Xã hội

Bình Thuận: 25 tàu cá bị nước lũ nhấn chìm, thiệt hại 7,5 tỷ đồng

DNVN - Mưa lớn kéo dài ở thượng nguồn, nước lũ chảy siết kết hợp thủy triều xuống khiến khu vực hạ lưu sông Dinh (chảy ra cửa biển La Gi) thuộc thị xã La Gi, Bình Thuận xảy ra hiện tượng lũ quét, nhấn chìm 25 tàu cá, 2 sà lan và làm hư hỏng, trôi dạt nhiều tàu thuyền của ngư dân.

Vụ sóng biển cuốn trôi 11 người ở Bình Thuận: Tìm thấy thi thể 2 du khách / Bình Thuận: 450 tỷ đồng hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19

 tàu bị đánh chìm, hư hỏng nặng

Hình ảnh một tàu cá của người dân bị chìm và những tàu xung quanh hư hại

Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận cho biết: Khoảng 22h ngày 28/8, do mưa lớn trên thượng nguồn, nước tập trung về hạ lưu sông Dinh xảy ra nhanh và bất ngờ nên công tác chỉ huy ứng phó không kịp.

Đây là thời gian thực hiện giãn cách xã hội nhưng thị xã đã chỉ đạo công tác ứng phó, hàng ngày đã giao ban thông báo tình hình thời tiết cho các xã, thị trấn.

Tuy nhiên, do sông Dinh cạn, các tàu thuyền không thể vào sát bờ nên phải neo đậu sát nhau, mật độ nhiều tại khu vực gần và giữa dòng sông Dinh (khu vực tập trung dòng chảy lũ). Khi xảy ra lũ, một số tàu thuyền bị dòng chảy cuốn trôi mạnh, vướng vào các tàu khác xung quanh, vướng dây neo, tàu bị ghìm không nổi hết trên mặt nước, dẫn đến nước lũ tràn vào làm chìm tàu, gây thiệt hại lớn cho người dân.

cán bộ

Ông Nguyễn Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận (người áo trắng) có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác ứng cứu và tặng quà hỗ trợ cho ngư dân

Thống kê bước đầu, đã có 25 chiếc tàu, thuyền của ngư dân ở đây bị nước lũ nhấn chìm hoặc va đập, hư hỏng hoàn toàn, 2 xà lan bị lũ cuốn trôi ra cửa biển. Ước giá trị thiệt hại khoảng 7,5 tỷ đồng.

Để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng đề nghị UBND thị xã La Gi chỉ đạo Đồn Biên phòng Phước Lộc, Trạm kiểm ngư và UBND các phường, xã rà soát số lượng tàu thuyền của địa phương mình đang neo đậu trên sông Dinh để có kế hoạch bố trí neo đậu hợp lý.

Hướng dẫn các tàu nhỏ lên phía thượng nguồn (trên cầu Tân Lý) để neo đậu, đưa một số tàu công suất lớn, tàu dịch vụ ra ngoài biển, khu vực ven bờ neo đậu tạm, nhằm giãn cách, tạo thông thoáng dòng chảy; thực hiện tốt việc phòng tránh thiên tai và dịch bệnh theo chỉ đạo chung của UBND tỉnh. Đồng thời, đề nghị UBND thị xã La Gi phối hợp với Ban cứu trợ tỉnh, UBMT tổ quốc rà soát thiệt hại của ngư dân, tổng hợp, lập danh sách đề nghị Ban cứu trợ tỉnh xem xét hỗ trợ cho các hộ gia đình có tàu thuyền bị chìm.

hàng loạt tàu bè

Hàng chục tàu thuyền ở cảng La Gi bị chìm

Theo một số ngư dân có kinh nghiệm cho biết: Thông thường khi lũ về, sẽ có một số hiện tượng cảnh báo có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Nhưng đợt này thì không có bất cứ dấu hiệu nào, do đó ngư dân hoàn toàn bị động.

Trước đó ngay khi xảy ra sự cố, do toàn thị xã La Gi đang thực hiện giãn cách xã hội, UBND thị xã đã trực tiếp xin ý kiến từ Chủ tịch UBND tỉnh cho phép ngư dân có tàu, thuyền neo đậu tại cảng cá trực tiếp xuống tàu, thuyền để triển khai công tác bảo vệ tài sản.

Được sự đồng ý của Chủ tịch UBND tỉnh, ngay trong đêm, UBND thị xã La Gi cùng với lực lượng chức năng đã hướng dẫn ngư dân xuống tàu, thuyền triển khai các biện pháp ban đầu để giảm thiểu thiệt hại. Đến 14 giờ chiều nay (29/8), nước vẫn dâng cao, dòng nước đang chảy xiết nên rất khó để trục vớt số tàu thuyền bị nạn.

thăm hỏi

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh đếnthăm hỏiđộng viên người dân khắc phục khó khăn, thiệt hại do thiên tai,

Có mặt tại hiện trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh cùng lãnh đạo các ngành chức năng đã kiểm tra thực tế vị trí các tàu, thuyền bị chìm. Đồng thời, thăm hỏi ngư dân có tàu, thuyền bị thiệt hại, động viên người dân khắc phục khó khăn, thiệt hại do thiên tai, vận động ngư dân cần hết sức bình tĩnh, tuyệt đối chấp hành nghiêm theo hướng dẫn của lực lượng chức năng. UBND tỉnh sẽ sớm chỉ đạo thị xã La Gi có phương án hỗ trợ ngư dân bị thiệt hại.

Theo Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Bình Thuận, 24 giờ qua khu vực tỉnh Bình Thuận đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa đo được trong 24 giờ qua tại Gia Huynh: 148,4mm; Phan Dũng: 81mm; Thuận Hòa: 76,8mm... Hiện khu vực Bình Thuận chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua khu vực Nam Trung bộ kết hợp với hoạt động của gió mùa Tây Nam có cường độ yếu.

Cảnh báo từ hôm nay (29/8) đến 30/8, khu vực Bình Thuận tiếp tục có mưa rào và dông, có nơi mưa vừa đến mưa to. Lượng mưa phổ biến trong 24 giờ tới tại các khu vực từ 30 - 50mm, riêng khu vực vùng núi lượng mưa từ 50 - 80mm, cá biệt có nơi từ 80 - 100mm (mưa dông chủ yếu tập trung vào chiều và tối). Trong cơn dông cần đề phòng lốc, sét, và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.

Thu Nga
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm