Văn hóa

Tôm khô Rạch Gốc - thứ đặc sản vang danh bốn phương

Tôm khô Rạch Gốc là thương hiệu nổi tiếng, niềm tự hào của người dân Đất Mũi - Cà Mau. Nhiều năm qua, hợp tác xã (HTX) sản xuất tôm khô Tân Phát Lợi (ấp Tân Lập, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển) được xem là điển hình trong phát triển và đưa thương hiệu tôm khô Rạch Gốc vươn xa.

Giữ gìn thương hiệu truyền thống

Năm 2011, với mong muốn xây dựng và bảo vệ thương hiệu tôm khô xứ Đất Mũi đã nổi danh từ lâu, Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng hoàn thành hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể tôm khô Rạch Gốc. Tháng 7.2011, tôm khô Rạch Gốc được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể.

Với mục đích tập hợp những nông dân có nghề truyền thống làm tôm khô ở địa phương, năm 2011, tổ hợp tác sản xuất tôm khô Tân Phát Lợi được thành lập, đến năm 2012 phát triển thành HTX với 7 thành viên. Từ đó đến nay, HTX không ngừng cải tiến chất lượng sản phẩm và được xem là một điển hình đưa nhãn hiệu tôm khô Rạch Gốc bước vào các thị trường lớn.

Theo ông Bùi Văn Chương – Giám đốc HTX sản xuất tôm khô Tân Phát Lợi, cho biết: HTX có vốn điều lệ ban đầu là 300 triệu đồng, hiện đã đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất, đổi mới công nghệ, sản phẩm được sản xuất theo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, việc bảo quản nguyên liệu, quy trình chế biến và đóng gói luôn được các xã viên tuân thủ nghiêm ngặt theo quy chuẩn sản xuất của nhãn hiệu tập thể. Giữ gìn và phát triển thương hiệu truyền thống là trách nhiệm của chúng tôi.

Hiện HTX là đầu mối cung cấp tôm nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm cho xã viên. Sản phẩm giao cho khách hàng theo hợp đồng thông qua HTX, sau đó xã viên trích 5% lợi nhuận nộp vào quỹ HTX.

Tôm khô Rạch Gốc Chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Chúc Ly.

Đa dạng sản phẩm

Ông Lê Ngọc Lâm – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển, Trưởng ban Quản lý nhãn hiệu tập thể tôm khô Rạch Gốc cho biết: “Nhiều năm qua HTX sản xuất tôm khô Tân Phát Lợi không ngừng cải tiến mẫu mã để cung ứng cho những thị trường khó tính. Để phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng, sản phẩm được đóng hộp đa dạng về trọng lượng, từ 100gr, 200, 300 đến 500gr và 1kg. Toàn huyện hiện có 15 cơ sở sản xuất tôm khô, trong đó tham gia đăng ký quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể là 5 cơ sở, gồm: HTX sản xuất tôm khô Tân Phát Lợi, doanh nghiệp tư nhân Chí Tâm và 3 hộ gia đình”.

Cũng theo ông Lâm, quy trình cơ bản để làm nên con tôm khô Rạch Gốc gồm: Tiếp nhận nguyên liệu – chọn tôm đạt cỡ - rửa sạch – luộc - phơi – sấy - tách vỏ - sàng, lau bóng – phân loại – đóng gói. Các cơ sở sản xuất phải đảm bảo tuân thủ đúng quy trình này, đồng thời tại mỗi nơi sẽ có những bí quyết riêng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng con tôm khô mang nhãn hiệu tôm khô Rạch Gốc.

Cũng chính điều đó đã giúp đưa sản phẩm tôm khô của HTX vào được siêu thị Saigon Co.op, Công ty thực phẩm 3 miền, Công ty Hải sản Kim Huệ (Cần Thơ), chợ đầu mối Bình Ðiền và nhiều vựa tôm khô trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi ngày HTX cung ứng ra thị trường khoảng 300kg tôm khô thành phẩm, còn trong vụ tết thì khoảng 500kg/ngày

Theo các thành viên HTX, để cho ra được con tôm khô có vị vừa ăn mà vẫn giữ được hương vị đậm đà đặc trưng của tôm khô Rạch Gốc, khâu luộc tôm rất quan trọng, phải canh lửa cháy đều, nêm muối vừa tay với tỷ lệ 10kg tôm nguyên liệu – 100gr muối, khi thịt tôm rút lại tách rời với vỏ thì mới đem phơi. Còn khi sấy tôm phải đảo đều và sấy ít nhất 2 lần để thịt tôm khô hẳn. Đối với tôm đất loại 140 con/kg, trung bình, từ 7,5-8kg sẽ chế biến được 1kg tôm khô thành phẩm.

 

Bà Huỳnh Thanh Nhanh, thành viên HTX, chia sẻ: “Trong vụ tết này khách hàng khắp nơi đặt hàng các xã viên làm không xuể, có ngày gia đình tôi làm ra khoảng 60-70kg tôm khô thành phẩm. Mấy năm nay nhờ tham gia vào HTX, rồi sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX ngày càng phát triển”.

“Tôm khô Rạch Gốc có màu đỏ hồng tự nhiên, thịt tôm khô và dẻo, có vị ngọt đậm đà; sử dụng nguồn nguyên liệu là con tôm đất thiên nhiên, được khai thác từ vuông (gọi là tôm vuông), sông và biển (gọi là tôm biển). Khâu luộc tôm được xem là quan trọng nhất, quyết định đến chất lượng tôm khô và mỗi cơ sở sẽ có một phương pháp riêng, luộc tôm đặc biệt không dùng nước, nhằm giữ được vị ngọt của thịt tôm” - ông Bùi Hoàng Chương, xã Tân Ân Tây tiết lộ bí quyết. 

Sau 3 năm hoạt động, tổng doanh số bán ra của HTX sản xuất tôm khô Tân Phát Lợi đạt trên 3 tỷ đồng, lợi nhuận của xã viên trên 50 triệu đồng/năm/hộ, bình quân thu nhập của người lao động 3,5 triệu đồng/tháng. Năm 2015, HTX được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau trao giấy chứng nhận là sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu.
Nên đọc
Theo Dân Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo