Đảm bảo cung cấp 90 triệu liều vaccine Covid-19 trong năm 2021
DNVN - Thông tin quan trọng này đã được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 diễn ra sáng ngày 24/2.
Nếu Hải Dương còn để sót người có dấu hiệu điển hình nhất của Covid thì hậu họa vô cùng lớn / Nghịch lý tiêu thụ nông sản Hải Dương: Nơi nhiệt tình giải cứu, nơi buộc phải "quay đầu"
Tại cuộc họp, đánh giá chung tình hình dịch Covid-19 trên cả nước, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, về cơ bản chúng ta đã kiểm soát tốt. Các địa phương đều cơ bản đã triển khai các giải pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng, của Ban Chỉ đạo Quốc gia, của Bộ Y tế.
Đến nay 10 địa phương của đợt dịch thứ 3 này đã trải qua nhiều ngày không ghi nhận ca bệnh gồm: Hòa Bình 25 ngày, Điện Biên 20 ngày, Hà Giang 20 ngày, Bình Dương 19 ngày, Hưng Yên 17 ngày, Bắc Giang 15 ngày, Gia Lai 14 ngày, Bắc Ninh 13 ngày, TP Hồ Chí Minh 12 ngày, TP Hà Nội 9 ngày.
Đối với ổ dịch Hải Dương, tình hình đang được kiểm soát tốt, tốc độ lấy mẫu xét nghiệm và truy vết của Hải Dương tăng lên rõ rệt.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp sáng 24/2. (Ảnh: VGP)
Liên quan đến việc cung ứng vaccine phòng chống Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, trong năm 2021 Bộ Y tế đảm bảo không thiếu vaccine. Bộ Y tế đang hết sức nỗ lực để triển khai tiêm.
"Có thể nói rằng, chúng ta triển khai trong đợt này là đợt tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay với trên 100 triệu liều. Bộ Y tế đang chuẩn bị khẩn trương các kịch bản, huy động tất cả đơn vị trong ngành y tế và ngoài ngành tham gia vào quá trình tiêm, để đẩy nhanh tiến độ tiêm, đảm bảo độ bao phủ”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Về lộ trình cung cứng vaccine: Quý 1, dự kiến có 1,3 triệu liều, trong đó 117.000 liều đã về ngày 24/2, số còn lại về trong tháng 3; Quý 2 dự kiến có 9,5 triệu liều và Quý 3 có 25,9 triệu liều; Quý 4 có 51,1 triệu liều. Như vậy tổng số là 90 triệu liều.
Các nhóm được ưu tiên tiêm trước là lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch bao gồm: nhân viên y tế; nhân viên tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên khu cách ly, phóng viên...); nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; lực lượng quân đội; lực lượng công an; giáo viên; người trên 65 tuổi; nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu trong các lĩnh vực hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước...; người mắc các bệnh mãn tính; người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ và các đối tượng khác theo quy định của Chính phủ.
Hiện nay, Việc Nam có 4 nguồn vaccine chính: nguồn của COVAX Facility khoảng 30 triệu liều; nguồn vaccine của AstraZeneca; vaccine của Pfizer; vaccine Sputnik V của Nga. Ngoài ra, Bộ Y tế, các tập đoàn, công ty khác không kinh doanh trong lĩnh vực y tế cũng đang thúc đẩy đàm phán với các nhà sản xuất vaccine khác.
Đối với vaccine trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin, dự kiến đến năm 2022, chúng ta sẽ sản xuất được vaccine. Bộ Y tế rất kỳ vọng vào việc sản xuất vaccine của Việt Nam, trong đó vaccine của Nanogen sẽ thử nghiệm giai đoạn 2 trong tuần này và vaccine của IVAC có hiệu quả rất tốt.
Từ ngày 25/1/2021 đến nay Việt Nam đã ghi nhận 809 trường hợp mắc trong nước tại 13 tỉnh, thành phố. Trong đó tất cả 12 tỉnh, thành phố đều có ca bệnh liên quan đến ổ dịch tại Hải Dương (là người trở về từ Hải Dương hoặc tiếp xúc với F0). Tổng số tích lũy trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 của Việt Nam là 2.401, trong đó có 1.469 ca trong nước. Đến nay có 1.717 trường hợp khỏi bệnh, ra viện (chiếm 70%), đang điều trị 640 trường hợp (chiếm 29,5%); hầu hết các bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng (chiếm 82,5%), biểu hiện lâm sàng nhẹ chiếm 14,7% và 19 trường hợp (2,7%) tiên lượng nặng, nguy kịch. |
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo