Tin tức - Sự kiện

Thách thức lớn trong việc đồng bộ hộ chiếu vaccine toàn cầu

DNVN - Hộ chiếu vaccine được coi như điều kiện tất yếu để đi lại trên thế giới trong thời gian tới. Nhưng nếu như thị thực được thống nhất sử dụng giữa hai quốc gia hoặc trong một nhóm khu vực, thì hộ chiếu vaccine đang và sẽ gặp phải nhiều vấn đề trước khi đi đến thống nhất để mọi người có thể đi lại bình thường trong ít nhất vài ba năm tới.

Việt Nam sẽ triển khai “hộ chiếu vaccine” trên tinh thần an toàn trên hết / WHO đánh giá cao hệ thống quản lý vaccine của Việt Nam

Hộ chiếu vaccine được coi như điều kiện tất yếu để đi lại trên thế giới trong thời gian tới. Nhưng nếu như thị thực được thống nhất sử dụng giữa hai quốc gia hoặc trong một nhóm khu vực, thì hộ chiếu vaccine đang và sẽ gặp phải nhiều vấn đề trước khi có thể thống nhất để mọi người có thể đi lại bình thường trong ít nhất vài ba năm tới.

Hiện tại trên thế giới đã có một vài loại giấy thông hành vaccine được đưa ra và sử dụng bởi các nhóm khác nhau.

Green Pass (tạm dịch: thẻ thông hành xanh), hay gọi đầy đủ là Digital Green Certificate là một trong những sáng kiến về hộ chiếu vaccine do Ủy ban châu Âu đề xuất sử dụng cho cộng đồng các nước thuộc liên minh châu Âu EU vào ngày 18/3 vừa qua. Green Pass được áp dụng đối với những du khách đã được tiêm phòng vaccine và đóng vai trò tương tự như một giấy chứng nhận đã tiêm phòng, có hiệu lực 6 tháng tính từ thời điểm tiêm phòng liều vaccine thứ hai. Ngoài ra, các bệnh nhân từng nhiễm Covid-19 và đã khỏi bệnh cũng sẽ được cấp Green Pass, có hiệu lực cho đến hết tháng 6 năm nay. Các thẻ thông hành Green Pass này sẽ do Bộ Y tế các nước cấp, các cơ quan y tế thấp hơn Bộ sẽ không được phép ban hành giấy thông hành này. Hiện các địa điểm chấp nhận Green Pass bao gồm phòng gym, hồ bơi, nhà hàng, quán cà phê, khách sạn, sân vận động và các địa điểm sự kiện khác trong khu vực EU và cả một số nước ngoài EU như Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sỹ.

Common Pass (tạm dịch: thẻ thông hành chung) là một sản phẩm của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), tổ chức phi lợi nhuận Common Project và quỹ Rockefeller tạo nên và phát triển nhằm giúp người dùng truy cập được các thông tin về xét nghiệm, tình trạng tiêm phòng vaccine của du khách. Common Pass đã được thí điểm trên các chuyến bay giữa London, New York, Hồng Kông và Singapore. Các đơn vị hiện đang áp dụng Common Pass bao gồm các hãng hàng không ANA, Cathay Pacific Airways, JetBlue, Lufthansa, Qantas, và United Airlines, bên cạnh đó còn có một số sân bay quốc tế như Tokyo Airport, London Heathrow và Newark Liberty

IATA Travel Pass (tạm dịch: thẻ thông hành số của IATA) là một sáng kiến do Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế IATA để ra và được triển khai dưới dạng ứng dụng trên thiết bị di động nhằm giúp du khách lưu trữ và quản lý các giấy chứng nhận cần thiết về kết quả xét nghiệm với Covid-19 hoặc tình trạng tiêm phòng vaccine chống Covid-19. IATA Travel Pass được xem là ứng dụng dành riêng cho các hãng hàng không khi nó giúp đảm bảo luồng thông tin bảo mật giữa Chính phủ các nước, các cơ sở xét nghiệm, các hãng hàng không và hành khách. Hiện có hơn 70 quốc gia ủng hộ ứng dụng này và có nhiều hãng hàng không đang tiến hành thí điểm IATA Travel Pass, bao gồm: Japan Airlines, Singapore Airlines, Qatar Airways, Emirates, Etihad, IAG (International Airlines Group), Malaysia Airlines, Copa Airlines, Rwandair, Air New Zealand, Qantas, airBaltic, Gulf Air, ANA, Air Serbia, Thai Airways, Korean Air, Neos, Virgin Atlantic, Ethiopian, Vietjet Air Thailand và Hongkong Airlines.

Digital Health Pass (tạm dịch: thẻ thông hành y tế số) được tập đoàn công nghệ IBM của Mỹ phát triển nhằm giúp mọi người được phép quay trở lại các địa điểm công cộng như nơi làm việc, trường học, sân vận động hay sân bay. Digital Health Pass tích hợp đa dữ liệu như thân nhiệt, cảnh báo phơi nhiễm với virút, kết quả xét nghiệm với Covid-19 và tình trạng tiêm phòng vaccine.

Ngoài bốn loại hộ chiếu sức khỏe/hộ chiếu vaccine trên, một số quốc gia và các đơn vị tư nhân cũng áp dụng các quy định tự do đi lại riêng. Ví dụ như Israel, Hy Lạp, đảo Síp và Seychelles đã chấp nhận dùng hộ chiếu vaccine đối với cư dân của nhau nhờ các nước này đều triển khai chương trình tiêm phòng bằng vaccine của Pfizer. Hay như hãng hàng không American Airlines tự phát triển nên một ứng dụng mang tên VeriFLY nhằm giúp các hành khách dễ dàng cập nhật các hồ sơ cần thiết mà điểm đến yêu cầu, cũng như lưu trữ các kết quả xét nghiệm và tình trạng tiêm phòng.

Tuy nhiên, có quá nhiều vấn đề trong việc triển khai các loại hộ chiếu vaccine và làm sao để thống nhất giữa các quốc gia, cũng như thời hạn của loại hộ chiếu này là bao lâu. Đó là những câu hỏi hóc búa mà không chỉ một cá nhân, quốc gia hay tổ chức có thể trả lời được

Việc triển khai các hộ chiếu vaccine này nằm ở việc các quốc gia chấp nhận những loại vaccine nào. Hiện tại, ngày càng có nhiều loại vaccine do các quốc gia khác nhau tạo nên, ngoài các vaccine đã được phê duyệt ở châu Âu và Mỹ như tozinameran (ComirnatyTM) của BioNTech/Pfizer, mRNA-1273 của Moderna và ChAdOx1 nCoV-19 của Đại học Oxford/AstraZeneca, một số quốc gia cũng đã tự điều chế nên các loại vaccine riêng cho mình như Trung Quốc với vaccine BBIBP-CorV, Ấn Độ với Covaxin, và Nga với Sputnik-V. Những loại vaccine nào sẽ được những quốc gia và điểm đến nào chấp nhận, nếu như không được tiêm phòng đúng với loại vaccine mà điểm đến yêu cầu, du khách sẽ không được phép nhập cảnh dù vẫn sở hữu hộ chiếu vaccine?

Tiếp theo, hiện nay chưa có sự đồng nhất trong việc triển khai hộ chiếu vaccine giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ như hàng không, khách sạn hay lữ hành với chính sách của điểm đến. Ví dụ như hãng hàng không ANA hiện đang đồng thời áp dụng đến ba loại hộ chiếu vaccine, bao gồm: Common Pass, VeriFLY và IATA Travel Pass để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng của mình trong việc nhập cảnh. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia vẫn còn đang có những chính sách mở cửa riêng biệt cũng như yêu cầu chấp nhận các loại vaccine khác nhau, do đó những hãng hàng không hay công ty du lịch nếu chỉ áp dụng một loại hộ chiếu vaccine sẽ gặp nhiều khó khăn do bị giới hạn về mặt điểm đến.

Hộ chiếu vaccine có được áp dụng rộng rãi hay không còn phụ thuộc vào quá trình triển khai chương trình tiêm phòng Covid-19 của mỗi điểm đến. Với quá nhiều loại vaccine xuất hiện trên thị trường trong thời gian ngắn, nhiều nơi hết sức thận trọng trong việc lựa chọn, nghiên cứu và quyết định tiến hành triển khai chương trình tiêm phòng cho người dân. Bên cạnh đó, việc triển khai tiêm phòng cho toàn dân sẽ tốn một khoảng thời gian lớn, có thể kéo dài tới cả năm. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới thời gian mở cửa điểm đến cũng như áp dụng hộ chiếu vaccine.

Các tổ chức toàn cầu như Tổ chức Sức khỏe thế giới WHO vẫn đang tiến hành thảo luận để tạo ra một bộ hướng dẫn chung dành cho các loại chứng nhận tiêm phòng kỹ thuật số để từ đó, bất cứ ứng dụng hộ chiếu vaccine nào cũng sẽ được chấp nhận ở các điểm đến trên toàn cầu. Ngoài ra, Tổ chức Du lịch thế giới UNWTO cũng nhấn mạnh rằng việc áp dụng chứng nhận tiêm phòng vaccine sẽ là một công cụ đặc biệt quan trọng để thúc đẩy tái khởi động du lịch quốc tế một cách an toàn. UNWTO cũng kêu gọi tiến hành tiêu chuẩn hóa và số hóa trên toàn cầu để có thể có được hệ thống chứng nhận đồng bộ và được mọi điểm đến công nhận.

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm