Tin tức - Sự kiện

TP.HCM: Khuyến khích sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái

DNVN - Giảm chi phí tiền điện, bảo vệ môi trường và có thể bán điện dư cho điện lực đó là lợi ích kép mà điện mặt trời áp mái mang lại cho doanh nghiệp và người dân.

TP.HCM: Xử nghiêm các ô tô quá tải, dồn hàng, sang tải / “Hố tử thần” bất ngờ xuất hiện tại trường học

Thông tin từ UBND TP.HCM cho biết, vừa có văn bản khẩn gửi các sở, ngành, UBND các quận - huyện về việc tăng cường công tác tiết kiệm trong sử dụng điện.

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu Sở Công thương đẩy mạnh triển khai thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 7/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025.

Có văn bản đề nghị các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm bố trí thiết bị sử dụng điện hợp lý, giảm công suất vào giờ cao điểm, chuẩn bị tốt các nguồn phát điện độc lập để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sử dụng điện và ổn định sản xuất trong trường hợp xảy ra thiếu điện.

Phối hợp với UBND các quận, huyện và Tổng Công ty Điện lực thành phố kiểm tra, giám sát việc thực hiện hướng dẫn thực hiện tiết kiệm điện trong các cơ quan nhà nước, đơn vị công lập nhằm đảm bảo tiết kiệm ít nhất 10% chi phí điện năng cho các đối tượng này.

Tiềm năng điện mặt trời trên mái nhà tại TP.HCM còn rất lớn.

Tiềm năng điện mặt trời trên mái nhà tại TP.HCM còn rất lớn.

Đối với Tổng Công ty Điện lực thành phố chỉ đạo các Công ty Điện lực khu vực phối hợp với UBND các quận, huyện tăng cường công tác tuyên truyền sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà đến các cơ quan đơn vị và các hộ dân trên địa bàn, tận dụng và huy động các nguồn lực để lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời để giảm tiêu thụ điện từ hệ thống điện quốc gia.

Có thể thấy, lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà hiện đang là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình tại TPHCM trong thời gian qua.

Hiện nay, chi phí đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời đã giảm rất nhiều so với vài năm trước đây. Từ 2018 đến nay, ngành điện đã thực hiện nối lưới khi chủ đầu tư yêu cầu. Khi nối lưới thì lưới điện đóng vai trò như giàn ắc quy, nên các doanh nghiệp, hộ gia đình không cần đầu tư giàn ắc quy, giảm rất nhiều chi phí ban đầu cũng như không cần tốn tiền thay ắc quy sau mỗi 3-5 năm.

Đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển điện mặt trời tại TP.HCM, ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc, Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCNMC)cho biết, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng nằm trong dải phân bổ ánh sáng mặt trời nhiều nhất trong năm trên bản đồ bức xạ của thế giới nên cường độ bức xạ mặt trời tương đối cao.

 

Theo số liệu từ Chương trình Năng lượng xanh TP.HCM: TP.HCM có lượng bức xạ lớn, trung bình khoảng 1.581 kWh/m2/năm, cao nhất là 6,3 kWh/m2/ngày vào tháng 2 và thấp nhất là 3,3 kWh/m2/ngày vào tháng 7. Số giờ nắng trung bình trong tháng dao động từ 100-300 giờ, liên tục trong suốt cả năm, không bị gián đoạn như ở miền Bắc.

Vào mùa khô, số giờ nắng lên tới 300 giờ. Đối với mùa mưa, số giờ nắng khoảng 150 giờ. Do đó, tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời ở TP.HCM rất lớn, đặc biệt là điện mặt trời áp mái.

Ông Kiên cho biết thêm, TP.HCM là một trong những trung tâm đô thị phát triển với mật độ dân số và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Nhu cầu tiêu thụ điện của các nhóm hộ gia đình, thương mại và công nghiệp cao hơn so với các thành phố khác của Việt Nam. Định hướng tăng tỷ trọng sử dụng nguồn năng lượng tái tạo trong sử dụng điện cho phát triển được TP.HCM triển khai từ lâu và đã đạt được một số thành quả nhất định, đến nay tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 2% trên tổng công suất sử dụng của Thành phố, hầu hết là điện mặt trời áp mái được phát triển mạnh mẽ trong năm 2019 vừa qua.

Trong giai đoạn phát triển sắp tới, để đáp ứng được đủ điện cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa nhanh chóng của TP.HCM, tỷ trọng này tiếp tục được nâng cao do tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời ở TP.HCM rất lớn, đặc biệt là điện mặt trời áp mái.

Thực tế lũy kế từ năm 2019 đến nay, đã thực hiện 6.407 công trình điện mặt trời áp mái với công suất là 81,97 MWp. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2020, đã có 856 công trình với công suất là 16,24 MWp. Tổng sản lượng điện mặt trời áp mái phát ngược lên lưới điện trong 3 tháng đầu của năm 2020 là 9,11 triệu kWh, ngành điện đã thanh toán tiền mua điện mặt trời áp máilà 5,67 tỷ đồng.

 

Theo ông Kiên, để tiếp tục vận động người dân, doanh nghiệp sử dụng điện mặt trời áp mái, EVNHCMC sẽ tiếp tục hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong việc hòa lưới và mua bán điện mặt trời.

“EVNHCMC cũng có liên kết chặt chẽ với các nhà cung cấp, nhà đầu tư điện mặt trời, các ngân hàng để phối hợp đề xuất cơ chế, chương trình (giảm giá, nâng thời gian bảo hành, chính sách ưu đãi về lãi suất, đầu tư trước trả tiền sau, …) để khuyến khích khách hàng trên địa bàn TP.HCM tham gia thực hiện. EVNHCMC cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ các nhà cung cấp để phục vụ khách hàng được tốt nhất”, ông Kiên cho hay.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm