Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội sẽ được kéo dài đến Yên Sở, Hoàng Mai
Gỡ 'nút thắt' giải phóng mặt bằng dự án đường sắt Nhổn-ga Hà Nội / Nguyên nhân rơi thanh sắt dài 3m từ dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội
Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 380 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Chuẩn bị dự án đầu tư Tuyến đường sắt đô thị (metro) số 3, đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai và Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án đường sắt đô thị”, sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Liên minh châu Âu (EU).
Tổng mức đầu tư dự án là hơn 343 tỷ đồng, được giao cho MRB làm chủ đầu tư. Trong đó 49 tỷ đồng là vốn đối ứng từ ngân sách TP Hà Nội, còn lại là nguồn viện trợ không hoàn lại của ADB và EU. Thời gian thực hiện trong năm 2022-2024.
Một trong mục tiêu dự án là tiếp tục hỗ trợ TP Hà Nội hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án metrto tuyến Nhổn - ga Hà Nội, đoạn ga Hà Nội- Hoàng Mai cho đến khi Quốc hội phê duyệt chủ trương.
Đồng thời, chuẩn bị đề xuất dự án đáp ứng yêu cầu để các nhà tài trợ xem xét phê duyệt khoản vay thực hiện dự án đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai; hỗ trợ TP Hà Nội xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án đường sắt đô thị.
Theo MRB, năm 2020, UBND TP Hà Nội trình Thủ tướng thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư đoạn từ ga Hà Nội - Hoàng Mai. Theo đề xuất, tuyến này cơ bản là đoạn kéo dài của tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội, sử dụng chung hệ thống cơ điện, thông tin tín hiệu, khai thác hoạt động và vận hành, bảo dưỡng.
Hướng tuyến metro đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai có chiều dài 8,786km hầu hết đi ngầm (đi ngầm 8,13km, còn lại là hầm hở dẫn và đi trên mặt đất) theo hành lang phố Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Kim Ngưu - Tam Trinh với 7 ga ngầm và 1 khu lập tàu rộng 9,8 ha (hiện là vùng ao trũng ở phía sau, sát Trạm bơm Yên Sở, dùng Depot chung của tuyến Nhổn - ga Hà Nội).
Tổng mức đầu tư khoảng 40.577 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay ODA (34.297 tỷ đồng, từ Ngân hàng phát triển châu Á, Cơ quan phát triển Pháp và Ngân hàng tái thiết Đức) và vốn đối ứng từ ngân sách TP. Hà Nội (6.280 tỷ đồng, để chi giải phóng mặt bằng, tái định cư, quản lý dự án, thuế và các chi phí khác).
Nghiên cứu vào thời điểm trên cũng dự kiến dự án trình Quốc hội thông qua chủ trương vào cuối năm 2020, báo cáo nghiên cứu khả thi từ cuối 2020 - 2021, lựa chọn và thi công từ 2022-2027, vận hành từ tháng 1/2028.
Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội với chiều dài 12,5 km, gồm có đoạn đi trên cao 8,5 km và đoạn đi ngầm 4,5 km, đi qua các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, chễ hẹn hơn 10 năm vẫn chưa thể đưa vào khai thác.
Đáng chú ý, dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội được sử dụng nguồn vốn ODA và bị đội vốn từ tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt là 18.408 tỷ đồng, đến nay tổng mức đầu tư đội lên 36.000 tỷ đồng.
So với tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, thì tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội là dự án được khởi công sớm hơn, nhưng đến nay vẫn chễ hẹn ngày vận hành khai thác thương mại, trong khi tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã đưa vào vận hành khai thác thương mại.
End of content
Không có tin nào tiếp theo