Tôn vinh hay nhạo báng danh nhân?
Cuốn sách ra đời nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2014).
Theo thông tin trên bìa sách, “Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc” là cuốn sách liên kết giữa 3 nhà: NXB Văn hóa Thông tin, Nhà sách Tân Việt và Trung tâm dịch thuật, Dịch vụ văn hóa và Khoa học công nghệ (CTCS) - Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam. Đồng chủ biên: TS Nguyễn Hoàng Điệp và Đại tá - bác sĩ Đức Thông.
Những người biên soạn gồm có: Nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông - TS Nguyễn Hoàng Điệp; Bác sĩ - đại tá Đức Thông; GS.TSKH Đinh Ngọc Lân; TS Nguyễn Đức Trạch; Đại tá Nguyễn Thế Vỵ và một số tác giả, cộng tác viên khác. Đặc biệt, trong danh sách này còn ghi tên cố Thượng tướng, GS.NGND Hoàng Minh Thảo, người đã mất từ cách đây 6 năm.
Gắn râu cho Lý Thường Kiệt
Điều đầu tiên cần phải nhắc đến là, trừ 12 vị tướng thời hiện đại (Võ Nguyên Giáp, Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái, Nguyễn Chí Thanh, Văn Tiến Dũng, Chu Huy Mân, Lê Đức Anh, Nguyễn Hữu An, Trần Văn Trà, Đoàn Khuê, Phạm Văn Trà và Hoàng Minh Thảo) có ảnh chân dung, thì với các danh nhân từ thời Nguyễn về trước (Hai Bà Trưng, Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Trương Định) cuốn sách sử dụng đa số các tranh minh họa từ kỹ xảo của nhóm Viettoon.
Đây là nhóm họa sĩ 8X ở TP. Hồ Chí Minh, do họa sĩ Hoàng Vi Kha chủ trương.
Tôi không rõ việc sử dụng tranh minh họa này, NXB Văn hóa Thông tin và nhóm làm sách đã liên hệ bản quyền với họa sĩ Hoàng Vi Kha hay chưa, để tránh chuyện diễn viên hài Công Lý lên bìa như cuốn sách trước đó của một NXB đã mắc.
Nhìn vào bìa 4 cuốn sách, thấy các anh hùng dân tộc Việt Nam vị nào cũng cầm binh khí như trong game online và hệt như binh khí trong các phim cổ trang Trung Quốc. Điều này chứng tỏ một sự nghèo nàn về ý tưởng và thiếu hiểu biết về sử liệu.
Năm 2013, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức công bố cuốn sách “Ngàn năm áo mũ”, khảo sát về trang phục của tổ tiên ta. Tiếc thay, các nhà làm sách không liên hệ để nhờ anh tư vấn về trang phục cho một chút, lại đi ăn xổi.
Tôi nhớ rằng, từ 5 năm trước, nhà thư pháp tiền vệ Trịnh Tuấn đã chia sẻ với bạn hữu quan điểm của mình trước những bức tranh này.
Anh Trịnh Tuấn coi đây là việc làm méo mó sử Việt, bôi tro trát trấu vào tiền nhân, bằng chính sự kém cỏi về văn hóa lịch sử và không hề có tính dân tộc trong bộ tranh đầy vẻ kiếm hiệp, và hầu hết na ná các nhân vật trong phim ảnh Trung Quốc.
Bạn đọc hiểu biết và có kiến thức lịch sử sẽ thấy nực cười nhất là bức ảnh chân dung Lý Thường Kiệt ở bìa 4, cũng giáp trụ sáng loáng, giáo nhọn, râu dài bạc trắng y như lão tướng Triệu Tử Long hùng dũng ra trận. Có điều, Lý Thường Kiệt là thái giám thì làm gì có râu?
Lý Thường Kiệt... có râu
Chưa hết, ở trang 79, bức tranh minh họa “Tây Sơn ngũ phụng thư” là danh hiệu của5 phụ nữ nổi bật của nhà Tây Sơn là nữ tướng Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, Huỳnh Thị Cúc và Nguyễn Thị Dung.
Nước ta có truyền thống chống giặc ngoại xâm giữ nước nên đời nào cũng sản sinh ra danh tướng. Những người còn sống ngày hôm nay định đem các danh nhân, danh tướng ra làm kinh doanh, gây dựng thương hiệu là việc làm của họ. Nhưng đã làm thì cần phải làm cho nghiêm túc, chớ đem danh nhân, danh tướng, anh hùng dân tộc ra nhạo báng.
Nhìn vào bức tranh thì giống hình ảnh phim hoạt hình Nhật Bản “Thủy thủ Mặt trăng” hoặc như ngày nay là những bức ảnh minh họa trong tranh phong cách Manga dành cho nữ sinh tuổi teen.
Tiêu chí hay trò đùa?
Việc lựa chọn các danh tướng và sắp xếp để viết sách là một yêu cầu khoa học cẩn trọng, nghiêm túc thì đã được ban biên soạn biến thành trò đùa.
Tiểu sử các nhân vật, nhiều vị được coppy từ trang tiểu sử trên mạng Internet qua trang Bách khoa thư mở Wikipedia: Đại tướng Phạm Văn Trà, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo...
Nguyễn Trãi cũng được xếp vào danh tướng (trang 54 - 62). Vậy các vua nhà Trần tham gia chống giặc Nguyên - Mông như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, các tác giả xếp vào đâu?
Có những danh tướng chỉ được một mẩu chưa đầy gang tay (Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư), còn như Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành đến 78 trang (từ trang 100 đến trang 178).
Như vậy, chỉ mình tướng Giáp chiếm 1/3 cuốn sách dày 224 trang, khổ 16,5x26,5cm (nhiều nội dung trong 78 trang này cũng xuất hiện y nguyên ở cuốn “Võ Nguyên Giáp - Đại tướng của nhân dân”, TS Nguyễn Hoàng Điệp - Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải đồng chủ biên, NXB Văn hóa Thông tin 2014).
Tôi muốn dành sự hài hước cuối cùng là cố Thượng tướng, GS.NGND Hoàng Minh Thảo, người đã mất từ cách đây 6 năm, chắc chắn ông không thể nào sống lại mà cãi được với đám hậu sinh đã tự động đưa tên và dành những trang viết về ông ở trong cuốn sách.
Vừa ở trong Ban biên soạn vừa tự tôn vinh mình trong sách thì chỉ có ở... vị doanh nhân trong cuốn sách đã từng bị phê phán trước đây mà thôi!
End of content
Không có tin nào tiếp theo