Bộ Y tế đề xuất áp thuế 40% với nước giải khát có đường
Mỗi năm có hàng trăm người phải cấp cứu vì thuốc lá điện tử / Việt Nam có tên trên bản đồ thế giới về điều trị hiệu quả đột quỵ
Bộ Tài chính đã đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với đồ uống có đường (ĐUCĐ) vào Dự án Luật Thuế TTĐB sửa đổi nhưng không được thông qua vào năm 2018. Sau 7 năm, Nghị quyết 129-NQ/QH15 ngày 8/6/2024 đồng ý cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV (tháng 10/2024)và thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025.
Tại tọa đàm cung cấp thông tin cho báo chí về thực trạng tiêu thụ, tác hại của DUCĐ đối với sức khỏe cộng đồng và vai trò của thuế TTĐB trong việc kiểm soát tiêu dùng ngày 15/11 tại Hà Nội, bà Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, tiêu thụ nhiều ĐUCĐ thiếu kiểm soát được xác định là một trong những nguyên nhân chính gây ra thừa cân, béo phì và các rối loạn chuyển hóa cả ở người trưởng thành và trẻ em. Đồng thời làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp cũng như các biến chứng về bệnh tim mạch, đột quỵ và tử vong...
Ở Việt Nam, việc tiêu thụ nước giải khát có đường đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Theo số liệu của Euromonitor 2023, tổng tiêu thụ ĐUCĐ đã tăng nhanh từ 1,59 tỷ lít năm 2009 lên 6,67 tỷ lít năm 2023 (tăng 420%). Tiêu thụ tính theo đầu người cũng tăng nhanh tương ứng, từ mức 18 lít/người năm 2009, lên thành 66 lít/người năm 2023 (tăng 350%).
Theo Cục Y tế Dự phòng, trung bình người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/người/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50g/người/ngày) theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cao gần gấp đôi so với mức có lợi cho sức khỏe là <25g/người/ngày (cho một người trưởng thành có khẩu phần 2000 Kcal/ngày).
Do đó, áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ĐUCĐ là một trong các giải pháp can thiệp quan trọng được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị nhằm giảm mức tiêu thụ và các tác hại của ĐUCĐ đối với sức khỏe cộng đồng, khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn đồ uống lành mạnh hơn do tác động của việc áp thuế làm tăng giá sản phẩm, từ đó giúp giảm nguy cơ béo phì và nguy cơ phát triển các bệnh không lây.
Bộ Tài chính đề xuất mức thuế là 10% để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các loại nước giải khát có lượng đường thấp, đồng thời nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tác hại của đồ uống có đường.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cho biết, đơn vị này đề nghị mức thuế suất 40% đối với nước giải khát có đường, hoặc 30% sau khi tăng dần lên 40% theo lộ trình. Ngoài ra, mức thuế có thể được chia theo hàm lượng đường để tạo ra mức thuế khác nhau, tương tự như các quốc gia khác đang áp dụng.
ThS, BS, Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Việt Nam thông tin, tiêu thụ nước ngọt tại Việt Nam tăng rất nhanh trong 15 năm qua. Ngoài ra, tỷ lệ thừa cân béo phì và tiểu đường tuýp 2 đang tăng nhanh ở Việt Nam. Tỷ lệ đái tháo đường cũng tăng nhanh tương ứng. Tỷ lệ đái tháo đường ở người trưởng thành đã tăng gần gấp đôi từ 4,1% lên 7,1% từ 2015 tới 2021.
Theo ông Lâm, thuế TTĐB là biện pháp hiệu quả để làm giảm sử dụng nước ngọt. Khoảng hơn 110 quốc gia đã áp dụng thuế với ĐUCĐ. Trong đó, các quốc gia có thu nhập cao hơn có năng lực quản lý tốt hơn thì thiên về đánh thuế theo hàm lượng đường.
Theo tính toán, tác động của mức tăng thuế 10% giá bán của nhà sản xuất 1 lần vào năm 2026 chỉ làm chậm mức tăng tiêu thụ trong 1 năm, tổng cộng vẫn tăng 13% vào năm 2030. Tác động của mức tăng thuế 10% liên tiếp 4 năm từ 2026, tiêu thụ giảm tổng cộng 3% vào năm 2030.
Hiệu quả của đánh thuế đối với nước ngọt là giảm tiêu thụ, tăng thuế ngân sách và tác động tích cực đến sức khoẻ. Đơn cử, ở Anh quốc, nghiên cứu theo dõi dọc trên 1 triệu trẻ em từ 2016 cho thấy đã giảm được 8% số trẻ em gái độ tuổi 10-11 bị béo phì/năm; giảm hơn 19.000 trường hợp đái tháo đường tuýp 2 trong tương lai.
Trên phạm vi toàn cầu, ước tính nếu tăng thuế ở mức 50% thì sẽ giảm được 2,2 triệu ca tử vong trong vòng 50 năm. Ở Việt Nam, ước tính sau 3 năm nếu tăng thuế 40% giá bán với nhà sản xuất thì tỷ lệ béo phì ở người lớn từ 18-69 giảm 0,2%, thừa cân giảm 1,2%, đái tháo đường giảm 0,12%.
Từ những phân tích này, ThS, BS, Nguyễn Tuấn Lâm khẳng định, đánh thuế với ĐUCĐ là một biện pháp y tế dự phòng, bảo vệ sức khỏe. Hiện đã là thời điểm rất thích hợp, cần thiết để áp thuế ĐUCĐ. Mức thuế 10% giá bán của nhà sản xuất, áp trong 1 năm là rất nhỏ, ít tác động. Việt Nam nên xem xét áp dụng lộ tình tăng thuế hàng năm để thuế ĐUCĐ ở mức 40% giá bán nhà sản xuất (tức là 20% giá bán lẻ theo khuyến nghị của WHO) vào năm 2030 để bảo vệ sức khỏe cho thế hệ tương lai.
Trong khi đó, tại hội thảo góp ý Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ Đặc biệt sửa đổi ngày 14/11, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế BIDV, nhận định ngành đồ uống đang chịu nhiều khó khăn chồng chất. Trong giai đoạn 2021-2023, lợi nhuận bình quân ngành giảm 10%/năm, do tác động kép từ COVID-19, chi phí nguyên vật liệu tăng, chính sách quản lý nồng độ cồn, và nghĩa vụ bảo vệ môi trường từ 2024. Ngoài ra, tình trạng buôn lậu, hàng giả, rượu thủ công không kiểm soát càng làm trầm trọng thêm thách thức. Bộ Công Thương dự báo doanh thu ngành năm 2024 tăng 10-12%, nhưng chỉ là sự phục hồi từ mức thấp của năm ngoái. TS Cấn Văn Lực đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn cần lộ trình hợp lý, có thể lùi hiệu lực đến 1/1/2027 để tránh gây "sốc" cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Ông nhấn mạnh, việc tăng thuế nhanh và cao có thể dẫn đến hành vi lách luật, giảm sức cầu, thu hẹp sản xuất, ảnh hưởng tới cả ngân sách nhà nước lẫn lợi ích doanh nghiệp. Do đó, cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, hài hòa lợi ích các bên, và đa dạng hóa nguồn thu ngân sách. Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng để điều tiết hành vi của người tiêu dùng cần nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt là truyền thông thay đổi nhận thức để người tiêu dùng không lạm dụng các sản phẩm rượu, bia; biết lựa chọn các sản phẩm chính thống, được kiểm định chất lượng để đảm bảo sức khoẻ. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo