Không thể coi COVID-19 là bệnh nhẹ, cần thiết tiêm nhắc
DNVN - Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 do Bộ Y tế tổ chức chiều 27/6, đại diện Bộ Y tế cũng như chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho rằng, không thể coi COVID-19 là bệnh nhẹ, miễn dịch ở người đã tiêm vaccine liều cơ bản và mắc COVID-19 sẽ suy giảm. Do đó, cần thiết phải tiêm nhắc mũi 3 và 4.
Nam bệnh nhân hiến tạng cứu sống 2 người suy thận / Thu hồi lô sản phẩm kem nghệ E100 không đạt chất lượng
Thông tin về tình hình tiêm nhắc mũi 3, mũi 4 để duy trì bền vững hiệu quả phòng chống dịch COVID-19, PGS. TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: Hiện các ngành, các cấp đang nỗ lực cố gắng hoàn thành mục tiêu tiêm nhắc mũi 3, mũi 4 theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế.
Hiện các điểm tiêm chủng đã đảm bảo sẵn có vaccine phòng COVID-19 với mục tiêu cuối cùng liên tục tạo được độ bao phủ tiêm chủng đối với miễn dịch cộng đồng, đảm bảo cho các đối tượng người dân có miễn dịch với nồng độ cao để bảo vệ phòng chống dịch, đặc biệt với các biến thể mới COVID-19.
Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 được triển khai rộng khắp hơn 1 năm qua với trên 228 triệu mũi đã được tiêm chủng.
Trong vòng 10 ngày qua (từ 17 - 26/6), tiến độ tiêm chủng mũi nhắc lần 1 (mũi 3) đã tăng 2,1 lần so với 10 ngày đầu tháng 6/2022, với 500.000 liều vaccine mỗi ngày. Tính đến ngày 26/6, trên toàn quốc, 4,4 triệu người đã tiêm mũi 3, đạt tỷ lệ 66%.
PGS. TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng, cần thiết tiêm nhắc mũi 3, mũi 4 để duy trì bền vững hiệu quả phòng chống dịch COVID-19.
Trong khi đó, tiến độ tiêm nhắc lần thứ 2 (mũi 4), tất cả những người trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao như người từ 50 tuổi trở lên, người từ 18 tuổi trở lên nhưng có suy giảm miễn dịch thể vừa, thể nặng và người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm có nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 đã được tiêm. Trong 10 ngày gần đây, tiến độ tiêm nhắc mũi 4 cho người đã tăng 2,9 lần so với những ngày đầu tháng 6. Tính đến ngày 26/6 đã có 3,4 triệu người tiêm mũi 4.
Về tiêm nhắc mũi 3 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi, từ ngày 17/6, Bộ Y tế cho phép triển khai tiêm vaccine liều nhắc lại. Tất cả trẻ em nhóm này sau khi đã tiêm đủ 2 liều cơ bản, sau 5 tháng tiêm mũi thứ 3. Trong tuần qua, có gần 345.000 trẻ em trong độ tuổi này được tiêm mũi 3.
Bà Hồng nhấn mạnh, mặc dù số ca mắc và tử vong do COVID-19 trên cả nước hiện nay đã có xu hướng giảm rõ rệt nhưng các địa phương vẫn tiếp tục ghi nhận những trường hợp phải điều trị tại bệnh viện do tình trạng mắc bệnh nặng và vẫn ghi nhận các ca tử vong do COVID-19. Ngoài ra, nhiều người phải điều trị những biến chứng hậu COVID-19.
Đề cập về hiệu quả của vaccine trong giảm nguy cơ mắc bệnh nặng, tử vong do COVID-19, TS Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết tại Việt Nam, hệ thống quản lý điều trị COVID-19 của Cục Quản lý khám chữa bệnh ghi nhận: Trong số 32.212 trường hợp tử vong do COVID-19 có tới 52,8% số tử vong là chưa tiêm vaccine phòng COVID-19. 29.8% đã tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi vaccine và chỉ có 7,3% đã tiêm 3 mũi.
"Số liệu này một lần nữa khẳng định tính cần thiết phải thực hiện tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) cho những người đã hoàn thành 2 mũi tiêm cơ bản", TS Dương nói.
Các nghiên cứu trên thế giới và trong đó có nghiên cứu của Việt Nam cũng chỉ ra kháng thể kháng SARS-CoV-2 sau tiêm mũi 3 sẽ suy giảm đáng kể khoảng 15 tuần sau khi tiêm, đặc biệt là kháng thể kháng biến chủng Omicron. Do vậy, việc tiêm mũi 4 đặc biệt hữu ích đối với những người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19.
TS. Socorro Escalante - Quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, giai đoạn này rất quan trọng để Việt Nam thực hiện tiêm liều tăng cường cho người dân.
"Không thể coi COVID-19 là bệnh nhẹ vì ngay cả tiêm vaccine rồi vẫn mắc bệnh. Trong khi đó, các quốc gia vẫn đang lưu hành các biến thể mới. Trên toàn cầu các biến thể mới ngày càng gia tăng làm tăng số mắc trên toàn cầu. Do đó, sau 4 - 6 tháng cần tiêm tăng cường, trong đó ưu tiên cho những đối tượng nguy cơ cao", chuyên gia WHO khuyến cáo.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo