Tin tức - Sự kiện

TP.HCM: Thu hồi đất giao cho doanh nghiệp làm dự án… chưa có

(DNVN) – Khi nhận quyết định thu hồi đất, hơn 900 hộ dân ở huyện Củ Chi (TP.HCM) “tá hỏa”. Họ tìm hiểu thì biết Cụm công nghiệp Cơ khí Tân Quy không có trên giấy và thực tế. Việc UBND huyện Củ Chi thu hồi gần 400 ha đất của hơn 900 hộ dân cho một dự án… chưa có.

Không thể để "máu còn đổ" vì súng đạn / Hà Nội điều chỉnh cục bộ quy hoạch tổng thể

Chưa phê duyệt KCN đã vội… thu hồi đất

Nhiều hộ dân sống dọc tuyến đường Tỉnh lộ 9, xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi, TP.HCM) cho biết, năm 2008

UBND huyện Củ Chi tiến hành thu hồi đất của người dân 2 xã Hòa Phú, Bình Mỹ cho dự án Cụm công nghiệp cơ khí Tân Quy do Ban Quản lý Khu chế xuất và KCN Thành phố (Hepza) làm chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Huệ (bìa phải ảnh) cho biết, có những trường hợp bị UBND huyện thu hồi đất trước khi có quyết định của Thủ tướng tới… 3 tháng (ảnh TM)

Ông Nguyễn Văn Huệ (áo trắng) cho biết, có những trường hợp bị UBND huyện thu hồi đất trước khi có quyết định của Thủ tướng tới… 3 tháng (ảnh TM)

Tuy nhiên, trên thực tế, dự án này chưa được UBND TP phê duyệt quyết định, nhưng UBND huyện Củ Chi lại thu hồi đất theo một quy trình “ngược”.

Gọi là “ngược” bởi cho mãi tới ngày 2-12-2008, Thủ tướng Chính phủ mới ra Quyết định số 1736/QĐ-TTg “về điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch các KCN tại TP Hồ Chí Minh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”.

Trong danh sách ban hành kèm quyết định này có tên KCN Đông Nam Củ Chi (diện tích 283,8 ha) tọa lạc trên địa bàn xã Bình Mỹ và Hòa Phú, huyện Củ Chi.

Trên thực tế, việc bồi thường dự án KCN Đông Nam Củ Chi được UBND huyện Củ Chi tiến hành từ… trước khi có Quyết định số 1736/QĐ-TTg ngày 2-12-2008 của Thủ tướng Chính phủ.

 

Bằng chứng, ông Nguyễn Văn Huệ (ngụ ấp 4B, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi) cho biết, có những trường hợp như ông Nguyễn Văn Đông (ngụ ấp 2, xã Hòa Phú) bị UBND huyện trao quyết định thu hồi đất số 12472/QĐ-UBND ký ngày 9-9-2008, tức là trước khi có quyết định của Thủ tướng tới… 3 tháng.

Theo ông Huệ, chính việc “bồi thường chạy trước quyết định” nên người dân bị ảnh hưởng bởi dự án “thiệt đơn, thiệt kép”. Đó là, thay vì họ được hưởng những quy định bổ sung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; giá đất; giao đất, cho thuê đất theo Nghị định 69/2009 có hiệu lực từ 1-10-2009.

Thế nhưng UBND huyện Củ Chi vẫn cứ lờ đi Nghị định 69 mà chỉ căn cứ vào Nghị định 197/NĐ-CP ngày 3-12-2004 và khung giá đất của TP.HCM ban hành theo Quyết định 179/2006/QĐ-UBND để xây dựng khung giá bồi thường cho người dân bị giải tỏa, thấp hơn nhiều lần Nghị định 69.

Tòa khẳng định: Huyện làm sai quy trình thu hồi đất

Người dân kiện hành chính UBND huyện Củ Chi ra tòa và được Tòa án nhân dân TP.HCM khẳng định trong phiên xử phúc thẩm vụ kiện giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Trọng Đạt (68 tuổi) và bị đơn là UBND huyện Củ Chi.

 

Người dân bức xúc trao đổi thông tin với báo chí (ảnh TM).

Người dân bức xúc trao đổi thông tin với báo chí (ảnh TM).

Trong vụ án trên, mặc dù đại diện UBND huyện Củ Chi tham dự phiên tòa cho rằng: “Vào tháng 11-2007, UBND TP.HCM ban hành Công văn 7903/UBND-CCN đổi tên dự án Cụm công nghiệp cơ khí Tân Quy thành Khu công nghiệp Đông Nam Củ Chi. Cho nên về quy mô, vị trí, chính sách bồi thường cho người bị thu hồi đất không có gì thay đổi…”.

Nhưng nhận định của TAND TP.HCM tại Bản án 468/2013/HC-PT ngày 8-4-2013 đã chỉ rõ: “UBND huyện Củ Chi xác nhận không có quyết định thành lập Cụm Công nghiệp cơ khí chế tạo Tân Quy… Quyết định áp dụng Luật Đất đai nhưng làm sai quy trình thu hồi đất được quy định tại Khoản 1, Điều 39 Luật Đất đai.

 

… Việc đổi tên Cụm Công nghiệp cơ khí chế tạo Tân Quy thành Khu công nghiệp Đông Nam(do Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam làm chủ đầu tư - PV) không phải là một quyết định cá biệt của UBND TP mà theo đề xuất của Hepza… Như vậy, dự án Cụm Công nghiệp cơ khí chế tạo Tân Quy mới chỉ là đề án chưa được thông qua theo quy định của Luật Đất đai…”.

Vì vậy, bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM tuyên hủy quyết định thu hồi đất số 5289/QĐ-UBND nói trên của UBND huyện Củ Chi ban hành với ông Đạt.

Bà Huỳnh Hoàng Mai (62 tuổi, ngụ nhà số 1750, Tỉnh lộ 8, ấp 2, xã Hòa Phú) cho biết, trên thực tế người dân phát hiện có trường hợp có dấu hiệu của việc thỏa thuận “ngầm” trong quá trình bồi thường.

Bằng chứng, gia đình bà Mai có 2.753 m2 đất mặt tiền Tỉnh lộ 8 ngay tại cổng A KCN Đông Nam Củ Chi nhưng được tính giá bồi thường chỉ 428 triệu đồng, trung bình chỉ 155.000 đồng/m2. Trong quá trình khiếu nại, bà Mai phát hiện một hộ dân gần nhà mình được bồi thường đất vị trí lô 2 (không có mặt tiền tiếp giáp Tỉnh lộ 8- PV) là ông Đinh Văn Minh (65 tuổi, ngụ ấp 3, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi) lại được Hepza bồi thường 2,7 tỷ đồng cho 2.645 m2 đất, tại thời điểm tháng 6-2010.

Bà Mai khiếu nại quyết liệt và năm 2013, chủ đầu tư KCN Đông Nam mới đồng ý hỗ trợ thêm hơn 1,8 tỷ đồng, cộng với tiền lãi ngân hàng, số tiền thực nhận của bà lên gần 2,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, bà Mai không đồng ý với số tiền hỗ trợ thêm từ CĐT và cho biết, nếu đền bù theo Nghị định 69/2009 thì số tiền mà CĐT phải thực bỏ ra lớn hơn nhiều. Vừa qua, UBND huyện Củ Chi tiến hành cưỡng chế gia đình bà Mai với tổng số tiền bồi thường, lãi suất ngân hàng và hỗ trợ của CĐT là 2,9 tỷ đồng.

 

Nhằm nghe thông tin hai chiều, báo chí liên hệ với UBND huyện Củ Chi nêu vấn đề mà các hộ dân bị giải tỏa bức xúc, ông Nguyễn Văn Út, Chánh Văn phòng UBND huyện Củ Chi ký giấy giới thiệu đến Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) huyện Củ Chi. Tuy nhiên, dù nhiều lần liên hệ bằng điện thoại với Ban BTGPMB huyện Củ Chi nhưng chỉ nhận được câu trả lời là “đang đợi lãnh đạo huyện ký duyệt trả lời báo chí” (?).

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ theo dõi và thông tin tiếp vụ việc này.

Vĩnh Yên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm