Hỗ trợ doanh nghiệp

Đà Nẵng: Đầu năm 2023, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước đều giảm sút

DNVN - Theo số liệu của Sở KH&ĐT Đà Nẵng và báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2023 vừa được Cục Thống kê Đà Nẵng công bố, không chỉ thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của TP tiếp tục có chiều hướng đi xuống mà cả thu hút nguồn vốn đầu tư trong nước cũng có dấu hiệu sụt giảm mạnh.

Đà Nẵng: Sau 1 năm miễn phí, các bảo tàng bán vé tham quan trở lại / Đà Nẵng khuyến cáo không bắn pháo giấy, thả diều, bóng bay… gây chập điện dịp Tết

Mở rộng đối ngoại thu hút nguồn vốn FDI

Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, nguồn vốn FDI là một động lực chính cho sự phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Tăng trưởng kinh tế có mối tương quan thuận chiều với tốc độ tăng thu hút FDI. Việc gia tăng vốn FDI được giải ngân sẽ làm mở rộng quy mô sản xuất của các ngành kinh tế, từ đó tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng.

Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng tiếp phái đoàn của tỉnh Wakayama (Nhật Bản) do Phó Thống đốc Shimo Hiroshi dẫn đầu sang tìm hiểu cơ hội hợp tác hồi tháng 10/2022

Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng tiếp phái đoàn của tỉnh Wakayama (Nhật Bản) do Phó Thống đốc Shimo Hiroshi dẫn đầu sang tìm hiểu cơ hội hợp tác hồi tháng 10/2022.

Ngoài những lợi ích trực tiếp, nguồn vốn FDI còn tạo ra những lợi ích gián tiếp nhờ tạo hiệu ứng lan toả sang những lĩnh vực khác của nền kinh tế. Xác định được tầm quan trọng của việc thu hút vồn FDI trong tăng trưởng kinh tế nên trong thời gian qua, các hoạt động đối ngoại tiếp tục được TP Đà Nẵng chú trọng.

Trong năm 2022, Đà Nẵng đã đón tiếp hơn 150 đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc, tăng hơn 100 đoàn so với cùng kỳ năm 2021. Đồng thời tổ chức các đoàn công tác của lãnh đạo TP và các sở, ban, ngành đến nhiều nước như Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia châu Âu...

Theo số liệu của Sở KH&ĐT Đà Nẵng, năm 2022 (tính đến ngày 30/12), TP thu hút được hơn 134 triệu USD vốn đầu tư FDI. Tuy nhiên, 49 dự án FDI được cấp mới trong năm 2022 có tổng vốn đầu tư đăng ký 70 triệu USD, chỉ đạt gần 47% so với cùng kỳ năm 2021 (tổng vốn đầu tư đăng ký năm 2021 hơn 150 triệu USD).

Một số dự án FDI có quy mô tương đối lớn mà Đà Nẵng thu hút được trong năm 2022 là dự án Nhà máy sản xuất bảng mạch in và vi cơ điện tử (MENS) với vốn đầu tư 60 triệu USD; dự án Nhà máy sản xuất Intexx Industries Đà Nẵng với vốn đầu tư 5 triệu USD... Lũy kế đến cuối năm 2022, Đà Nẵng có 951 dự án FDI đã cấp với tổng vốn đăng ký 4,062 tỷ USD.

Vốn đầu tư đầu năm 2023 giảm sút

Mới đây nhất, báo cáo của Cục Thống kê Đà Nẵng về tình hình kinh tế - xã hội TP tháng 1/2023 cho biết, trong nửa tháng đầu năm 2023, Đà Nẵng cấp mới chứng nhận cho 5 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 1,1 triệu USD, chỉ bằng 20% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, không phát sinh dự án điều chỉnh vốn cũng như lượt góp vốn mua cổ phần.

Đáng nói là trong khi kết quả thu hút nguồn vốn FDI trong năm 2022 và đầu năm 2023 vẫn đạt khá thấp và tiếp tục có chiều hướng đi xuống chứ chưa cho thấy được cải thiện thì tình hình thu hút vốn đầu tư trong nước của Đà Nẵng tháng đầu năm 2023 lại cũng có dấu hiệu giảm mạnh.

Tính từ ngày 1 - 15/1/2023, TP đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 39,5 tỷ đồng, bằng số lượng dự án cùng kỳ năm trước nhưng số vốn đăng ký chỉ bằng gần 3%. Điều này hoàn toàn trái ngược với việc năm 2022 (tính đến ngày 15/12), TP đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 33 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký gần 14.000 tỷ đồng, tăng 6 dự án và tăng 79% số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021.

Tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội TP cuối năm 2022, Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng Trần Văn Vũ đã kiến nghị chính quyền TP tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng thông qua việc tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc tồn đọng, hỗ trợ doanh nghiệp tối đa trong thủ tục hành chính; hỗ trợ các dự án đang hoạt động trên địa bàn mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng vốn đầu tư.

Đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư; tiếp tục tập trung mời gọi và xúc tiến nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh. Tập trung thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm như các lĩnh vực CNTT, hạ tầng chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng xanh, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng đô thị, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp dược, trang thiết bị y tế, các ngành công nghiệp nền tảng như chế biến chế tạo, vật liệu, các ngành đổi mới, sáng tạo, phát triển thị trường vốn.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm