Tình nghi Iran "thông đồng" Hezbollah, Nga hoãn bàn giao S-300
Tin tức trên báo Thanh niên, thông tin Nga hoãn giao tên lửa S-300 cho Iran được báo al-Jarida (Kuwait) đưa tin, theo Ynet News (Israel) ngày 6/3. Nguồn tin cho hay Tổng thống Putin nhận được thông tin tình báo từ Israel rằng Iran đã hơn một lần chuyển hệ thống tên lửa đất đối không tầm ngắn SA-22 do Nga chế tạo cho Hezbollah. Ông Putin ra lệnh không bàn giao tên lửa S-300 với cáo buộc Iran vi phạm một thoả thuận với Nga: Thỏa thuận quy định không chuyển vũ khí tân tiến do Nga sản xuất cho tổ chức khủng bố Hezbollah ở Li Băng, theo đài Rudaw.
Các phi công Nga xác nhận rằng khi đang thực hiện nhiệm vụ ở Syria và Li Băng, hệ thống radar trên máy bay thường phát hiện các hệ thống tên lửa đất đối không tại những khu vực do Hezbollah kiểm soát ở biên giới Li Băng - Syria.
Nguồn tin của al-Jarida tiết lộ, Moscow đã quyết định trừng phạt Tehran sau khi Israel cung cấp bằng chứng rõ ràng cho điện Kremlin cho thấy, Iran đã và đang đều đặn "tuồn" tên lửa đất-đối-không SA-22 (Pantsir-S1) sang Lebanon cho Hezbollah. Báo Trí thức trẻ thông tin.
Trước đó, trong bài phát biểu tại Đại Hội đồng LHQ hồi tháng 9/2015, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đưa ra nhiều thông tin liên quan đến việc Hezbollah cải tiến kho vũ khí với sự trợ giúp của chính phủ Iran và Syria. Ông Netanyahu khi đó cho biết, không chỉ nhận được SA-22, mà Hezbollah còn nắm trong tay tên lửa chống hạm bờ biển Yakhont.
Ngoài ra, thông tin từ các cơ quan thông tấn của nhiều nước hồi tháng 4 năm ngoái cũng cho biết, các căn cứ Hezbollah tại Lebanon bị không quân Israel tấn công cũng được trang bị SA-22. Bình luận về thông tin này, báo Jerusalem Post của Israel viết rằng, quân đội Nhà nước Do Thái chẳng ngại gì hệ thống tên lửa phòng không SA-5 đã quá lỗi thời của Hezbollah, bởi chúng luôn tỏ ra bất lực trước các đợt không kích của chiến đấu cơ Israel.
Tuy nhiên, báo này nhấn mạnh, SA-22 hoàn toàn có thể trở thành một mối lo ngại thường trực đối với các chiến đấu cơ Israel, vốn trước đây vấp phải rất ít kháng cự mỗi khi hoạt động trên không phận Lebanon.
Theo al-Jarida, Nga đã làm rõ với Iran là quân đội Nga không cần sự tham gia của lực lượng vũ trang Iran trong việc "giải cứu" chế độ Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria. Nga ký hợp đồng bán 5 hệ thống tên lửa S-300 trị giá 800 triệu USD cho Iran vào năm 2007, tuy nhiên việc giao hàng bị hoãn vào năm 2010. Nga giải thích việc giao S-300 cho Iran khi đó sẽ vi phạm lệnh cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Đến ngày 16/1/2016, Mỹ, Liên Hiệp Quốc và Liên minh châu Âu dỡ bỏ cấm vận đối với Iran sau khi đạt được thoả thuận về vấn đề hạt nhân của Tehran, Nga mới thông báo sẽ chuyển tên lửa S-300 cho Iran. Văn phòng Thủ tướng Israel khi đó bày tỏ sự thất vọng và cho rằng hành động này của Tổng thống Putin sẽ gây bất ổn cho khu vực Trung Đông.
End of content
Không có tin nào tiếp theo