Thiệt hại kinh tế gấp 5 lần nguồn thu từ thuế thuốc lá
DNVN - GS, TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá, thiệt hại kinh tế do hút thuốc lá chủ động và thụ động cao gấp 5 lần nguồn thu từ thuế thuốc lá. Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá của Việt Nam thấp hơn nhiều so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Thuốc lá điện tử có hại cho sức khoẻ thì phải cấm / Bộ Y tế đề xuất áp thuế 40% với nước giải khát có đường
Tại hội nghị báo cáo kết quả thực hiện các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) năm 2024, định hướng kế hoạch năm 2025, diễn ra ngày 6/12 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, thiệt hại kinh tế do hút thuốc lá chủ động và thụ động, bao gồm chi phí y tế và tổn thất năng suất lao động, lên tới 108,7 nghìn tỷ đồng trong năm 2022, tương đương 1,14% GDP.
"Số tiền này cao gấp 5 lần nguồn thu từ thuế thuốc lá, cho thấy những hậu quả khôn lường mà thuốc lá gây ra cho xã hội", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn chỉ rõ.
Trong khi đó, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá của Việt Nam hiện nay chỉ chiếm 38,8% giá bán lẻ, thấp hơn đáng kể so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (70%).
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh thiệt hại kinh tế do hút thuốc lá.
Đại diện Quỹ PCTHTL nhận định: "Thuế thuốc lá ở Việt Nam còn quá thấp, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận, đặc biệt là tầng lớp thu nhập thấp và thanh thiếu niên".
Không chỉ có mức thuế thấp, giá thuốc lá tại Việt Nam được đánh giá là rất rẻ so với các nước trong khu vực và thế giới. Thuốc lá hiện được bày bán khắp nơi với giá cả hợp túi tiền, khiến việc kiểm soát tiêu dùng trở nên khó khăn.
Tỷ lệ hút thuốc lá, đặc biệt ở nam giới trưởng thành, vẫn ở mức cao, đạt 41,1% (năm 2021). Mặc dù Luật PCTHTL đã được ban hành từ năm 2012, sự giảm sút tỷ lệ này còn rất chậm.
Theo Ths Đỗ Công Chiến - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình, thách thức lớn nhất nhiên hiện nay là trên thị trường toàn xuất hiện nhiều thuốc lá mới phổ biến là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và shisha. Trong thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và shisha, có trên 20.000 hương liệu…có chất gây nghiện cao, hoá chất, có nhiều loại hương liệu độc hại và chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại đối với sức khoẻ. Bên cạnh đó giá lại rẻ, hình thức hấp dẫn, thu hút sự tò mò của lứa tuổi học đường dễ tiếp cận và sử dụng.
Một điểm sáng trong công tác PCTHTL năm 2024 là việc Quốc hội thông qua quy định cấm sản xuất, kinh doanh, và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025. Quyết định này được kỳ vọng sẽ giảm thiểu đáng kể gánh nặng sức khỏe và kinh tế.
Tuy nhiên, đại diện Quỹ PCTHTL cho rằng, để giảm thiểu tác hại của thuốc lá, cần xây dựng lộ trình cụ thể để tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, nhằm làm giảm sức mua, đặc biệt ở các nhóm nhạy cảm như thanh thiếu niên. Siết chặt việc cấp phép và kiểm tra các điểm bán lẻ thuốc lá, hạn chế khả năng tiếp cận dễ dàng. Đồng thời tăng diện tích cảnh báo sức khỏe trên bao bì và đa dạng hóa nội dung truyền thông để nâng cao nhận thức.
GS.TS Trần Văn Thuấn nhấn mạnh: "Chúng ta cần có các chính sách mạnh mẽ hơn nữa để không chỉ bảo vệ sức khỏe người dân mà còn giảm thiểu những tổn thất kinh tế do thuốc lá gây ra. Việc tăng thuế không chỉ là biện pháp hiệu quả mà còn là trách nhiệm của xã hội đối với tương lai".
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo