Văn hóa

Tới Hà Tĩnh nghe huyền tích về đền thiêng và giếng thần không đo được đáy

Đền Trầm Lâm (Phú Gia, Hương Khê, Hà Tĩnh) nổi tiếng khắp vùng về sự linh thiêng và những câu chuyện thần thoại xung quanh. Đó là những huyền tích về chuyện báo mộng cho Vua Hàm Nghi và giếng trước đền mà đến bây giờ, trong xã hội hiện đại, người dân xung quanh vẫn một mực khẳng định đây là “giếng thần” và hoàn toàn không có đáy.

Huyền tích đền Trầm Lâm

Theo các tài liệu của UBND huyện Hương Khê cung cấp, đền Trầm Lâm là một ngôi đền được ghi lại trong nhiều cuốn sách lịch sử quan trọng của nước ta. Trong sách “Đại Nam nhất thống chí” quyển 13 và “Dư địa chí” đều dành một phần để nói về ngôi đền này. 

Sách “Lễ chí” của nhà Minh cũng ghi chép: “Đền Trầm Lâm này là một trong sáu ngọn nước có tiếng ở An Nam. Năm Hồng Vũ thứ 3 (năm 1370) vua Thái Tổ nhà Minh đã sai sứ sang tế ở đền này. Ngoài ra, trong đền còn lưu giữ nhiều cổ vật quan trọng như đôi liễn khắc do Thái tử Thiếu bảo Nguyễn Chính (Nguyên Tổng đốc Nghệ An) cúng, nội dung: “Công phù đại địa trung hưng thánh – Danh trấn nam thiên thượng đẳng thần” và bức hoành do vị Trực cơ khâm sai đại thần cung tiến đề ba chữ lớn “Nghiễn Thiên Muội”.

Sự tích đền Trầm Lâm gắn liền với câu chuyện huyền bí, lạ kỳ mà người dân ở đây đều thuộc nằm lòng. Ngày xa xưa, lúc nào thì chẳng ai còn nhớ nữa. Chỉ biết, lúc đó huyện Hương Khê gần như là rừng rậm bao phủ. Dân cư thưa thớt, chuyên sống bằng nông nghiệp và săn bắt. Đêm đêm, tiếng hổ báo gầm gừ vang động núi rừng.

Lúc đó có một người đàn ông đi săn bị lạc trong rừng sâu. Người này đi hết các hướng để tìm về với thôn làng nhưng vẫn không thấy đường ra. Đêm rừng xuống nhanh, xung quanh là cảnh u tịch với bạt ngàn cây cối, muông thú. Người đàn ông lực điền cuối cùng cũng phải lả đi vì mệt, đói. Nằm thiếp đi được một lúc, người thợ săn bỗng tỉnh giấc vì những tiếng động lạ. Bỗng nhiên, phía xa xa ông thấy có một giếng nước chẳng hiểu xuất hiện từ bao giờ. Dưới giếng là một cô gái mặc trang phục màu xanh đẹp tuyệt trần đang chèo thuyền. Cảnh tượng hiện ra trước mắt huyền ảo và mê đắm. Người thợ săn ngơ ngẩn nhìn một lúc thì mọi thứ biến mất, và ông lại tiếp tục bị ngất đi. 

Sáng tỉnh dậy, ông đi về hướng giếng nước mình thấy từ tối qua. Kỳ lạ thay, ở đó đúng là có một giếng nước thật. Giếng nước màu xanh ngắt, như một miếng ngọc lớn đặt giữa rừng. Sau đó, người thợ săn không định phương hướng, chạy thẳng một mạch mong tìm ra bìa rừng. Kỳ lạ thay, chỉ chưa đầy giờ đồng hồ, trước mặt ông đã là thôn làng. 

Đền Trần Lâm.

Về nhà, người này đã đem câu chuyện đó kể với mọi người. Người dân trong vùng đã lập nên một cái am nhỏ bên cạnh giếng nước thờ Đức Thánh Mẫu và gọi là đền Trầm Lâm. Trầm Lâm có nghĩa là rừng chìm. Theo một số nhà nghiên cứu, ở thế kỷ thứ 4, đất Hương Khê chỉ là một hồ rộng, dưới đáy là một lớp than gầy. Sau đó đáy hồ nâng dần lên, nước hồ theo một vệt nứt đổ ra biển. Đất dâng lên đã vùi lấp những khu rừng.

Nhưng có lẽ câu chuyện kỳ lạ nhất của đền Trầm Lâm là chuyện báo mộng cho Vua Hàm Nghi khi ông vào nghỉ tại đây. Dân làng cho biết, muốn tìm hiểu câu chuyện thì chỉ có hỏi ông Trần Kim Tăng (87 tuổi, xã Phú Gia) là rõ nhất. Quả thật, khi gặp ông Tăng mới thấy được ông gắn bó và am hiểu về đền Trầm Lâm như thế nào qua rất nhiều câu chuyện ông kể. 

Ông cho biết: “Vào rạng sáng ngày 20/9/1885, Vua Hàm Nghi khi chạy giặc đã đi qua khu vực đất của đền Trầm Lâm và nghỉ ở đây một đêm. Cũng tại đây, Nhà Vua viết Hịch Cần Vương giao cho Tôn Thất Thuyết làm lễ bái yết tại đền. Tối hôm đó, trời tịch mịch, không trăng sao, yên ắng lạ thường. Mệt mỏi, Nhà Vua chìm sâu vào giấc ngủ. 

Trong giấc mơ, Vua mơ gặp một vị tiên nữ đẹp tuyệt trần, bận bộ trang phục màu xanh, cưỡi trên mây đến trước mặt Nhà Vua và nói: “Bọn bạch quỷ đang đưa quân vây ráp. Nhà Vua cần phải định liệu". Vua lập tức tỉnh dậy, triệu quần thần và bô lão trong vùng hỏi chuyện thì biết ông vừa gặp nữ thần đền Trầm Lâm. Vua làm lễ tạ ơn tại đền và sắc phong cho các vụ thần được thờ ở đền kèm theo các vật phẩm quý giá gồm 2 con voi bằng vàng, 2 thanh bảo kiếm, một đạo sắc và một số quần áo. Sau đó, Vua cùng cận thần lập tức đi ngay. Quả thật, sau khi Vua vừa mới rời chân, giặc Pháp đã kéo tới đây để truy lùng ông. 

“Giếng thần” không đo được đáy

 

Ông Hoàng Chương (xã Hương Long, Hương Khê) là một người lớn lên ở cách đền không xa. Ngay từ thuở nhỏ, ông đã tận mắt thấy nhiều điều kỳ lạ ở “giếng thần” tại đền Trầm Lâm. Giếng hình bán nguyệt, rộng hàng trăm mét vuông, án ngữ ngay trước cửa đền, có nước màu xanh ngọc. Chưa ai quanh vùng thấy giếng cạn nước bao giờ, dù cả huyện đã bao phen đối mặt với những trận hạn hán nặng nề. 

Ông Chương nhớ lại: Hồi chiến tranh, có một tên giặc Pháp trú ở đồn gần đền Trần Lâm. Tên này thấy giếng đẹp nên chèo thuyền ra giữa giếng rồi nổi hứng muốn đo xem giếng sâu bao nhiêu. Hắn buộc một cục đá vào đoạn dây dài hàng chục mét rồi thả xuống nước. Nhưng thả hết, sợi dây vẫn căng, không hề bị chùng xuống. Tên giặc về đồn lấy thêm nhiều dây nữa buộc vào rồi thả xuống nước nhưng kết quả vẫn không đổi. Sau đó, tên Pháp này tự nhiên đột tử mà không có lý do. Từ đó người dân ở đây tin là giếng nước không có đáy, và cũng không ai dám ra giữa giếng.

"Giếng thần” không đo được đáy.

Sau này, có một người từ xa đến xã Phú Gia định cư và không tin vào câu chuyện trên. Người này chèo thuyền ra giữa giếng nước rồi dùng dây để đo đạc. Kết quả thu được của người này không khác gì tên lính Pháp ngày xưa. Chán nản, người đàn ông nhảy xuống giếng tắm. Về nhà một thời gian, người này bỗng nhiên mắc bệnh tâm thần, hâm hâm dở dở, luôn mồm kể về những câu chuyện kỳ lạ. Sau đó, người này bị lạc trong rừng, từ đó đến nay không ai thấy mặt.

Đến năm 2006, để giải tỏa những nghi vấn cho nhiều người dân về giếng không đáy, chính quyền huyện Hương Khê đã chuẩn bị kế hoạch để đo độ sâu của đáy giếng. Biện pháp đo dây không được sử dụng mà thay vào đó là các thiết bị đo đạc hiện đại. Khi mọi thứ đã được chuẩn bị xong, cuộc đo đạc sắp bắt đầu thì có một nhà ngoại cảm tình cờ đi ngang qua. Người này cho biết không nên tiến hành các biện pháp đo đạc bởi giếng nước này vốn dĩ là không đáy. Hơn nữa, xung quanh giếng là rất nhiều âm binh bảo vệ. Việc đo đạc không những không có kết quả mà những người tiến hành đo đạc cũng sẽ gặp nguy hiểm. 

Bán tín, bán nghi, nhiều người đã mời những nhà ngoại cảm khác đến xem xét và hầu hết đều có cùng câu trả lời với nhà ngoại cảm đầu tiên. Việc đo độ sâu của giếng thần phải dừng lại. Chuyện không đáy của giếng vẫn nằm trong bức màn bí ẩn.

 

Sau này, nhiều giả thuyết về độ sâu của giếng đã được đưa ra. Nhiều người cho rằng giếng này có đáy. Nhưng vì đáy sâu quá nên không biết dùng bao nhiêu dây mới đo đủ. Một số người thì cho rằng giếng này có đáy thông với con sông Tiêm ở gần đó. Bằng chứng là có người đánh dấu lên quả bưởi và thả xuống giếng. Một thời gian sau, người ta tìm thấy chính quả bưởi này đang trôi trên dòng sông Tiêm. Tất nhiên tất cả những ý kiến đó vẫn tồn tại ở mức giả thuyết.

Ngoài câu chuyện giếng không đáy, ông Trần Kim Tăng khẳng định có nhiều câu chuyện truyền miệng kỳ lạ gắn liền với “giếng thần” này. Ngày xưa, những gia đình có lễ lạt, cúng đơm mà nghèo, không có tiền sắm bát đũa, mâm bàn thì ra giếng khấn. Ngay lập tức, những món đồ đó sẽ nổi lên trên chiếc thuyền nhỏ. Các gia đình dùng xong phải rửa sạch rồi mang ra thả xuống giếng. Sau này, có một gia đình vì lòng tham đã đem đánh tráo một vài món đồ rồi mang trả giếng. Từ đó trở đi không ai có thể mượn đồ của giếng, kéo dài thêm những câu chuyện kỳ lạ về đền cổ và “giếng thần” Trầm Lâm…

Nên đọc
Theo Báo Pháp luật
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo