Tin tức - Sự kiện

Tăng tuổi nghỉ hưu: Luật đã chốt, người lao động chưa sẵn sàng?!

Quy định tăng tuổi nghỉ hưu trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua hồi tháng 11 vẫn đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.

Trao giải cuộc thi vẽ tranh “Rừng ngập mặn bảo vệ cuộc sống, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu” / Tây Nguyên và Trung Bộ đối diện với khô hạn kỷ lục

Đối phó với thách thức già hóa dân số

Theo đó, Bộ luật được thông qua điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam (vào năm 2028) và đủ 60 tuổi đối với nữ (vào năm 2035). Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động là đủ 60 tuổi 3 tháng với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ. Đối với người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.... có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn. Lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao được nghỉ hưu muộn hơn, nhưng không quá 5 năm so với quy định.

Bộ luật Lao động sửa đổi lần này đã mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh đến toàn bộ lực lượng lao động nhưng trước mắt các chính sách lao động được thực hiện chủ yếu vẫn trong khu vực chính thức, khu vực nhà nước là chính, với tỷ lệ làm công hưởng lương hiện nay chiếm đến 40%”Bà Nguyễn Thị Lan Hương

“Đây là lộ trình bảo đảm tính bền vững của quỹ an sinh xã hội nói chung và quỹ hưu trí nói riêng trước thách thức già hóa dân số” - ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), người từng có nhiều năm tham gia bàn thảo sửa đổi Bộ luật Lao động các lần trước đó khẳng định.

Tăng tuổi nghỉ hưu cũng là một trong những giải pháp quan trọng của quá trình đổi mới chính sách bảo hiểm xã hội, để làm sao đảm bảo cân bằng hơn giữa đóng và hưởng. “Thực tế, quá trình cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm hưu trí chúng ta đã bắt đầu thực hiện từ năm 2011 cho đến nay, với nhiều giải pháp điều chỉnh mức đóng và mức hưởng cho phù hợp. Chẳng hạn, trước năm 2010, mức đóng của người sử dụng lao động chỉ có 11% và người lao động 5%, thì bây giờ người sử dụng lao động phải đóng trên 14% và người lao động đóng 8% vào quỹ hưu trí này. Mức đóng hiện nay cũng phải trên tổng thu nhập chứ không chỉ có tiền lương. Còn tăng tuổi nghỉ hưu thực chất là tăng thời gian đóng, về mức hưởng chúng ta cũng đang phải điều chỉnh dần. Ví dụ, trước đây đóng 15 năm được hưởng 45%, từ năm 2018 bắt đầu quá trình điều chỉnh lên dần. Để hưởng mức tối đa thì lao động nam phải đóng đủ 30 năm và nữ là 25 năm đóng bảo hiểm xã hội thì mới được hưởng mức tối đa 75%, nếu thời gian đóng ít hơn thì không được hưởng mức tối đa đó” - ông Phạm Minh Huân phân tích.

Phương án tăng tuổi nghi hưu như Quốc hội quyết định là giải pháp để tăng thời gian đóng nhằm bảo đảm cân bằng hơn quỹ trong điều kiện tuổi thọ tăng thì thời gian hưởng bảo hiểm xã hội sẽ kéo dài hơn.

Thực tế, từ năm 2008 Bộ LĐ-TB&XH đã phải nghiên cứu, đánh giá tác động về tính bền vững của quỹ hưu trí cũng như đưa ra giải pháp tăng tuổi nghỉ hưu. Trong đó, đã báo cáo Quốc hội 2 lần vào các năm 2012 khi sửa đổi Bộ luật Lao động và năm 2014 khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội. Nhưng đến năm 2019, Quốc hội mới quyết định vấn đề này. Đứng về mặt chính sách rõ ràng đây là giải pháp rất quan trọng để vượt qua thách thức khi quá trình già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng, thách thức của quá trình phát triển chúng ta gặp phải để bảo đảm tính bền vững của quỹ.

Quy định tác động thế nào đến thị trường lao động?

Sau khi Bộ luật được thông qua, nhiều người lao động tỏ ra lo lắng về cánh cửa nghỉ hưu, dưỡng già của mình. Anh Phùng Khắc Hiếu – nhân viên Bộ Giáo dục Đào tạo bày tỏ quan điểm: “Nhiều thanh niên thất nghiệp chỉ mong ngóng người cao tuổi về hưu để được thế chỗ, đứng vào hàng ngũ công nhân viên chức. Còn người già mong mau chóng về hưu để nghỉ ngơi vui vầy bên con cháu thì lại phải chờ thêm vài năm mới được hưởng lương hưu. Tăng tuổi nghỉ hưu khiến lực lượng lao động trên thị trường bị ảnh hưởng không ít”.

Tăng tuổi nghỉ hưu: Luật đã chốt, người lao động chưa sẵn sàng?! - ảnh 2

Infographic về tăng tuổi nghỉ hưu.Vnexpress

Nhiều chị em phụ nữ cũng tỏ ra bối rối khi cho rằng, phụ nữ 55 tuổi là hết sức lực rồi, làm sao “cày” đến 60 tuổi? Ở tuổi 60, năng suất lao động của phụ nữ giảm sút rõ rệt, nếu tiếp tục sử dụng sẽ không hiệu quả...

Nói về phản ứng này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, sự thay đổi của bất kỳ chính sách nào, dù nhỏ, cũng ảnh hưởng, tác động đến nhiều người, nhiều phía. Trong khi đó, việc tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình sẽ tác động trực tiếp đến từng cá nhân người lao động và gia đình họ, nên nhiều người lo lắng là điều dễ hiểu. “Ở vị trí của người lao động, ai cũng mong muốn làm ít, tham gia bảo hiểm xã hội trong thời gian ngắn, khi về hưu vẫn hưởng lương cao. Tuy nhiên, theo xu hướng phát triển, chính sách bảo hiểm xã hội phải tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng. Người nào đóng bảo hiểm xã hội cao, kéo dài trong nhiều năm, thì khi về hưu sẽ nhận lương cao và ngược lại. Đây cũng là giải pháp bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi” – ông Lợi nói.

Nói gì thì nói, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ có tác động nhất định đến thị trường lao động, việc làm, sức khỏe, năng suất lao động, đặc biệt là tâm lý. Theo ông Phạm Minh Huân, “những vấn đề này ở khu vực công thì có tác động nhưng có thể khắc phục được. Tuy nhiên, ở khu vực thị trường lao động tự do sẽ khó khăn hơn rất nhiều, đó là lý do trong quá trình xin ý kiến tuổi nghỉ hưu đa số người lao động và người sử dụng lao động đều không muốn hoặc họ chưa sẵn sàng về việc này. Do đó, về lộ trình tăng của phương án là phù hợp để giảm bớt những tác động đến thị trường lao động, vấn đề việc làm…”.

Còn theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, quy định tăng tuổi nghỉ hưu sẽ không gây nhiều tác động xấu đến thị trường lao động, thậm chí có dấu hiệu tích cực theo hướng tăng chất lượng lao động lên.

“Bộ luật Lao động sửa đổi lần này đã mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh đến toàn bộ lực lượng lao động nhưng trước mắt các chính sách lao động được thực hiện chủ yếu vẫn trong khu vực chính thức, khu vực nhà nước là chính, với tỷ lệ làm công hưởng lương hiện nay chiếm đến 40%. Riêng khu vực FDI được cho là không tác động nhiều vì có tỷ lệ lao động trẻ cao hơn” - bà Nguyễn Thị Lan Hương nhận định.

 

Ở phía doanh nghiệp, theo phân tích của Hương thì ở giai đoạn đầu sẽ có những tác động nhất định nhưng sẽ chủ yếu “rơi” vào nhóm doanh nghiệp nhà nước, còn khu vực tư nhân có thể không ảnh hưởng lớn do nhiều người lao động không nghỉ hưu đúng tuổi. Về mặt lý thuyết, trong thời gian ngắn hạn từ 3 – 5 năm, doanh nghiệp có thể chịu tác động do chưa chuẩn bị kịp, nhưng chúng ta có thể giảm tác động của việc tăng tuổi hưu bằng cách thông báo trước khi áp dụng vào năm 2021. Kinh nghiệm của nhiều nước khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đều phải làm như vậy.

Người lao động hiện nay có thể làm việc ở rất nhiều nơi, nhiều công việc, thậm chí vừa làm chủ vừa làm thợ, quá trình dịch chuyển lao động cũng diễn ra linh hoạt. Do đó, đi liền với tăng tuổi nghỉ hưu cần có những chính sách sử dụng lao động hiệu quả để thị trường lao động không bị quá xáo trộn.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm