Xã hội

Áp thấp nhiệt đới ít di chuyển, Đà Nẵng tiếp tục mưa lớn diện rộng, ngập úng đô thị

DNVN - Sáng 12/9, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng có Công điện số 06/CĐ-PCTT gửi các sở, ngành, quận, huyện về việc chủ động triển khai các biện khắc phục thiệt hại sau bão và ứng phó với nguy cơ mưa lũ lớn, ngập úng đô thị sau bão số 5 (bão CONSON) bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Đà Nẵng: Doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng

Đà Nẵng tiếp tục xảy ra mưa lớn trên diện rộng

Sáng 12/9, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng (gọi tắt là BCH PCTT) cho hay, hiện vị trí tâm áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 5 (bão CONSON) vẫn đang ở 15.3 độ Vĩ Bắc – 108.9 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển từ Đà Nẵng đến Bình Định, sức gió mạnh nhất cấp 7 (50 – 60km/h), giật cấp 9. Dự báo trong 3 giờ tới áp thấp nhiệt đới ít di chuyển.

Đà Nẵng tiếp tục xảy ra mưa lớn trong hai ngày 12 - 13/9, nguy cơ ngập úng đô thị sau bão CONSON

Đà Nẵng tiếp tục xảy ra mưa lớn trong hai ngày 12 - 13/9, nguy cơ ngập úng đô thị sau bão CONSON

Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 5, tại TP Đà Nẵng xảy ra đợt mưa lớn trên diện rộng. Lượng mưa trong 2 ngày (từ 19h ngày 10/9 đến 7h ngày 12/9) trên lưu vực sông Vu Gia tại Ái Nghĩa (Quảng Nam) 262m; trên địa bàn TP Đà Nẵng cao nhất tại khu vực Sơn Trà (Suối Đá) 423,6mm; Thanh Khê 395,8mm; Hải Châu 372,0mm; Ngũ Hành Sơn 243,0mm; Cẩm Lệ 336,0mm; huyện Hòa Vang: sông Túy Loan (Hòa Phú) 269,0mm, sông Cu Đê (Hòa Bắc) 356,0mm, hồ Đồng Nghệ (Hòa Khương) 398,8mm, hồ Hòa Trung (Hòa Liên) 262,4mm...

Dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ cho hay, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 5 (bão CONSON) nên ngày hôm nay 12/9 đến ngày 13/9, tại TP Đà Nẵng tiếp tục xảy ra mưa lớn trên diện rộng. Tổng lượng mưa phổ biến từ 80 – 150mm, có nơi trên 200mm.

Theo báo cáo số 162/BC-PCTT sáng 12/9 của BCH PTTT TP Đà Nẵng, để phòng, tránh bão số 5 (bão CONSON), các quận, huyện đã sơ tán 693 hộ dân với 2.499 nhân khẩu. Theo ghi nhận, có 2 tàu thuyền ĐNa 0815 và QNg 98847 mắc cạn tại bờ biển quận Thanh Khê. Tối 11/9, tàu ĐNa 0494 đang hành trình tránh bão số 5 thì bị hỏng chân vịt, nước tràn vào tàu. Tàu Cảnh sát biển 8002 tiếp cận lúc 0h30 ngày 12/9 và lai dắt về cảng Kỳ Hà (Quảng Nam), các thuyền viên đều an toàn.

Ngoài ra có 128 cây xanh bị nghiêng, ngã đổ (gồm 104 cây do Sở Xây dựng quản lý, trong đó có 41 cây ngã đổ, 3 cây gãy ngang thân, còn lại bị nghiêng, toét cành; 24 cây do quận, huyện quản lý, chủ yêu ở quận Cẩm Lệ và quận Sơn Trà). 0,4ha rau màu của huyện Hòa Vang bị hư hại, 3.500m2 rau màu của quận Cẩm Lệ bị ngâp úng…

Nguy cơ mưa lũ lớn, ngập úng đô thị sau bão

Để khắc phục thiệt hại sau bão và ứng phó với nguy cơ mưa lũ lớn, ngập úng đô thị sau bão, sáng 12/9, ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó Trưởng BCH PCTT TP Đà Nẵng đã có Công điện 06/CĐ-PCTT đề nghị Chủ tịch UBND các quận, huyện là tổng chỉ huy khắc phục thiệt hại do bão số 5 gây ra trên địa bàn theo phân cấp trách nhiệm được giao; lưu ý đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 tại các điểm sơ tán, tuân thủ nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế.

Cây xanh gãy đổ trên đường Hồ Quý Ly (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) ngày 11/9

Cây xanh gãy đổ trên đường Hồ Quý Ly (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) ngày 11/9

Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, bão, lũ, chủ động triển khai sơ tán đảm bảo an toàn cho Nhân dân trong mưa, bão, lũ và đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 nhất là tại các khu vực dân cư đang sống ở những vùng trực diện với bão, lũ, nhà không kiên cố, nhà tạm, lán trại, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét…

Kiên quyết nghiêm cấm người dân, phương tiện và ghe thuyền không có nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão đi lại, đánh bắt cá trên sông, các hồ chứa nước, vùng trũng thấp và ngập lũ, qua ngầm, cầu tràn; tổ chức lực lượng canh gác, chốt chặn tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối khi có nước chảy xiết.

Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm “04 tại chỗ”; khuyến cáo cho người dân từ khu sơ tán trở về phải kiểm tra nhà ở (kết cấu, mái, hệ thống điện,…) và chằng chống, sửa chữa đảm bảo an toàn trước khi vào ở. Vận động các hộ gia đình, cá nhân, các tổ chức trên địa bàn tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường sau bão, lũ; chú ý đề phòng mưa lũ lớn, ngập lụt sau bão để chủ động ứng phó.

BCH PTTT TP Đà Nẵng cũng đề nghị Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, các đơn vị liên quan chỉ đạo triển khai phương án phòng, chống ngập úng, khơi thông cống rãnh thoát nước; phối hợp với Công an TP (Cảnh sát PCCC), Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng tổ chức bơm chống ngập ở khu vực nội thành; chỉ đạo Công ty Công viên Cây xanh khẩn trương hoàn thành chằng chống và rong tỉa cây xanh đường phố, hạn chế ngã đổ.

Đồng thời chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khắc phục thiệt hại đối với hệ thống cấp nước, đảm bảo nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất trên địa bàn; kiểm tra, xử lý, thực hiện chằng chống cây xanh ngã đổ trên các tuyến đường; khắc phục thiệt hại hệ thống điện chiếu sáng công cộng trên toàn địa bàn TP và các hư hỏng của các công trình xây dựng do bão số 5 gây ra.


Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm