Tin tức - Sự kiện

Vì sao Đà Nẵng bị ngập sâu diện rộng?

DNVN - Trong báo cáo mới đây về công tác phòng, chống và khắc phục thiệt hại do bão số 4, 5 và mưa, lũ sau bão gây ra trên địa bàn gửi Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, UBND TP Đà Nẵng xác nhận việc ứng phó với tình trạng ngập lụt lớn trong đô thị của chính quyền và người dân TP có phần bị động.

Đà Nẵng Kiên quyết không cấp phép dự án, công trình không bảo đảm yêu cầu PCCC / Tổ chức cuộc thi “Thiết kế mô hình checkin tạo điểm nhấn du lịch quận Sơn Trà” (Đà Nẵng)

Mưa lớn lịch sử gây thiệt hại nặng nề

Theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng, do ảnh hưởng của bão số 5 và hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, từ ngày 13/10 đến sáng 15/10 trên địa bàn TP đã có mưa rất to. Lượng mưa ở khu vực các quận trung tâm TP từ 400 - 795,6 mm, cao nhất tại Suối Đá (trạm Sơn Trà) 795,6 mm; trong đó từ 6h ngày 14/10 đến 3h sáng 15/10 (21 tiếng đồng hồ) lượng mưa lớn nhất là 787 mm (tại Sơn Trà) đã vượt lượng mưa lịch sử năm 2018.

Hàng loạt ô tô bị chết máy, chủ nhân phải bỏ ngổn ngang giữa đường phố Đà Nẵng để tìm cách thoát thân trong trận mưa lũ lịch sử ngày 14 - 15/10/2022.

Hàng loạt ô tô bị chết máy, chủ nhân phải bỏ ngổn ngang giữa đường phố Đà Nẵng để tìm cách thoát thân trong trận mưa lũ lịch sử ngày 14 - 15/10/2022.

Mưa lớn lịch sử lại xảy ra vào đúng thời điểm triều cường nên đã gây ngập diện rộng trên địa bàn TP. 52/56 xã, phường thuộc 7 quận, huyện và hầu hết các tuyến đường đều bị ngập, nhiều tuyến đường, tầng hầm một số trụ sở công trình quan trọng của nhà nước, doanh nghiệp và nhà dân ngập từ 0,5 - 1m, có nơi ngập đến 2m.

Theo UBND TP Đà Nẵng, đợt thiên tai này đã gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa, tài sản của người dân và cơ sở hạ tầng trên phạm vi toàn TP, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất với ước thiệt hại khoảng gần 1.500 tỷ đồng. Tổng số có gần 73.000 nhà dân bị ngập.

Có 4 người chết; khoảng trên 2.000 xe ô tô và trên 30.000 xe máy bị ngập nước; hư hỏng các thiết bị điện tử dân dụng trong các nhà dân; hư hỏng hàng hóa của tiểu thương trong các chợ, bến xe và hộ buôn bán tạp hóa, thực phẩm, áo quần, vải, rau củ quả… hư hỏng máy móc trang thiết bị sản xuất của nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó là hàng loạt thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, giao thông, điện lực, giáo dục…

Hệ thống thoát nước không đáp ứng nổi, dẫn đến ngập sâu trên diện rộng

Theo UBND TP Đà Nẵng, trong những năm gần đây, tác động tiêu cực của thiên tai và biến đổi khí hậu làm cho tần suất và đặc biệt là cường độ của các loại thiên tai ngày càng gia tăng, diễn biến bất thường, không theo quy luật và có thể trở thành thảm họa gây rủi ro lớn cho tính mạng, tài sản và kinh tế - xã hội.

Ngoài các loại thiên tai thường xuyên như bão, lũ… qua các đợt thiên tai bão số 4, bão số 5 và điển hình là đợt mưa lớn ngày 14 – 15/10 vừa qua cho thấy hiện nay TP Đà Nẵng còn có nguy cơ đối mặt với nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm như mưa lớn cực đoan, sạt lở đất đá đồi núi, ngập lụt lớn khu vực đô thị.

UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh, trong đợt mưa lớn này, lượng mưa 1 giờ cao nhất và mưa 3 giờ cao nhất đã vượt rất xa mưa lịch sử năm 2018, lại xảy ra đúng thời điểm triều cường. Trong khi đó, quy mô hệ thống hạ tầng hiện nay không đảm bảo thoát nước cho lượng mưa lớn từ 500 - 700 mm, dẫn đến ngập lụt diện rộng và một số khu vực ngập sâu trên địa bàn TP.

Đây là lần thứ hai trong 4 năm gần đây đã xảy ra trận mưa cực đoan (năm 2018 và 2022) tại Đà Nẵng, cho thấy mức độ mưa lớn ngày càng tăng và tần suất dày hơn. Hiện hệ thống thoát nước của TP đảm bảo khả năng thoát nước khoảng từ 30 - 50 mm/1 giờ tùy theo từng vị trí và ảnh hưởng của triều. Với cường độ trận mưa như ngày 14/10 và xảy ra đúng thời điểm triều cường (đạt đỉnh 1,4m lúc 23h ngày 14/10 (lưu ý lũ tại Cẩm Lệ báo động I là 1m, báo động II là 1,8m) thì hệ thống thoát nước của TP không thể đáp ứng được, dẫn đến ngập sâu trên diện rộng.

Tuy nhiên UBND TP Đà Nẵng cũng xác nhận công tác dự báo về lượng mưa chưa theo kịp diễn biến thực tế mưa, lũ; chưa chính xác, cụ thể về thời điểm, phạm vi mưa lớn và định lượng mưa trên địa bàn. Công tác ứng phó có phần còn chưa chủ động do không xác định được đầy đủ tình trạng mưa, lũ.

“Chính quyền và người dân TP Đà Nẵng trong những năm qua đã có nhiều kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm ứng phó với bão và ngập lũ vùng nông thôn hơn so với ứng phó ngập lụt đô thị diện rộng, đặc biệt là với cường độ mưa lịch sử vừa qua. Vì vậy, ứng phó với tình trạng ngập lụt lớn trong đô thị có phần bị động”, báo cáo của UBND TP Đà Nẵng nêu.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm