Việt Nam đã cấp phép vaccine Pfizer và Moderna tiêm cho trẻ em
Bộ Y tế khẳng định tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em phải có lộ trình / Rà soát, lập danh sách người từ nơi khác đến - về TP Đà Nẵng trong 14 ngày qua để xét nghiệm
Tại Hội thảo tuyên truyền Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 29/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, tình hình dịch tại các địa phương hiện nay cơ bản được kiểm soát. Tính đến 29/10, Việt Nam đã tiếp cận được hơn 107 triệu liều vaccine phòng COVID-19, đã tiêm được hơn 78 triệu liều. Gần 40% người dân trên 18 tuổi đã tiêm đủ 2 liều vaccine.
Việc triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 tại nước ta dựa trên cơ sở hướng dẫn chuyên môn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), của các đơn vị sản xuất vaccine đối với từng loại vaccine khác nhau. Giai đoạn đầu, chúng ta triển khai tiêm vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên, trong đó ưu tiên đối tượng từ 50 tuổi trở lên vì đây là đối tượng có nhiều bệnh nền đi kèm, nếu mắc thì tình trạng bệnh sẽ nặng hơn các đối tượng khác.
Sau thời gian tổ chức tiêm, theo hướng dẫn của các nhà sản xuất vaccine khác nhau và Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế, đến nay cần phải mở rộng đối tượng tiêm để bao phủ độ tuổi tiêm vaccine phòng bệnh trên cả nước.
Việt Nam có 2 loại vaccine đã cấp phép, có thể tiêm cho trẻ em là Pfizer và Moderna. Tuy nhiên, Việt Nam hiện chỉ đưa một loại vaccine phòng COVID-19 tiêm cho trẻ em là Pfizer.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch và danh sách trẻ trong đối tượng tiêm. Từ đó, Bộ Y tế có cơ sở tiếp cận số liệu và phân bổ vaccine một cách hợp lý cho địa phương, để tiêm cho trẻ em.
Liên quan thông tin học sinh phải tiêm vaccine mới được đi học, đại diện Bộ Y tế cho biết các khu vực xanh, học sinh vẫn đi học bình thường, việc học trực tiếp hay trực tuyến sẽ do địa phương quyết định phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trước mắt đang triển khai tiêm ưu tiên nhóm 16-17 tuổi. Hiện nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch và rà soát đối tượng tiêm.
8 yếu tố khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine cho trẻ em
Chiều 29/10, Bộ Y tế đã ban hành quyết định số 5002/QĐ- BYT về việc "Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em", trong đó có lưu ý rõ trường hợp nào đủ điều kiện tiêm, trường hợp nào trì hoãn, thận trọng...
Theo đó, tại quyết định này, Bộ Y tế bổ sung Bảng kiểm trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đối với trẻ em được ban hành kèm theo Quyết định 2470/QĐ-BYT ngày 14/6/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em.
Theo đó, ở phần sàng lọc, bảng kiểm trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đối với trẻ em gồm có các công việc như: Đo thân nhiệt, nhịp tim.
Theo đó có 8 yếu tố mà người khám sàng lọc cần quan tâm, đó là:
- Hỏi tiền sử rõ ràng phản vệ với vaccine phòng COVID-19 lần trước hoặc các thành phần của vaccine phòng COVID-19;
- Đang mắc bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển;
- Tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào;
- Rối loạn tri giác, rối loạn hành vi;
- Mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hoá, tiết niệu, máu;
- Nghe tim, phổi bất thường;
- Phản vệ độ 3 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào (ghi rõ tác nhân dị ứng…);
- Các chống chỉ định, trì hoãn khác (nếu có cần ghi rõ).
Hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rõ: nếu trẻ đủ điều kiện tiêm chủng ngay khi trẻ không có điểm bất thường và không có chống chỉ định tiêm vaccine theo hướng dẫn của nhà sản xuất;
Chống chỉ định tiêm vaccine cùng loại khi tiền sử rõ ràng phản vệ với vaccine phòng COVID-19 lần trước hoặc các thành phần của vaccine phòng COVID-19;
Trì hoãn tiêm chủng cho trẻ khi đang mắc bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển;
Thận trọng tiêm chủng cho trẻ khi có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; Rối loạn tri giác, rối loạn hành vi;
Chuyển khám sàng lọc, tiêm chủng tại bệnh viện khi mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hoá, tiết niệu, máu; Nghe tim, phổi bất thường; Phản vệ độ 3 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào (ghi rõ tác nhân dị ứng…);
Cũng trong chiều ngày 29/10, tại buổi tập huấn về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi, các chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em theo hình thức chiến dịch, tại các cơ sở tiêm chủng cố định, điểm tiêm lưu động và trường học.
Với trẻ trong độ tuổi 12-17 tuổi đang đi học sẽ được lập danh sách theo lớp và triển khai tiêm trước cho nhóm tuổi học sinh Phổ thông trung học, lần lượt theo khối lớp từ khối 12 đến khối 11 và khối 10; tiếp đến là học sinh Trung học cơ sở từ lớp 9, 8, 7.
Với những trẻ không đi học sẽ được điều tra và lập danh sách tại cộng đồng để đảm bảo không bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng cho các cháu. Vaccine sử dụng tiêm chủng cho trẻ em 12 -17 tuổi là vaccine Comirnaty của Pfizer, sử dụng tương tự như người từ 18 tuổi trở lên; với liều lượng 0,3 ml mỗi liều, đường dùng tiêm bắp; lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi từ 3 đến 4 tuần (21 - 28 ngày).
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ Tài chính: Giá hàng hóa cận Tết không có biến động bất thường
Tinh gọn bộ máy: Đáp ứng yêu cầu của đất nước trong kỷ nguyên mới
Người Việt tại Anh rộn ràng đón Tết Nguyên đán
Làng nghề bánh tráng hơn 100 năm tuổi vào Xuân
Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ từ đêm 27/1 – 2/2, có nơi dưới 3 độ C
Cảm hứng từ hành trình hướng tới thịnh vượng của Việt Nam