Tin tức - Sự kiện

Vì sao khó xử lý tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động công chứng?

DNVN - Sau khi "điểm mặt" những hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động công chứng như Doanh nghiệp Việt Nam đã phản ánh ở bài trước, Sở Tư pháp Đà Nẵng tiếp tục nêu rõ những tác động tiêu cực của tình trạng này đồng thời cho biết việc xử lý còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đà Nẵng khuyến cáo không bắn pháo giấy, thả diều, bóng bay… gây chập điện dịp Tết / Hơn 200 doanh nghiệp từ 16 tỉnh, thành tham gia Hội chợ Xuân Đà Nẵng 2023

Hệ lụy của cạnh tranh không lành mạnh

Theo Sở Tư pháp Đà Nẵng, hệ lụy của những hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động công chứnglà rất rõ ràng, chủ yếu diễn ra với 3 chủ thể: Người yêu cầu công chứng, tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC) và nhà nước. Trong đó, người yêu cầu công chứng là người trực tiếp chịu tác động của những hành vi cạnh tranh không lành mạnh này.

Người dân đến giao dịch tại một Văn phòng công chứng ở Đà Nẵng

Người dân đến giao dịch tại một Văn phòng công chứng ở Đà Nẵng.

Cụ thể như trường hợp người đi vay vốn ngân hàng phải thực hiện thế chấp tài sản không được quyền lựa chọn TCHNCC mà bị ép buộc thực hiện tại TCHNCC do ngân hàng đã có thỏa thuận. Trường hợp thực hiện hành vi “ký gửi”, “ký chờ”, ký ngoài trụ sở nhưng ghi trong hợp đồng là ký tại trụ sở TCHNCC… tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện.

Những hành vi của các TCHNCC cạnh tranh không lành mạnh cũng tác động rất lớn đến các TCHNCC khác, như tranh giành khách hàng, gây thiệt hại tài chính… Đồng thời đối với nhà nước, khi các TCHNCC có hành vi cạnh tranh không lành mạnh, các tranh chấp xảy ra thì người yêu cầu công chứng mất lòng tin vào TCHNCC, làm ảnh hưởng đến chính sách xã hội hóa công chứng của nhà nước, giảm uy tín của các TCHNCC khác, gây thất thu ngân sách nhà nước trong trường hợp tiếp tay hành vi “ký gửi”, “ký chờ”.

Xử lý gặp nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo Sở Tư pháp Đà Nẵng, hiện nay Nghị định 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã đã có quy định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động công chứng.

Tuy nhiên Sở Tư pháp Đà Nẵng cho biết, việc xử lý trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, từ khi Nghị định 82/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đến nay trên địa bàn TP Đà Nẵng chưa có TCHNCC nào bị xử phạt vi phạm hành chính, mặc dù các hành vi cạnh tranh không lành mạnh diễn ra ngày một khốc liệt giữa các TTHNCC với nhau.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo Sở Tư pháp Đà Nẵng, là do việc thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động công chứng diễn ra tinh vi, rất khó phát hiện. Một số trường hợp người yêu cầu công chứng bị từ chối yêu cầu công chứng không có lý do chính đáng nhưng không phản ánh với Sở Tư pháp mà tiếp tục tìm đến TCHNCC khác để thực hiện.

Đáng chú ý, quy định pháp luật hiện hành giao UBND cấp tỉnh ban hành mức trần thù lao công chứng, tuy nhiên việc các TCHNCC lôi kéo khách hàng bằng việc không thu thù lao công chứng và các chi phí khác thì lại không có cơ sở để xử lý. Đối với khách hàng có thế chấp, vay vốn từ ngân hàng phải ký kết hợp đồng tại TCNHCC mà ngân hàng đã có thỏa thuận chứ không thể tự lựa chọn TCHNCC.

Ngoài ra, do chính sách tinh giản biên chế nên đội ngũ công chức được giao nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước, thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra về hoạt động công chứng trên địa bàn TP Đà Nẵng hiện nay còn mỏng và không ổn định. Do vậy việc phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật trong hoạt động công chứng vẫn còn những hạn chế.

Trước tình hình này, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng, Sở Tư pháp Đà Nẵng đề xuất Bộ Tư pháp tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị, hoàn chỉnh dự thảo Luật Công chứng sửa đổi theo định hướng tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm đã được xác định trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng về công chứng, hành nghề công chứng.

Qua đó tạo điều kiện cho hoạt động công chứng tiếp tục phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa. Đồng thời tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề mang tính cấp bách; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất có tổ chức và hoạt động công chứng.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm