Tin tức - Sự kiện

Leo dốc siêu dự án thủy lợi nghìn tỷ để... tìm đường đi làm đồng

Thay vì đi làm đồng thuận lợi như trước đây, nhiều hộ dân tại xã Đức Bồng (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) phải leo, trượt, bò trên con dốc của hệ thống kênh mương bê tông thuộc siêu dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang.

Vụ cô giáo phạt học sinh 20 cái tát: Hiệu trưởng xin lỗi, quận Đống Đa thành lập đoàn thanh tra / Chủ tịch Hà Nội tiếp tục đề nghị trả lại tên “Bưu điện Hà Nội”

Vất vả tìm đường xuống ruộng

Dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang là một trong 3 hồ chứa lớn nhất cả nước, có tổng diện tích lưu vực 408 km2, dung tích chứa 932,7 triệu m3 với tổng mức đầu tư 9.165,6 tỷ đồng. Hệ thống kênh dẫn nước là 1 trong 3 hợp phần công trình thuộc siêu dự án này, có kinh phí 1.380 tỷ đồng, gồm 2 hạng mục chính: Đập dâng Vũ Quang và hệ thống kênh mương dài 16,2km. Dự án do Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư.

Sau hơn 5 năm thực hiện, hệ thống kênh dẫn nói trên hiện cơ bản đã hoàn thành, sẵn sàng thông dòng tưới tiêu cho hơn 32.000 ha đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của 8 huyện, thị xã trên địa bàn Hà Tĩnh.

Thay vì vui mừng với hệ thống kênh mương hiện đại, người dân thuộc xóm 1 và xóm 2 (xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang) hết sức bức xúc vì con đường đi làm đồng bỗng dưng bị “bỏ quên” sau khi siêu dự án được hoàn thành.

Muốn đi làm đồng người dân phải đi leo, bò
Muốn đi làm đồng người dân phải đi leo, bò
...trượt qua kênh thủy lợi.
...trượt qua kênh thủy lợi.

Theo phản ánh người dân thì khu dân cư xóm 1 và xóm 2 sinh sống chủ yếu phía bên kia quốc lộ 5. Mỗi khi đi làm đồng phải qua quốc lộ, men theo con đường nội đồng ra cánh đồng Cồn Lày để canh tác.

“Sau khi khởi công, bên dự án họ lấp luôn con đường nội đồng cũ của người dân. Chúng tôi cứ tưởng lấp đường thì họ làm cầu đi lại. Nhưng đến nay đã mấy năm nhưng vẫn không có cầu. Đã thế người ta cũng không làm bậc lên xuống cho chúng tôi đi làm. Muốn đi ra đồng, chúng tôi phải đi đường vòng cả mấy cây số, không thì phải leo, bò trườn qua dốc hệ thống kênh mà xuống. Mỗi lần đi làm đồng mà cứ như đi leo núi”, chị Lãm 9 (xã Đức Bồng) cho biết.

Vừa nói chị Lãm vừa lăn từng nông cụ xuống con dốc bê tông. Một lúc sau, chị cũng khom người bíu chặt 2 tay lên thành dốc con kênh, từ từ bò xuống để đi làm đồng.

Không riêng chị Lãm mà hàng chục hộ dân canh tác tại đây trong vài năm qua đều phải đi làm đồng bằng tư thế lạ lùng và vất vả này.

Không có đường đi lại, người dân 2 xóm đã tự ghép tre bắc thành 2 cây cầu và thang tre trên hệ thống kênh này để thuận tiện đi lại. Tuy nhiên, bên đơn vị thi công đã đề nghị người dân phải dỡ bỏ để nạo vét kênh. Phía người dân chỉ đồng ý dỡ một cây cầu vì lý do cả đoạn đường mấy cây số không có lấy một cây cầu hay bậc thang cho người dân lên xuống.

 

Người dân phải dùng thang
Người dân phải dùng thang
...và dựng cầu tre tạm để đi lại.
...và dựng cầu tre tạm để đi lại.

Tuy nhiên, cây cầu này chỉ có thể phục vụ cho người và vận chuyển nhẹ một phần nông sản, vật liệu. Trâu bò phục vụ cho cày cấy hay đến mùa màng để vận chuyển nông phẩm về nhà người dân theo đường vòng. Thay vì chỉ mất đoạn đường từ 200 -300m như trước, người dân phải đi hơn 2km qua xóm khác hoặc qua xã Đức Hương (huyện Vũ Quang) để đưa trâu bò ra đồng và kéo nông phẩm về nhà.

Một người dân cho biết: “Mấy năm nay chúng tôi phải chủ động sản xuất sớm trước vụ so với các xã và xóm liền kề. Vì đồng chưa gieo trỉa người ta còn cho mình kéo trâu bò và nông phẩm đi băng qua chứ gieo trỉa rồi họ không chịu”.

Người dân mong chờ một cây cầu

Xã Đức Bồng có gần 600 nhân khẩu thuộc xóm 1 và xóm 2. Trong đó, có 42 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu canh tác tại khu vực cánh đồng Cồn Lày. Trước đây, thì con số này cao hơn nhưng do đi lại bất tiện nên người dân cho thuê hoặc bỏ dần đất canh tác tại đây.

Con đường nội đồng cũ bị dự án kênh mương lấp
Con đường nội đồng cũ bị dự án kênh mương lấp

“Cứ đến mùa thu hoạch người dân phải cõng từng bao lạc, bao ngô leo lên dốc thẳng đứng, rất vất vả. Rồi còn phải đi đường vòng cả mấy cây số thì hỏi mấy ai muốn bỏ sức đi làm đồng”, ông Lê Văn Thuận (xóm trưởng xóm 1) bức xúc.

 

Không chỉ riêng việc đi làm đồng mà hệ thống kênh mương này còn chia cắt thôn 1 thành hai cụm dân cư cách biệt. Ông Lê Văn Thuận cho biết thêm: “Từ khi làm kênh nhưng không có cầu, các cuộc họp của thôn xóm không thể đi đầy đủ, nên các chính sách rất khó tuyên truyền xuống người dân”.


Tại nhiều cuộc họp, người dân đều đề đạt nguyện vọng một cây cầu qua kênh để thuận tiện đi làm nhưng vẫn chưa nhận được hồi đáp.

Tại nhiều cuộc họp, người dân đều đề đạt nguyện vọng một cây cầu qua kênh để thuận tiện đi làm nhưng vẫn chưa nhận được hồi đáp.

Tại các cuộc họp thôn xóm, cử tri, người dân 2 xóm đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp về việc xây cầu nhưng đến nay vẫn chưa có hồi đáp.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Đức Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Bồng cho biết: “Kiến nghị của bà con về việc xây cầu chúng tôi đã nhiều lần nêu ý kiến tại các cuộc họp của huyện, tỉnh nhưng phía cơ quan chức năng cho rằng đã có cầu vượt số 2 nên không được chấp thuận. Vì đây là công trình thủy lợi do huyện và tỉnh quản lý, phía xã chỉ có thể dừng lại ở việc đề xuất thôi. Phía chính quyền xã cũng rất mong muốn có một cây cầu đi lại vừa thuận tiện đi làm đồng cho người dân và đảm bảo an toàn khi qua lại”.


Theo dantri.com.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm