Y tế

Nguy cơ mắc bệnh vì thấy thực phẩm "ngon miệng"

DNVN - Ngày 21/4, tại Đại học Đông Á (Đà Nẵng), Hội Dinh dưỡng Việt Nam đã chủ trì tổ chức hội nghị khoa học “Dinh dưỡng, thực phẩm với sức khoẻ và phòng bệnh”.

Đà Nẵng – Quảng Nam: Hạn hán, xâm nhập mặn sớm đe dọa sản xuất nông nghiệp / Đà Nẵng: Không quy định thêm các điều kiện tạo rào cản đối với đầu tư, kinh doanh

PGS.TS Phạm Ngọc Khái – Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam phát biểu tại hội nghị

PGS.TS Phạm Ngọc Khái – Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Theo Hội Dinh dưỡng Việt Nam, hiện tỷ lệ người thừa cân, béo phì, người mắc các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng ngày càng gia tăng; tỉ lệ suy dinh dưỡng và nạn đói tiềm ẩn do thiếu vi chất dinh dưỡng và suy dinh dưỡng vẫn song song tồn tại.
Thêm vào đó, thời gian gần đây các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể và đơn lẻ xảy ra ở nhiều tỉnh, thành với các mức độ khác nhau, trong đó nhiều vụ đã có tử vong.

Cùng chung nhận định này, ông Võ Thu Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam, mô hình bệnh tật đã và đang dịch chuyển từ tỉ lệ cao các bệnh lý nhiễm trùng sang tỷ lệ cao các bệnh lý không lây nhiễm. Bên cạnh gánh nặng kép về dinh dưỡng, người tiêu dùng đang bị “tấn công” bởi rất nhiều loại hình thực phẩm tràn ngập trên thị trường.

“Đồng thời chúng ta đang đối mặt với sự dịch chuyển rất lớn về nhu cầu, từ “ăn no mặc ấm” sang “ăn ngon mặc đẹp”. Chính vì “ngon miệng” nên hàm lượng lý trí trong việc ăn ngon là rất ít, có thể dễ dẫn đến thiếu hoặc thừa dinh dưỡng và nguy cơ rối loạn chuyển hoá trong cơ thể mỗi người”, ông Võ Thu Tùng nói.

Trước tình hình này, PGS.TS Phạm Ngọc Khái – Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho rằng chính sách dinh dưỡng cần quan tâm tới tất cả các nhóm đối tượng, các vùng kinh tế; quan tâm cả bệnh viện và cộng đồng, tạo chính sách dinh dưỡng chủ động dự phòng từ cộng đồng đến bệnh viện cũng như chính sách dinh dưỡng hỗ trợ điều trị từ bệnh viện đến cộng đồng.

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Khái, cần tiếp tục thực hiện tốt hơn “Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045”, có sự đồng bộ, liên ngành từ TƯ đến cơ sở và rút kinh nghiêm từ mô hình cơ sở đến TƯ. Chính sách dinh dưỡng cần quan tâm cả về tài chính, nhân lực, trang thiết bị và hệ thống quản lý.

“Đặc biệt, chính sách dinh dưỡng cần quan tâm tới tất cả mọi nhóm tuổi, mọi vùng kinh tế; quan tâm cả bệnh viện và cộng đồng, tạo ra sự chủ động dự phòng từ cộng đồng đến bệnh viện và hỗ trợ điều trị từ bệnh viện đến cộng đồng. Đồng thời cần có chính sách hỗ trợ các nhà khoa học, tạo cơ hội cho sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học để phát triển nguồn lực trí thức chuyên ngành dinh dưỡng”, PGS.TS Phạm Ngọc Khái nhấn mạnh.


Hải Châu
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm