Tấm lòng của kiến trúc sư, nhà báo Đà Nẵng với bệnh nhân suy thận mạn giữa mùa dịch Covid-19
Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng bác tin Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn bắt đầu đón bệnh nhân Covid-19 từ 11/8 / Đà Nẵng tiếp tục “cách ly toàn xã hội” theo Chỉ thị 16 kể từ 0h ngày 12/8
Đó là Kiến trúc sư Duy Nguyễn (Phòng Văn hóa – Xã hội, Văn phòng Đoàn ĐBQH – HĐND – UBND TP Đà Nẵng) và nhà báo Phan Chung (Báo Đà Nẵng). Thật ra, tấm lòng của họ không phải là đã giúp đỡ bao nhiêu tiền, bạc, thuốc men… mà ở chỗ trải qua công việc cụ thể của mình, họ đã ghi nhận và chia sẻ trên mạng xã hội những điều ít ai biết về những “kiếp người sống một cuộc sống dặt dẹo, lầm lũi qua ngày đoạn tháng”, về những người đang chiếm tỉ lệ lớn trong số các bệnh nhân đã tử vong do dịch Covid-19 ở Việt Nam tính đến nay.
Bệnh nhân suy thận mạn qua góc nhìn của Nhà báo Phan Chung (Báo Đà Nẵng).
Đó là những bệnh nhân suy thận mạn! Qua những ghi nhận, những chia sẻ trên mạng xã hội thông qua trang Facebook cá nhân của mình, kiến trúc sư Duy Nguyễn và nhà báo Phan Chung không chỉ bày tỏ tấm lòng của mình mà hơn thế, còn giúp cộng đồng nhìn thấy rõ hơn, tường tận hơn tấm lòng của chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng đối với các bệnh nhân này giữa cơn bão dịch Covid-19 đang tàn phá, và càng thấu hiểu rằng câu “không bỏ ai lại phía sau” không chỉ là lời nói suông.Được sự đồng ý của kiến trúc sư Duy Nguyễn và nhà báo Phan Chung, Doanh nghiệp Việt Nam xin giới thiệu và chuyển đến bạn đọc hai bài viết nêu trên của hai người, với mong mỏi qua đây sẽ khơi dậy được thêm nhiều sự đồng cảm, chia sẻ và giúp đỡ cho các bệnh nhân suy thận mạn!
Kiến trúc sư Duy Nguyễn.
KTS Duy Nguyễn – Ngày 11/8:THÀNH PHỐ - XỨ SỞ NGHĨA TÌNH!
Bệnh viện Đà Nẵng, bỗng nhiên là “tâm dịch”, cuộc họp ngay ngày đầu tiên đã bàn biện pháp “làm sạch” nhanh chóng để Bệnh viện sớm trở lại hoạt động khám chữa bệnh cho nhân dân. Bài toán khó càng thêm khó khi nhóm bệnh nhân chạy thận nhân tạo phải phụ thuộc vào máy móc tại “tâm dịch” mà nhóm này lại có nguy cơ cao.
Vậy, Thành phố đã làm gì?
Quan điểm: “Tất cả vì nhân dân”, cuộc họp nhanh chóng quyết và lập tức ngay trong ngày đã hình thành chuỗi mắc xích: Giao - Vận chuyển - Nhận & Khử khuẩn toàn bộ.
Bệnh nhân suy thận mạn và người nhà từ BV Đà Nẵng được bố trí ở khách sạn 3 - 4 sao...
Đội vận chuyển gồm 11 xe ngày 3 ca đưa các bệnh nhân từ khách sạn đến bệnh viện để chạy thận nhân tạo rồi đón về lại
Thành phố chúng tôi bố trí 2 khách sạn tiêu chuẩn 3 - 4 sao cho gần 300 bệnh nhân và người nhà (257 bệnh nhân và 37 người nhà), lo luôn chuyện ăn ở dù có đi sớm về khuya. Đội vận chuyển gồm 11 xe (30 chỗ và 45 chỗ) ngày 3 ca đưa các bệnh nhân từ khách sạn đến bệnh viện để chạy thận nhân tạo rồi đón về lại.
Mỗi xe chỉ chở 4 - 6 người để đảm bảo giãn cách và mỗi xe chỉ chở nhóm bệnh nhân cố định để hạn chế tối đa việc lây nhiễm chéo. Dĩ nhiên đội khử khuẩn luôn làm việc chăm chỉ cẩn thận.
Nửa tháng nay, nhóm thực hiện công tác chưa từng gặp mặt nhau, nhưng tình thân đã như anh em, cùng nhau chịu thương chịu khó để phục vụ cho các bệnh nhân thận. 10 đêm đầu các anh chị em không ngủ trước 0h00, những đêm gần đây thì đỡ vất vả hơn vì vào nề nếp và được tăng cường người cũng như xe. Ấy vậy mà không ai than vãn, ngược lại còn lạc quan, vui vẻ và thường động viên nhau.
Ban ngày cũng như buổi tối
Chúng tôi yêu Thành phố mình, yêu những chủ trương đầy tính NHÂN VĂN thấm đẫm tình người. Trong gian khó mới thật cảm nhận sâu sắc, rõ nét những chân giá trị.Nếu bạn biết Thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ đến 80% phí
chữa bệnh trên chục năm qua. Nếu bạn biết cần làm sạch “tâm dịch” nhưng cũng
cần duy trì chữa bệnh cho bệnh nhân nguy cơ cao. Bài toán khó nhưng Thành phố
vẫn quyết làm bằng được vì bệnh nhân là nhân dân rơi vào nghịch cảnh.
Vẫn xuyên suốt một tinh thần đậm NGHĨA TÌNH qua các chủ trương của nhiều thế
hệ.
Bạn biết rồi, hẳn bạn đã yêu Thành phố này như tôi!
Nhà báo Phan Chung – Ngày 1/8:
KHÓ NHỌC SỐNG QUA KIẾP NGƯỜI:
Vậy là đã có 2 ca nhiễm Covid-19 tử vong. Họ không ai khác, chính là những bệnh nhân suy thận mạn sống một cuộc sống dặt dẹo, lầm lũi qua ngày đoạn tháng. Rồi bỗng nhiên đổ sụp xuống, dừng bước hành trình bởi liên quan virus SARS-CoV-2.
Nhà báo Phan Chung cùng đồng nghiệp trên đường đi tác nghiệp.
Nếu ai đã từng một lần đến khu nhà trọ cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo trong BV Đà Nẵng sẽ thấy, 38 con người nơi đây khổ sở cùng cực đến mức nào. Người ta vẫn nói đây là căn bệnh nhà nghèo vì bao nhiêu tiền bạccũng đội nón ra đi hết. Thận hỏng, họ phải chạy thận 3 lần/tuần để lọc máu và duy trì chút sức lực yếu ớt còn lại.
BHYT chỉ chi trả 80% chi phí cho bệnh nhân chạy thận. So với hiện tại, họ phải thanh toán trên dưới 2 triệu đồng/tháng. Nhưng may là từ năm 2011, trong một lần đến thăm, ông Nguyễn Bá Thanh đã quyết định chính quyền TP Đà Nẵng chi trả số tiền còn lại mà BHYT không thanh toán, cho các bệnh nhân là người Đà Nẵng, Quảng Nam.
Trong khu nhà trọ ấy, có người đã ở gần 10 năm ròng, tuần 3 lần đến lịch lại lên nằm cạnh chiếc máy vô tri. Có thanh niên tuổi ngoài 25 đùa rằng chưa từng biết mùi phụ nữ vì 8 năm nay mải đi chạy thận, sức khỏe không, tiền không thì có ai yêu cơ chứ. Có người xa con khi còn bé xíu, rồi chồng bỏ đi biền biệt, ngậm ngùi nhờ ông ngoại chăm con khi đã chân yếu, tay run..., suy thận mạn kéo theo mắt mờ, suy tim, suy hô hấp.
Có người mong lắm một giấc ngủ nằm thôi. Bởi suy thận gây ứ nước, hễ nằm xuống nước chèn lên phổi, tức ngực không thể thở được. Mỗi người ôm một chiếc gối vật vờ ngủ ngồi nơi góc giường. Nửa đêm, nghe tiếng hò nhau mang xe lăn vào chuyển một người bạn phòng bên đi cấp cứu vì huyết áp tăng đột ngột. Vậy mà ngày mai họ vĩnh viễn chẳng còn gặp lại bạn mình nữa!
Mất sức lao động, phần lớn là nhà nghèo, họ sống qua ngày bằng tình thương của người khác. Dặt dẹo, vật vờ, lòng tự trọng chai mòn và tan biến dần theo những bữa ăn họ phải kiếm vội từ các nhà hảo tâm. Bởi chậm trễ thôi, hết suất!
Bấy nhiêu thôi đã thương cảm rồi. Có lẽ, họ sẽ dừng bước hành trình vì biến chứng của suy thận mạn, hơn là có sự xuất hiện của tác nhân SARS-CoV-2.
Hôm nay, nhận được tin nhắn của một nhân viên y tế đang cách ly trong Bệnh viện Đà Nẵng bảo rằng, mọi người không cần hỏi thăm và động viên bọn mình nữa đâu, vì ai ai cũng thương, an ủi, động viên rồi. Bởi thực tế người đáng thương hơn, nhìn cảnh mà không kìm được lòng đó chính là bệnh nhân và người nhà bệnh nhân lúc này.
Thương lắm, xót lắm mà lực bất tòng tâm!
Với bệnh nhân chạy thận, họ không dám mơ chi xa xôi, chỉ mong ngày mai giống như ngày hôm nay vậy. Khó nhọc sống qua kiếp người!
End of content
Không có tin nào tiếp theo