Tuyên truyền kết quả 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Bắc Bộ và Trung Bộ tiếp tục nắng nóng, có nơi trên 40 độ C / Đầu tư gần 1.000 tỷ đồng khai thông sông Cổ Cò nối Quảng Nam - Đà Nẵng
Hướng dẫn số 86-HD/BTGTW nhằm khẳng định sự đúng đắn trong đường lối, chủ trương của Đảng và cơ chế, chính sách của Nhà nước trong việc vận động ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đồng thời, tạo sự phấn khởi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về những kết quả đạt được trong 10 thực hiện Cuộc vận động; nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng và góp phần thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động; phát huy trí tuệ, tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc nhằm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa thương hiệu Việt trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.
Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu triển khai tích cực tuyên truyền kết quả 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu, công tác tuyên truyền về kết quả 10 năm thực hiện Cuộc vận động cần triển khai tích cực với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo; bám sátsự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, gắn với tiến trình vận động của nền kinh tế - xã hội, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, của từng địa phương; Kết hợp lồng ghép với tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đất nước, tuyên truyền kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần đổi mới, thiết thực, hiệu quả.
Theo đó, nội dung tuyên truyền cần tập trung vào các nhóm nhiệm vụ và giải pháp cơ bản trong thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước.
Tuyên truyền những kết quả đạt được trong 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, sự cải cách, đổi mới của Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh phản ánh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền cần làm rõ những khó khăn, thách thức, những khuyết điểm, hạn chế và phương hướng khắc phục thời gian tới.
Đồng thời, thông tin, tuyên truyền về những cơ chế, chính sách của Nhà nước góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động. Điển hình như: Những chính sách, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam, nâng cao trình độ phát triển của nền kinh tế; Thông tin về triển khai các đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, công tác triển khai và giám sát thực hiện Đề án “Phát triển thị trường trong nước”, Đề án “Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt” gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020...
Cùng với đó, tuyên truyền việc các cơ quan Nhà nước ban hành bổ sung cơ chế, chính sách để bảo vệ, hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, khuyến khích sản xuất và bảo vệ thị trường trong nước phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, các cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết;Sự hỗ trợ của Nhà nước trong phát triển các mô hình sản xuất sạch theo chuỗi giá trị; Chính sách về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại khu vực nông thôn nhằm tạo điều kiện cho hoạt động mở rộng kênh phân phối hàng Việt tại vùng sâu, vùng xa.
Thông tin hoạt động quản lý Nhà nước trong thực hiện Cuộc vận động như: Quá trình xây dựng Chính phủ “kiến tạo”, cải cách hành chính; Hành trình khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam; Nỗ lực của bộ, ngành, địa phương trong việc quảng bá, giới thiệu và đưa hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt Nam đến với người tiêu dùng; Các hoạt động khuyến khích đầu tư, phát triển hệ thống phân phối hàng Việt và đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ…
Phản ánh quá trình triển khai, kết quả thực hiện và công tác phối hợptrong thực hiện Cuộc vận động tại các bộ, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp; công tác kiểm tra việc thực hiện Cuộc vận động tại các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp; các hoạt động biểu dương và nhân rộng cách làm hay, các điển hình tiên tiến trong thực hiện cuộc vận động; các hoạt động tổ chức bình chọn, tôn vinh sản phẩm chất lượng, các chương trình tôn vinh, biểu dương sản phẩm thương hiệu Việt… đã có tác động lan tỏa cuộc vận động đến các tầng lớp nhân dân.
Tuyên truyền việc các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam; việc thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, giới thiệu mẫu mã, chất lượng sản phẩm để nhận biết, phân biệt hàng giả, hàng nhái; Trách nhiệm của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc áp dụng quy trình, công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đưa hàng hóa, dịch vụ vươn ra thị trường khu vực và thế giới…
Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các tỉnh uỷ, thành uỷ, ban cán sự đảng và đảng uỷ trực thuộc Trung ương chỉ đạo công tác quán triệt, tuyên truyền ý nghĩa, vai trò to lớn, kết quả thực hiện Cuộc vận động trong 10 năm qua ở địa phương, đơn vị; các chủ trương, giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Bên cạnh đó, tăng cường thông tin về nội dung thực hiện cuộc vận động là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đơn vị. Tổ chức các hội nghị thông tin, tuyên truyền, các cuộc hội thảo, họp báo về tình hình thực hiện Cuộc vận động, về các cơ chế, chính sách, sự kiện quan trọng liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam; Bảo vệ, hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Thông tin các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và tôn vinh sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu do các bộ, ngành, địa phương chủ trì và thực hiện. Biểu dương tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực trong triển khai Cuộc vận động. Chỉ đạo tổ chức các hội chợ, triển lãm giới thiệu thành tựu về 10 năm thực hiện Cuộc vận động.
Ban tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm tham mưu cho cấp uỷ và lãnh đạo mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội chỉ đạo công tác quán triệt, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; kết quả thực hiện Cuộc vận động trong 10 năm qua và việc tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động.
Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, ban tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; tổ chức tập huấn cho cán bộ tuyên truyền, phóng viên về công tác tuyên truyền kết quả 10 năm thực hiện Cuộc vận động; Nắm bắt tư tưởng, tâm trạng cán bộ, đảng viên, nhân dân đánh giá về sự hài lòng của người tiêu dùng Việt Nam đối với sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam, chủ động dự báo, định hướng những vấn đề tư tưởng nảy sinh trong quá trình thực hiện Cuộc vận động…
Sau 10 năm tổ chức, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo nên những chuyển biến tích cực về nhận thức và thay đổi hành vi của người tiêu dùng trong việc ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt. Hướng dẫn trên củaBan Tuyên giáo Trung ương sẽ góp phần khuyến khích, nâng cao ý thức trách nhiệm người tiêu dùng trong nước tiếp tục quan tâm tiêu dùng hàng hóa thương hiệu Việt Nam, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển bền vững.
End of content
Không có tin nào tiếp theo