Doanh nghiệp - Doanh nhân

Trạm dừng của Đinh Nhật Nam

Sinh năm 1989, đồng sáng lập kiêm Giám đốc Tiếp thị của Công ty cổ phần Urban Station, Đinh Nhật Nam tự biến giấc mơ kinh doanh quán cà phê từ thời sinh viên thành hiện thực và mở rộng ra chuỗi 36 quán cà phê.

Hà Nội một ngày cuối tuần tháng 3, trời mưa dầm sũng nước khiến cho nhiều quán cà phê vắng khách hơn thường lệ. Tôi đẩy cánh cửa màu đỏ nổi bật của quán cà phê Urban Station, 47 phố Huế, Hà Nội và bước vào. Đinh Nhật Nam, đồng sáng lập và hiện là Giám đốc Tiếp thị của Công ty cổ phần Urban Station, mặc quần jeans, áo da đen, đi giày sneaker đen ngồi đợi bên chiếc laptop và ly cà phê. Trông chàng trai 26 tuổi đang nắm giữ 26% cổ phần của Urban Station – thương hiệu được định giá ước khoảng 2 triệu USD - giống như một khách hàng bình thường. Nam ra quầy, xếp hàng và trả tiền cho ly Matcha Latte mà anh mời tôi. Và câu chuyện của chúng tôi bắt đầu.

 

- “Giới trẻ chọn quán cà phê như thế nào?”

 
Như thắc mắc của nhiều người về cơ nghiệp mà anh sở hữu, tôi cũng thắc mắc về nền tảng và sự hậu thuẫn của gia đình đối với những thành công quá sớm của anh. 
 
(Cười). Tôi cũng nhận được nhiều câu hỏi tương tự và có thể hiểu những thắc mắc đó. Tuy nhiên, không phải cứ sinh ra trong một gia đình khá giả, có cha mẹ nâng đỡ thì mới khởi nghiệp được. Ở Việt Nam hiện nay, có nhiều bạn trẻ lập nghiệp từ khi hoàn toàn tay trắng.
 
 
Nếu anh theo dõi danh sách “30 Under 30” mà Tạp chí Forbes Việt Nam mới công bố (gồm 30 nhân vật trẻ, dưới 30 tuổi tiêu biểu hoạt động trong nhiều lĩnh vực, Đinh Nhật Nam là một trong số đó – PV), anh sẽ đồng tình với nhận định của tôi. Một bạn trẻ làm thợ cơ khí giỏi, có tay nghề cao xứng đáng được tôn vinh giống như chủ doanh nghiệp lớn. 
 
Gia đình tôi cũng bình thường như các gia đình khác, ba má đều là công chức. Má tôi là dược sĩ đã về hưu, bà mở một tiệm thuốc Tây tại nhà. Ba tôi làm phiên dịch cho một doanh nghiệp của nhà nước. Chị gái tôi là bác sĩ. 
 
- Yếu tố và môi trường nào thúc đẩy anh khởi nghiệp? Anh có học chuyên ngành kinh doanh ở trường đại học không?
 
Có lẽ tôi có một đặc điểm hơi khác với những người trẻ khác, đó là tôi rất ngưỡng mộ các thần tượng là những doanh nhân lớn của thế giới. Nhưng sau một thời gian, tôi thấy thần tượng của mình cũng… bình thường và cố gắng tìm cách vượt họ ở một điểm nào đó. Thời học đại học, tôi học ngành marketing tại Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM. 
 
Hồi đó tôi đã yêu cà phê và nhen nhóm ý định khởi nghiệp với một quán cà phê nhạc Acoustic. Ý định này thực ra bắt nguồn từ sở thích đàn, hát của tôi thời sinh viên. Năm thứ ba đại học, tôi lên kế hoạch mở quán cà phê nhạc nhưng không tìm được mặt bằng ở trung tâm thành phố bởi giá cho thuê rất đắt.
 
 
Đi tìm đối tác để mời họ hợp tác mở quán nhưng tôi là sinh viên, không có vốn, không có quan hệ nên họ nhìn tôi với ánh mắt ngờ vực, có thể nói là khá kỳ thị. Tài sản duy nhất của tôi lúc ấy là niềm khao khát. Luận văn tốt nghiệp đại học của tôi có tiêu đề: “Giới trẻ chọn quán cà phê như thế nào”?

Trạm dừng chân thành thị  

- Khi anh và bạn bè bắt đầu mở quán Urban Station đầu tiên là thời điểm nở rộ mô hình quán cà phê “take away” tại TP.HCM. Đây là sự liều lĩnh của tuổi trẻ hay là một chiến lược kinh doanh có tính toán kỹ?
 
Đi tìm đối tác để mời họ hợp tác mở quán nhưng tôi là sinh viên, không có vốn, không có quan hệ nên họ nhìn tôi với ánh mắt ngờ vực, có thể nói là khá kỳ thị
 
Tháng 6/2011, chúng tôi khai trương quán cà phê Urban Station (nghĩa là “Trạm dừng chân thành thị”) đầu tiên đúng vào lúc giao thời giữa hai cơn sốt kinh doanh trà sữa và cà phê “take way”. Như anh biết, thị trường trà sữa lúc ấy bắt đầu thoái trào sau khoảng 10 năm làm mưa làm gió tại TP.HCM. Trà sữa xuống dốc thì cà phê “take away” lên ngôi. Cho đến giữa năm 2012, người người, nhà nhà đua nhau mở quán cà phê theo mô hình này. 
 
Chúng tôi vừa có sự liều lĩnh, niềm khát khao khởi nghiệp của tuổi trẻ, nhưng đấy là sự liều lĩnh được tính toán kỹ lưỡng và có chiến lược kinh doanh bài bản. Chúng tôi không chạy theo phong trào mà đi tiên phong trong phân khúc cà phê “take away”, nhưng có bản sắc riêng. Bản chất của mô hình cà phê này là cần hạ chi phí sản phẩm cao cấp xuống để nhiều người có thể sử dụng và nhân rộng ra.
 
 
Như vậy, chủ sở hữu phải giảm chi phí nhân công và các chi phí đầu vào khác để hạ giá thành. 

- Anh có nhắc tới bản sắc riêng của Urban Station chứ không phải sự sao chép của các chuỗi quán khác. Vậy nó là gì? 
 
Trước khi nói tới bản sắc của Urban Station, tôi sẽ kể cho anh nghe về thời gian mới thành lập quán đầu tiên. Đó là một quãng thời gian rất khó khăn, có lúc tôi nghĩ không vượt qua nổi vì có quá nhiều rào cản. Từ thời điểm mở cửa tháng 6/2011 cho đến tháng 12/2011, mỗi tháng chúng tôi bị lỗ khoảng 30 triệu đồng, toàn là tiền tích góp của các cá nhân.
 
 
Năm cổ đông sáng lập là bạn bè của nhau ngồi lại suy nghĩ xem có tiếp tục nữa hay không. Chúng tôi tiến hành nghiên cứu thị trường để xác định rõ ràng nhu cầu của thị trường cũng như đối tượng khách hàng mình hướng tới. Loại hình “take away” thành công được ở nước ngoài là do người tiêu dùng đi xe hơi.
 
 
Nhưng ban đầu, chúng tôi cố ý thiết kế ghế ngồi trong quán rất cao, mục đích là để cho khách… bị mỏi lưng và phải uống nhanh để đi, lấy chỗ cho khách khác. Nghiên cứu hành vi uống cà phê của khách hàng tại TP.HCM thì tôi thấy, đa số vẫn muốn ngồi tại quán lâu nhâm nhi ly cà phê. 
 
Do vậy, tôi quyết định điều chỉnh thiết kế không gian quán, phía sau quán bố trí bàn ghế thấp và thoải mái hơn dành cho khách muốn ngồi uống tại chỗ, còn khách nào muốn mang đi thì chỉ việc ghé vào mua. Tôi nghĩ bản sắc của Urban Station là địa điểm đẹp, không gian thoải mái, đồ uống chất lượng cao nhưng giá cả phải chăng và dịch vụ tốt. Thiết kế của chuỗi cũng hiện đại và ấm cúng, phù hợp với ý tưởng mở quán của những người sáng lập – tạo ra điểm dừng chân thư giãn, dễ chịu cho khách. Triết lý kinh doanh của chúng tôi là tập trung vào phân khúc khác, tránh đối đầu trực diện với các đối thủ để khai thác số đông. 
 
- Sau khi điều chỉnh lại thiết kế của quán đầu tiên tình hình có tiến triển tốt hơn không? Quán thứ hai có rút kinh nghiệm từ quán thứ nhất?
 
Đầu năm 2012, quán thứ hai ra đời với nhiều điểm mới so với quán đầu. Không gian bên trong được chăm chút kỹ hơn, thiết kế đẹp hơn và là bước chuyển quan trọng thứ nhất của Urban Station. Tuy nhiên, mâu thuẫn đã phát sinh giữa nhóm cổ đông sáng lập. Một số người muốn củng cố hoạt động của quán cho tốt rồi mới mở rộng, số còn lại muốn mở rộng ngay để chiếm lĩnh thị trường.
 
 
Tôi và một cổ đông sáng lập là Ninh (đã rút hết vốn) quyết định mua lại cổ phần của hai cổ đông ra đi, đồng thời chào đón sự gia nhập của một doanh nhân có kinh nghiệm.
 
 
Bước tiếp theo, chúng tôi quyết tâm tăng doanh thu cho các quán nhờ vào bản sắc của Urban Station để bù đắp chi phí mặt bằng, thay vì cắt giảm chi phí. Nhờ chiến lược đúng đắn, doanh thu của quán thứ hai tăng đột biến chỉ sau một thời gian, đạt trung bình khoảng 300 triệu đồng/tháng. 
 
- Hiện nay Urban Station đã có tổng số 36 quán, tính cả các quán được nhượng quyền. Tình hình kinh doanh của chuỗi có ổn định không khi phải cạnh tranh với nhiều đối thủ mạnh? 
 
Kinh doanh chuỗi quán cà phê không đơn giản như tôi nghĩ lúc đầu. Bản thân Urban Station cũng phải tự nhìn lại mình để liên tục cải tiến, điều chỉnh chiến lược cho phù hợp. Nếu chậm đổi mới sẽ bị đào thải rất nhanh. Hiện nay, công ty đã mở được 36 quán tại Hà Nội và TP.HCM. Trong đó có 10 quán thuộc sở hữu 100% của nhóm cổ đông sáng lập và đều nằm tại TP.HCM.
 
 
Tôi nắm giữ 26% cổ phần công ty. Một hình thức khác là franchise, theo đó công ty nhượng quyền sử dụng thương hiệu cho đối tác, họ đầu tư toàn bộ quán còn chúng tôi điều hành chuỗi. 

- Thế còn hình thức chia lợi nhuận giữa hai bên? 
 
Kinh doanh chuỗi quán cà phê không đơn giản như tôi nghĩ lúc đầu. Nếu chậm đổi mới sẽ bị đào thải rất nhanh
 
Theo thỏa thuận ban đầu, nếu các quán có lợi nhuận thì bên nhận nhượng quyền trả cho chúng tôi 30% mức doanh thu ròng, bởi vì chúng tôi không lấy mức phí nhượng quyền ban đầu. Sau đó, hai bên đàm phán lại và hiện nay tỷ lệ chúng tôi nhận từ đối tác là 5% của tổng doanh thu. 
 
Bước lấy đà

- Doanh thu trung bình hiện nay của các quán là bao nhiêu tiền một tháng?
 
Tính bình quân doanh thu của một quán Urban Station là khoảng 300 triệu đồng/tháng. Hiện nay, thương hiệu Urban Station được định giá 2 triệu USD. 

- Nghe nói anh đã bước chân vào lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, có đúng không?
 
Đúng vậy. Tôi đã mở hai nhà hàng mang tên PapaXốt tại TP.HCM, phục vụ món ăn theo kiểu Nhật với giá phù hợp. Điểm đặc biệt là quán có các chảo gang giữ nhiệt lớn, khi khách kêu món đầu bếp sẽ cho cơm, rau, các loại thịt tùy chọn, nước sốt vào đảo cho chín qua rồi bê ra bàn và hướng dẫn khách cách đảo thức ăn cho đến khi chín hẳn. Loại chảo đặc biệt này giữ nhiệt cho thức ăn khoảng một tiếng sau khi bắc ra khỏi bếp. 
 
- Xem ra anh còn quá trẻ nhưng có quá nhiều tham vọng. Còn dự án nào anh đang ấp ủ không?
 
(Cười). Tôi không quá tham vọng đâu, nhưng đúng là chuỗi quán cà phê chỉ là điểm khởi đầu, một trạm dừng trong kế hoạch kinh doanh của tôi. Tiếp theo ư, có thể là lĩnh vực du lịch.
 
- Xin cám ơn anh!
 
 

 

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo