Y tế

Bệnh viện Đà Nẵng nối thành công cẳng chân bị đứt rời

DNVN - Ngày 25/1, ThS.Bs CKII Phạm Trần Xuân Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho hay, các bác sĩ của bệnh viện này vừa phối hợp liên chuyên khoa tiến hành thành công ca phẫu thuật nối liền cẳng chân cho một bệnh nhân bị máy cắt cỏ cắt đứt rời.

Risemount Premier Resort Đà Nẵng nhận bằng khen từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch / Đà Nẵng: Sắp diễn ra “Phiên chợ ngày Tết tại thành cổ Điện Hải”

Trước đó, bệnh nhân Huỳnh L. (56 tuổi, trú tại xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) được đưa đến Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu lúc 12h37 ngày 10/1/2022 trong tình trạng bị đứt lìa 1/3 dưới cẳng chân trái. Theo bà Nguyễn T.H., vợ của nạn nhân cho biết thì ông L. bị máy cắt cỏ cắt lìa cẳng chân.

Ths.BS CKII Phạm Trần Xuân Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng (giữa) cùng các cộng sự

Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn lao động, bệnh nhân được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang sơ cứu, sau đó chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng. Lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng lập tức tiến hành hội chẩn bệnh viện, bệnh nhân gấp rút được làm xét nghiệm tiền phẫu, bù dịch truyền máu, giảm đau kháng sinh và chuyển gấp vào phòng mổ cấp cứu để đảm bảo khung giờ vàng cho cuộc mổ.

Với sự phối hợp liên chuyên khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Ngoại mạch máu và Ngoại bỏng tạo hình, sau 4 giờ liên tục phẫu thuật, bệnh nhân đã được nối liền phần chi thể bị đứt rời. Xương cẳng chân được kết hợp bằng khung cố định ngoài, nối lại 2 bó mạch thần kinh chày trước và chày sau, nối lại các gân gấp duỗi cổ chân.

“Sau phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển Hồi sức Ngoại theo dõi và điều trị tiếp. Hiện tại sau 14 ngày nhập viện, phần chân đứt lìa sống tốt, bệnh nhân ổn định tâm lý và khá hài lòng với kết quả điều trị. Bệnh nhân sẽ được tập phục hồi chức năng để sớm trở lại với cuộc sống bình thường”, ThS.Bs CKII Phạm Trần Xuân Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng chia sẻ với Doanh nghiệp Việt Nam.

Ông cũng nhấn mạnh, trong tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, Bệnh viện Đà Nẵng vẫn luôn sẵn sàng đầy đủ nguồn lực để cứu chữa bệnh nhân kịp thời, đạt hiệu quả cao nhất, đặc biệt là đối với những ca cấp cứu khẩn cấp thuộc mọi lĩnh vực chuyên ngành. Đồng thời luôn duy trì tốt bệnh viện an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 và điều trị bệnh nhân, xứng đáng là đơn vị đầu đàn của ngành y tế Đà Nẵng, được bầu là đơn vị dẫn đầu trong khối thi đua các bệnh viện tuyến TP năm 2021.

Trước đó, công trình “Nghiên cứu tạo hình cẳng, bàn tay bằng da vùng bụng dưới và xương chậu” do ThS.Bs CKII Phạm Trần Xuân Anh, Phó Giám đốc Bệnh viên Đà Nẵng làm Chủ nhiệm, cùng cộng sự là Ths.BS Nguyễn Duy Khánh (cùng Bệnh viện Đà Nẵng) đã được Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) trao giải Nhì (lĩnh vực Y dược) tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 15 (2018 – 2019).

Công trình “Nghiên cứu tạo hình cẳng, bàn tay bằng da vùng bụng dưới và xương chậu” chủ yếu áp dụng cho các trường hợp tổn thương dập nát, mất da và mạch máu mà kỹ thuật vi phẫu không thể thực hiện được. Khi đó ứng dụng kỹ thuật này có thể ghép và phục hồi lại chi bị đứt lìa, dập nát. Theo ThS.Bs CKII Phạm Trần Xuân Anh, xương, gân của phần chi đứt lìa, cụ thể là các tổn thương ngón tay, không còn mạch máu nên việc áp dụng nối vi phẫu là không thể.

Tuy nhiên các trường hợp này đã được nhóm nghiên cứu phẫu thuật cố định và bọc lại bằng vạt da vùng bụng dưới và đã giữ lại được hình thái ngón tay cho bệnh nhân, nhất là các ngón chức năng như ngón 1 và ngón 2 của bàn tay thuận. Từ đó hỗ trợ bệnh nhân trong công việc và sinh hoạt hàng ngày như lái xe máy, cầm bút, cầm công cụ lao động…

“Với trường hợp mất da, mô và xương bàn 1 bàn tay, chúng tôi đã sử dụng vạt da vùng bụng dưới kèm xương mào chậu để phục hồi lại giải phẫu cho bàn tay bệnh nhân. Kỹ thuật này là do chúng tôi nghĩ ra, mà nếu không thực hiện kỹ thuật này thì bệnh nhân sẽ bị cụt ngón tay vĩnh viễn chứ không thể nối vi phẫu gì được hết. Đây là trường hợp hy hữu biến tấu và chưa được ghi nhận trong các báo cáo khoa học hay y văn trong và ngoài nước”, ThS.Bs CKII Phạm Trần Xuân Anh nói.

Ông cũng cho biết, giải pháp nêu trên đã được thực hiện thành công và đang được áp dụng tại BV Đà Nẵng và các bệnh viện trong khu vực đạt hiệu quả cao. Đồng thời qua thực tế áp dụng nhiều năm qua cho thấy giải pháp này có hiệu quả kinh tế, xã hội rõ rệt. Để áp dụng kỹ thuật vạt da vùng bụng dưới điều trị cho các chấn thương vùng bàn tay, chi phí rơi vào khoảng 5 - 8 triệu đồng. Trong khi đó, nếu chuyển lên tuyến trên, chi phí cho ca phẫu thuật và thời gian điều trị sẽ lên rất cao, có những trường hợp bệnh nhân phải thanh toán từ 30 – 50 triệu đồng.

Chính vì vậy, với kỹ thuật đơn giản, kết quả tốt, các bác sĩ dễ dàng tiếp cận và hoàn thiện kỹ năng, bệnh nhân được điều trị sớm, nhanh phục hồi, giảm được đi lại, tiết kiệm được chi phí điều trị. Ngành y tế cũng giảm được gánh nặng về chi phí đầu tư nhân lực, cơ sở hạ tầng cũng như chi phí điều trị trên mỗi bệnh nhân.

“Và điều quan trọng hơn nữa là giải pháp này đã giúp giữ lại những phần cơ thể (bàn, ngón tay) tưởng như không còn, giúp phục hồi khả năng lao động và sinh hoạt của bệnh nhân, giảm gánh nặng cho xã hội và gia đình", ThS.Bs CKII Phạm Trần Xuân Anh nhấn mạnh.

Hải Châu
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm