gia.
Các công ty như Pepperl+Fuchs, Cholimex cho biết, hiện các công nhân “3 tại chỗ” đã được tiêm phòng COVID-19 mũi một và nguyện vọng của công ty và người lao động là mong muốn được lực lượng y tế đến tận công ty để tiêm phòng mũi thứ hai.
Về việc Tổng LĐLĐ Việt Nam hỗ trợ mỗi công nhân thực hiện “3 tại chỗ” 1 triệu đồng để doanh nghiệp nấu ăn, doanh nghiệp cho rằng đây là việc làm thiết thực giúp nâng cao dinh dưỡng để người lao động có sức khỏe làm việc tốt hơn và chia sẻ với doanh nghiệp trong lúc này.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thăm trung tâm phân phối lương thực, thực phẩm, mô hình “đi chợ thay”, “túi thực phẩm” của Quận 7. Ảnh VGP/Đức Tuân |
Trưởng Ban Quản lý Hepza Hứa Quốc Hưng cho biết, TP Hồ Chí Minh xem lao động là đối tượng ưu tiên tiêm vaccine. Hiện nay, Thành phố có 290.000 lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và đến 86% số lao động đã được tiêm mũi 1. Số doanh nghiệp thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” đạt khoảng 49%, với 51.000 lao động. Ông Hưng nhìn nhận, doanh nghiệp gặp một số khó khăn khi áp dụng “3 tại chỗ” như chi phí tăng lên, trung bình phải bỏ ra 9 triệu đồng cho 1 lao động (chi phí ăn ở, phụ cấp…).
Cùng đi với đoàn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong hướng dẫn của Bộ Công Thương thì điều kiện để doanh nghiệp có thể tái sản xuất cần phải tiêm cho người lao động 1 mũi vaccine trở lên. Điều kiện thứ hai là người lao động phải được hỗ trợ xét nghiệm nhanh (2 ngày/lần), xét nghiệm PCR (1 tuần/lần) và phải tuân thủ nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, dù doanh nghiệp đã tiêm vaccine và xét nghiệm đầy đủ, nhưng tuyệt đối không được chủ quan để bảo đảm an toàn và giữ sức khỏe cho công nhân duy trì sản xuất.
‘Còn người, còn của’
Qua báo cáo, nắm tình hình và trực tiếp đi kiểm tra tại một số doanh nghiệp đang sản xuất “3 tại chỗ”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, các doanh nghiệp đều thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu, trước khi đi vào sản xuất, công nhân phải được xét nghiệm khẳng định âm tính với SARS-CoV-2. Dây chuyền sản xuất được sắp xếp phù hợp, bảo đảm giãn cách.
“Cần xác định rõ ‘còn người, còn của’, tính mạng, sức khoẻ của công nhân là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nói. Dứt khoát bảo đảm an toàn dịch bệnh mới được sản xuất và sản xuất phải an toàn. Đây là tiền đề cho việc duy trì, bảo đảm sản xuất trong điều kiện dịch bệnh.
Toàn bộ quá trình sản xuất “3 tại chỗ” phải thực hiên nghiêm các yêu cầu về chống dịch, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Doanh nghiệp bảo đảm ăn uống, sinh hoạt cho công nhân, trong đó lưu ý các sinh hoạt văn hoá, giải trí để công nhân yên tâm làm việc. Phó Thủ tướng cũng lưu ý doanh nghiệp phải chú ý bảo đảm an toàn khi nhận các suất ăn từ bên ngoài cho người lao động.
Phó Thủ tướng xem túi thực phẩm được chuẩn bị để phát cho người dân. Ảnh VGP/Đức Tuân |
Định kỳ tổ chức xét nghiệm cho công nhân để kịp thời phát hiện nếu có ca nhiễm. “Chỉ cần 1 công nhân nhiễm bệnh thì rất dễ lây lan ra cả dây chuyền, cả nhà máy, cả khu công nghiệp, tạo ra một ổ dịch”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Cần duy trì chặt chẽ công tác phòng chống dịch để bảo vệ thành quả “3 tại chỗ”. Chỉ một chút sơ hở thì công sức của cả ngàn người “đổ xuống sông xuống biển”.
TP Hồ Chí Minh, các khu công nghiệp, khu chế xuất cần hỗ trợ tối đa, tăng cường tuyên truyền, giải thích cho doanh nghiệp và công nhân để có thể duy trì sản xuất “3 tại chỗ”. Tuyên truyền để công nhân tự giác, chủ động phòng chống lây nhiễm, bảo vệ bản thân, doanh nghiệp và cộng đồng.
Cần quan tâm chăm lo, hỗ trợ công nhân lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh khi qua thực tế kiểm tra, Phó Thủ tướng cho biết, có những gia đình công nhân 4-5 người sống trong phòng trọ chật chội, chỉ có 8-9 m2, cuộc sống sẽ vô cùng khó khăn khi phải ngừng việc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
18 tỉnh thành có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá sau bão số 3
Kiều bào với khát vọng xây dựng đất nước hùng cường - Bài 1: Nguồn lực to lớn và quý giá
Khẩn trương giúp đỡ người dân ảnh hưởng bão số 3 vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất
Các lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão số 3 tại Hà Nội
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cấp bách khắc phục hậu quả bão số 3 và ứng phó với hoàn lưu bão
Hỗ trợ khẩn cấp 20 tỷ đồng khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất tại Sơn La, Điện Biên