Y tế

Người dân còn lơ là việc tiêm nhắc vaccine phòng COVID-19

DNVN - Theo PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, hiện người dân có đôi chút lơ là, còn tin rằng đã tiêm các mũi cơ bản, đã mắc COVID-19 nên được miễn dịch bảo vệ. Do đó, người dân không đồng thuận trong việc tiêm vaccine phòng COVID-19 liều bổ sung và liều nhắc lại.

Thu hồi lô sản phẩm kem nghệ E100 không đạt chất lượng / Lãnh đạo CDC Hoa Kỳ thăm Việt Nam

Tại cuộc họp báo thông tin về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 do Bộ Y tế tổ chức ngày 27/6, PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: Hiện nay, Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tế Trung ương, Chương trình tiêm chủng quốc gia đã và đang thực hiện kịp thời việc phân bổ vaccine cho tất cả các tuyến để tổ chức triển khai. Trong tiêm chủng, từ trước đến nay, không chỉ với tiêm phòng COVID-19, các vaccine nào cũng vậy, Bộ Y tế luôn ưu tiên sử dụng vaccine có hạn sử dụng ngắn trước để đảm bảo hiệu quả trong quá trình phân bổ.
Vaccine phân bổ trong đợt gần đây nhất có hạn sử dụng tới ngày 30/6/2022. Bộ đã thực hiện quá trình phân bổ này từ trung tuần tháng 5 cho tất cả các tỉnh, thành triển khai tiêm. Cán bộ y tế các tuyến cũng đang nỗ lực truyền thông, huy động, tổ chức tiêm chủng ngày đêm và gần đây tỉnh Thái Nguyên đã triển khai tiêm 24/7. Các tỉnh đã nỗ lực để sẵn có vaccine cung cấp tiêm chủng cho người dân.
Thực tế, việc phân bổ vaccine hiện nay là thách thức với ngành y tế. Số vaccine tiêm đủ mũi nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên và trẻ từ 12 tuổi lên. Trong khi đó, người từ 18 tuổi trở lên mới tiêm được 44 triệu liều. Nếu tiêm được trên 90% với số đối tượng đăng ký mà Bộ quản lý hiện nay là trên 68 triệu người dân thì vẫn còn khoảng 15 - 20 triệu mũi tiêm. Nếu tính 100% thì vẫn còn xấp xỉ 25 triệu mũi tiêm nữa mới hoàn thành.
Tổng số vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng đang quản lý chỉ còn 15 triệu liều. Nếu đạt đến đích 100% độ bao phủ người dân tiêm như mũi cơ bản, chúng ta hoàn toàn phải cố gắng sử dụng một cách hiệu quả như giai đoạn đầu thì mới thực sự đáp ứng được hết nhu cầu của người dân.

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, rất ít người tiêm nhắc vaccine phòng COVID-19.
"Tuy nhiên, hiện người dân có đôi chút lơ là, còn tin rằng đã tiêm các mũi cơ bản, đã mắc COVID-19 nên đã được miễn dịch bảo vệ. Do đó, người dân cho rằng liều bổ sung và liều nhắc lại là không cần thiết. Cán bộ y tế rất vất vả trong việc huy động. Thậm chí người dân viết lên giấy mời đi tiêm là "tôi không đồng ý tiêm chủng, đề nghị không gọi đi tiêm", bà Hồng nói.
Ở thời điểm hiện tại, mặc dù cán bộ y tế đến từng điểm tiêm chủng, mang vaccine đến với số lượng dự trù đủ cho một điểm tiêm chủng nhưng rất ít người dân đến tiêm.
Tới đây, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn việc ưu tiên đạt độ bao phủ tiêm chủng cho người dân. Đặc biệt với mũi nhắc lại để đảm bảo miễn dịch bền vững phòng chống bệnh COVID-19 trước các biến thể mới, tình hình COVID-19 chưa được kiểm soát trong bối cảnh chưa có quốc gia nào công bố hết dịch.
"Theo báo cáo ngày hôm nay rất nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã hoàn thành cơ bản hết số lượng vaccine có hạn dùng ghi trên nhãn đến 30/6/2022. Với tốc độ tiêm 500.000 mũi tiêm mỗi ngày, Việt Nam sẽ sử dụng hiệu quả vaccine, sử dụng hết số vaccine hiện nay Bộ Y tế còn đang dự trữ trong kho quốc gia, khu vực với việc người dân đi tiêm nhắc ngay trong tháng 7, 8 tới", bà Hồng thông tin.
Liên quan đến vaccine tồn, bà Hồng cho biết: Vừa rồi Tổ chức Y tế Thế giới cũng như COVAX đã đề cập việc cho phép hao hụt vaccine. Tỷ lệ chung cho tất cả các quốc gia triển khai vaccine trong những mũi tiêm đầu tiên cho đến những mũi nhắc lại là 1,1, tức là khoảng 10%. Điều đó có nghĩa rằng không có một vaccine nào, tổ chức nào lý tưởng hóa như những gì chúng ta đạt được ở giai đoạn đầu, với việc sử dụng hiệu quả đến từng liều vaccine.
Rất nhiều quốc gia trên thế giới khi triển khai tiêm vaccine COVID-19 cũng đã phải chấp nhận tình trạng không chỉ là hao hụt mà còn hủy bỏ vaccine với số lượng nhất định. Ngay cả kho dự trữ quốc tế như của COVAX hay nhà cung ứng phải chấp nhận tỷ lệ vaccine phải hủy bỏ.
Với Chương trình Tiêm chủng mở rộng thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế, cũng như cán bộ y tế các tuyến có tinh thần trách nhiệm hết sức với từng liều vaccine. Tuy nhiên, nếu người dân không đồng thuận thì ngành y tế rất khó khăn trong việc triển khai, khó tránh việc phải báo cáo số lượng vaccine hủy, hay vaccine không sử dụng được trong khi bệnh dịch vẫn hiện hữu.
Để bảo vệ sức khỏe của mình, của gia đình và cộng đồng trước nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát trở lại, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tích cực ủng hộ và chủ động đi tiêm nhắc lại các mũi vaccine phòng COVID-19.
TS Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Tại Việt Nam, hệ thống quản lý điều trị COVID-19 của Cục Quản lý khám chữa bệnh ghi nhận: Trong số 32.212 trường hợp tử vong do COVID-19 có tới 52,8% số tử vong là chưa tiêm vaccine phòng COVID-19. 29.8% đã tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi vaccine và chỉ có 7,3% đã tiêm 3 mũi.
"Số liệu này một lần nữa khẳng định tính cần thiết phải thực hiện tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) cho những người đã hoàn thành 2 mũi tiêm cơ bản", TS Dương nói.
Các nghiên cứu trên thế giới và trong đó có nghiên cứu của Việt Nam cũng chỉ ra kháng thể kháng SARS-CoV-2 sau tiêm mũi 3 sẽ suy giảm đáng kể khoảng 15 tuần sau khi tiêm, đặc biệt là kháng thể kháng biến chủng Omicron. Do vậy, việc tiêm mũi 4 đặc biệt hữu ích đối với những người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19.
Việc tiêm các mũi nhắc lại vaccine phòng COVID-19 là cần thiết nhằm bảo vệ người đi tiêm không bị mắc bệnh, đặc biệt là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do COVID-19 trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới.

Thu An
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm