Bộ trưởng Y tế: Đề nghị Quốc hội ra nghị quyết cấm thuốc lá điện tử
Mátxcơva - Hà Nội: Nhiều dư địa hợp tác trong lĩnh vực y tế và dược phẩm / Cần Thơ: Bệnh viện đa khoa quốc tế hơn 2.300 tỷ đồng sắp hoạt động
Chiều ngày 11/11, Quốc hội chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực y tế. Một trong 4 nhóm vấn đề các đại biểu tập trung chất vấn Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan là công tác quản lý Nhà nước trong phòng, chống tác hại của thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng), nhất là trong môi trường học đường.
Tham gia chất vấn, Đại biểu Phạm Thị Kiều từ Đắk Nông nhấn mạnh, các loại thuốc lá mới này đang gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho sức khỏe, nhất là đối với giới trẻ. Bà yêu cầu Bộ trưởng đưa ra đánh giá và giải pháp cụ thể để kiểm soát tình hình.
Trong khi đó, Đại biểu Đỗ Thị Lan của Quảng Ninh hỏi về tiến độ ban hành các quy định quản lý cho thuốc lá điện tử và nung nóng, đồng thời đề nghị Bộ trưởng nêu rõ quan điểm về việc bổ sung các sản phẩm này vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi.
Đại biểu Lê Thị Song An dẫn Báo cáo số 520 của Bộ Y tế, trong đó nêu rõ kế hoạch trình Quốc hội Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, và quảng cáo thuốc lá điện tử cùng các sản phẩm thuốc mới. Đại biểu yêu cầu Bộ trưởng cập nhật về tiến trình thực hiện đề xuất này.
Trả lời chất vấn các đại biểu quốc hội, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, thời gian qua, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang tăng nhanh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đến sức khỏe, tính mạng, đặc biệt là giới trẻ. Qua điều tra tại 34 tỉnh, thành phố, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng 18 lần, lên 3,6% năm 2020, tập trung cao nhất ở 15-24 tuổi.
Bộ Y tế đã giao đơn vị chuyên môn tổng hợp nội dung nghiên cứu và đánh giá việc sử dụng thuốc lá nung nóng, điện tử ảnh hưởng tim, gan, phổi và đặc biệt là loạn thần.
"Năm 2023, có 1.234 người liên quan tới thuốc lá điện tử phải điều trị. Trong bối cảnh có khoảng 40.000 người/năm mắc các bệnh do thuốc lá thường, giờ lại thêm thuốc lá điện tử gây ảnh hưởng rất lớn", Bộ trưởng Y tế nói.
Việt Nam đã tham gia vào công ước khung phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bên cạnh giảm thiểu tác hại của thuốc lá thông thường, với những hình thức xuất hiện mới của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ngành y tế cũng đã có rất nhiều giải pháp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó tăng cường tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng, Bộ Y tế phối hợp với ngành giáo dục, các cơ quan liên quan tăng cường truyền thông và phòng chống tác hại thuốc lá nói chung, trong đó có thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Theo "tư lệnh" ngành y tế, nguyên nhân chính khiến thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng vẫn còn tràn lan trên thị trường là do chưa có quy định pháp luật cho phép kinh doanh các sản phẩm này. Mặc dù vậy, để thu lợi nhuận, nhiều công ty đã lợi dụng các hình thức tiếp thị tinh vi và sản phẩm có thiết kế bắt mắt để thu hút người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tình trạng nhập lậu thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng cũng góp phần làm gia tăng tình trạng này, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý.
Để dẫn chứng, bà Lan mang tới hội trường một số sản phẩm thuốc lá điện tử được thiết kế, trang trí như đồ chơi trẻ em để thu hút. "Hình thức thuốc lá điện tử rất bắt mắt với trẻ em, có ai hình dung đây là thuốc lá điện tử không ạ? Những sản phẩm này đưa ra trên thị trường, tính hấp dẫn thu hút giới trẻ rất nhiều", người đứng đầu Bộ Y tế chia sẻ.
Do đó, Bộ trưởng Y tế đề nghị Quốc hội có giải pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề buôn bán thuốc lá điện tử cho giới trẻ.
"Bộ Y tế mong muốn có nghị quyết của Quốc hội về cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trước khi Luật về sửa đổi Phòng chống tác hại thuốc lá được trình Quốc hội trong thời gian tới", Bà Lan đề nghị.
Theo báo cáo của Bộ Y tế gửi Quốc hội, Việt Nam chưa có cơ chế pháp lý quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa có khái niệm “Thuốc lá điện tử”, “Thuốc lá nung nóng”; chưa có quy định về phụ kiện, thiết bị đi kèm khi sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Chưa giao cho cơ quan nào quy định về quy chuẩn, hay tiêu chuẩn quản lý chất lượng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Trong khi đó, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều chuyên gia y tế cảnh báo là độc hại, gây nghiện, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của con người, đặc biệt là giới trẻ. WHO đã có 2 văn bản chính thức gửi Chính phủ, Bộ Y tế đề nghị cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam. Theo đánh giá của Hội Kinh tế y tế, thiệt hại về kinh tế do hút thuốc lá tính sơ bộ lớn gấp 5 lần so với nguồn thu từ thuế mang lại. Đặc biệt tính chất gây nghiện, pha trộn ma túy ngày càng phổ biến và tinh vi đã được Bộ Công an cảnh báo. Do thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không nằm trong danh mục ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh hoặc hành vi nghiêm cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không có trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá nên khi phát hiện hành vi vi phạm thì cơ quan chức năng của ngành Công thương mới xử lý chủ yếu là hành vi buôn bán hàng nhập lậu, không có nguồn gốc xuất xứ, không có hoá đơn chứng từ. Cơ quan chức năng ngành công an xử lý nếu phát hiện có pha trộn, tẩm ướp, bơm tinh chất ma tuý và chất cấm trong thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Như vậy, chưa bảo đảm kịp thời ngăn chặn, chế tài chưa đủ mạnh và chưa đủ sức răn đe. Đối với thuốc lá theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuế thuốc lá của Việt Nam còn thấp. Theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá theo tỷ lệ là 75% và giá tính thuế là giá xuất xưởng. Tỷ lệ thuế thuốc lá trong giá bán lẻ tại nước ta chỉ chiếm 38,8%. Tỷ lệ này thấp hơn so với trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình là 59% giá bán lẻ, bằng một nửa của hầu hết các nước ASEAN. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo