Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc 2022: Cần thích ứng và vượt rào cản mới
Đầu tư bảo quản để mở đầu ra cho nông sản / Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông sản quan trọng
Thị trường 1,4 tỷ dân không còn dễ tính
Theo PGS,TS Lê Văn Ái, thị trường Trung quốc là một thị trường lớn còn nhiều dư địa đối với việc xuất khẩu hàng nông thủy sản Việt Nam. Thực tế kể từ năm 2019 trở về trước Trung Quốc là thị trường nhập khẩu đứng thứ 2 sau Mỹ đối với hàng nông, thủy sản Việt Nam xuất khẩu.
Tuy nhiên, kể từ năm 2019 đến nay, tình hình xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại do xuất hiện nhiều rào cản từ Trung Quốc và kể cả phía Việt Nam. Bước sang năm 2022 những rào cản này vẫn còn tồn tại và càng lớn hơn.
Bước vào năm 2022 và những năm tiếp theo, xuất khẩu hàng nông, thủy sản và các mặt hàng thực phẩm của Việt Nam sang thị trường 1,4 tỷ dân không còn dễ dàng như những năm trước đây vì có hàng loạt quy định, tiêu chuẩn mới được Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành áp dụng ngay từ đầu năm 2022.
Cụ thể, theo Lệnh 248,249 của Trung Quốc, ngay từ đầu năm 2022, toàn bộ doanh nghiệp (DN) nước ngoài xuất thực phẩm sang thị trường Trung Quốc phải đăng ký với Hải quan Trung Quốc.
Trong đó, nhóm 1 gồm 18 nhóm mặt hàng đăng ký qua cơ quan quản lý Nhà nước. Nhóm 2 là nhóm thực phẩm ngoài nhóm 1 đăng ký trực tiếp với Hải quan Trung Quốc qua website: singlewindow.cn.
Với Lệnh 249, Hải quan Trung Quốc yêu cầu đánh giá phù hợp, đưa ra nguyên tắc quản lý nhập khẩu với thực phẩm chưa có tiêu chuẩn quốc gia; đưa ra nguyên tắc quản lý nhập khẩu với thực phẩm sử dụng nguyên liệu mới; thay đổi về yêu cầu ghi nhãn; cơ sở sản xuất phải chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm với thực phẩm của mình sản xuất; lần đầu tiên chính thức chấp nhận phương án đánh giá trực tuyến.
Đặc biệt, Lệnh 249 quy định DN sản xuất thực phẩm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải chịu trách nhiệm trực tiếp chất lượng thực phẩm xuất khẩu thay vì như trước đây nhà nước chịu trách nhiệm.
Cũng theo chuyên gia Ái, cùng với 2 Lệnh trên, năm 2022 Trung Quốc cũng có những quy định về hình thức và địa điểm xuất khẩu hàng nông, thủy sản Việt Nam như hạn chế xuất khẩu bằng con đường tiểu ngạch (biên mậu vùng biên), gia tăng hình thức xuất khẩu chính ngạch đồng thời có những quy định về những địa điểm nhất định về cửa khẩu xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam.
Ngoài ra, về quản lý nhà nước đối vấn đề nhập khẩu nông thủy sản Trung Quốc cũng đã có những thay đổi nhất định. Ngày 13/03/2018 Quốc hội Trung Quốc thông qua cơ cấu tổ chức chính phủ, trong đó Tổng cục Giám sát chất lượng, Kiểm nghiệm và Kiểm dịch quốc gia Trung Quốc (AQSIQ) bị giải thể và Vụ Kiểm dịch động thực vật, Vụ an toàn thực phẩm xuất, nhập khẩu được chuyển sang một cơ quan cấp bộ trực thuộc Chính phủ Trung quốc là Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC).
“Như vậy, nhiệm vụ đánh giá nguy cơ dịch hại và an toàn thực phẩm, dịch bệnh để mở cửa thị trường cho sản phẩm từ Việt Nam bao gồm các loại quả tươi, cám gạo, các sản phẩm từ động vật thủy sẽ được giao cho GACC. Dĩ nhiên việc giao cho GACC nhiệm vụ đánh giá nguy cơ dịch hại và an toàn thực phẩm dịch bệnh sẽ sát hơn khi hàng hàng hóa nhập khẩu, song đây cũng là khó khăn đối với hàng nông thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nêu không tuân thủ những quy định cụ thể, chặt chẽ của GACC”, ông Ái nói.
Thích nghi với những quy định mới của Trung Quốc
Bàn về giải pháp vượt qua các rào cản, đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc năm 2022 và những năm tiếp theo, ông Ái cho rằng, trước hết, cần phải nhận thức rõ ràng rằng, những quy định của Trung Quốc về nhập khẩu nông, thủy sản là những quy định mang tính kinh tế mà bất cứ nước nào muốn bảo vệ người tiêu dùng của nước họ đều phải quy định.
Chính vì vậy, Việt Nam cần những giải pháp mang tính thích nghi với những quy định mới của Trung Quốc.
Để phát triển nông sản, thực phẩm hữu cơ (NSTPHC) trong thời gian tới, Việt Nam cần lựa chọn chính xác sản phẩm, quy hoạch xây dựng vùng nông nghiệp sinh thái, thích hợp gắn du lịch và chủ thể tổ chức sản xuất NSTPHC theo hướng hàng hóa: hệ thống khuyến nông, khuyến công tập trung phát triển ba nhóm sản phẩm chính là thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm hữu cơ có thương hiệu cấp quốc gia.
Có biện pháp làm cho các sản phẩm NSTPHC chiếm lĩnh trước hết kênh siêu thị, Trung tâm thương mại trong nước, sau đó lan tỏa ra kênh chợ truyền thống và xuất khẩu. Nhân rộng mô hình đội chuyên quản lý chất lượng vùng nguyên liệu, đội bảo vệ thực vật và thú y (Công ty chè, Công ty sữa Mộc Châu, Công ty xuất khẩu miền Tây Bến Tre…) ra toàn quốc.
Đồng thời, thực hiện "Chiến lược ba thứ quân" (DN, HTX, Trang trại hộ nông dân) và thực hiện chiến thuật thay dần biện pháp hóa học sang biện pháp sinh học nhằm bảo đảm là an toàn, sạch, hữu cơ đẩy lùi dần thực phẩm bẩn.
Xây dựng chính sách ưu tiên cho sản phẩm NSTPHC. Hiện nay chúng ta mới có chính sách cho an toàn/GAP. Có hai vấn đề quan trọng của NSTPHC là khuyến khích hỗ trợ xây dựng nhà máy sản xuất phân hữu cơ, sản xuất thuốc, chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường theo nguyên tắc đầu tư công tư (PPP) với 2 lực lượng chủ lực là DN và hộ nông dân. Nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ là phế phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp (hàng trăm triệu tấn), xử lý rác thải, nước thải nông thôn, đô thị (hàng trăm triệu tấn). Từng bước phát triển nuôi rong, tảo ven biển… làm nguồn hữu cơ.
Cần có chính sách xây dựng hệ thống canh tác từng sản phẩm, từng cây, con, từng vùng tin cậy, nhập giống và công nghệ hiệu quả; xây dựng hệ thống chứng nhận minh bạch, hệ thống thương mại theo chuỗi hợp lý.
Ngoài ra, cần hoàn thiện quy tắc định chuẩn cho sản phẩm bằng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và quản lý NSTPHC, xây dựng Bộ giáo trình quy chuẩn và hàng rào kỹ thuật là - cầu chì ngăn nhập nông sản, thực phẩm bẩn, MLR (giới hạn tối đa cho phép), SPS (tách rõ động vật và thực vật; trên cạn và dưới nước), 3R (giảm thiểu Reduce/ tái sử dụng Reuse/ tái chế Recycle)… đơn giản, dễ hiểu phổ cập cho tổ chức, cá nhân trên cơ sở đảm bảo an toàn sinh học ba trụ cột: thuốc, phân/thức ăn, nước cho sản phẩm; đầu tư xử lý nước tưới, hạn chế ô nhiễm đất, xây dựng phòng phân tích hiện đại...
Phối hợp hệ thống thông tin truyền thông, 300 Đài phát thanh truyền hình và trên 30 triệu người truy cập Internet/ngày, hệ thống khuyến nông, khuyến công để nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là tư tưởng, triết lý, đạo lý văn hóa của sản xuất, tiêu dùng.
“Căn cứ vào những quy định từ phía Trung Quốc, cần nghiên cứu xây dựng những tiêu chí về chất lượng, an toàn thực phẩm hàng nông, thủy sản Việt Nam làm cơ sở cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng nông, thủy sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc”, ông Ái khuyến nghị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo