Doanh nghiệp - Doanh nhân

Trần Mai Hương, đồng sáng lập 8870Link: Gác cái tôi để đồng thuận kế hoạch

Ở các dự án khởi nghiệp, mỗi cá nhân đều có ít nhất một giải pháp cho vấn đề đang xảy ra. Điều cần thiết là bên cạnh tư duy phản biện, mọi người phải gác cái tôi để đồng thuận cho kế hoạch.

Biết mình yếu điểm nào

“Không chịu thừa nhận những điểm sai là điều nguy hiểm nhất, khiến mình ngộ nhận và kéo mình trì trệ”, Trần Mai Hương, đồng sáng lập 8870Link - một công ty tư vấn, kết nối đầu tư từ Mỹ vào các start-up tại Việt Nam và xuất khẩu sản phẩm nội địa đến nền kinh tế số một thế giới này cho biết.

Trần Mai Hương.

Mai Hương từng thành lập và đang tham gia vào 2 dự án khởi nghiệp tạo được sự chú ý tích cực trên thị trường. Hương kể, trên một bàn họp tại New York, dù có nhiều quan điểm của một bà mẹ đơn thân từ Pakistan, một bạn trẻ đến từ thành phố nghèo của Ấn Độ và Hương đến từ TP.HCM, thì tất cả phải tìm ra một phương án đảm bảo đạt được kết quả chung.

“Bạn nghĩ như vậy, tôi không nghĩ vậy. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi đúng, bạn sai và ngược lại”, Mai Hương giải thích. Tuy nhiên, không dễ hình thành được tư duy này, đặc biệt nếu xuất thân từ châu Á - khu vực vốn chưa có nhiều hoạt động khuyến khích, kích thích tư duy phản biện. Hoặc có thể điều này đã trở thành “văn hóa” ít khi lên tiếng thể hiện quan điểm, rồi khi lên tiếng lại dễ tự ái cao khi tiếng nói của mình bị phản bác.

Từ một chủ doanh nghiệp với cái tôi to bự, lúc nào mình cũng đúng, Hương phải thay đổi để phù hợp với môi trường làm việc quốc tế. “Nhiều đêm tôi nghĩ, tại sao điều đó mình thấy đúng mà họ lại không cùng quan điểm, làm thế nào để tiếng nói của mình vẫn được tôn trọng mà không để cái tôi lấn át. Đó là bài học giúp tôi nhận ra rằng, trong cuộc sống phải có nhiều ý kiến khác chiều và mình cần đề cao sự khác biệt. Đó mới là làm việc nhóm”, Mai Hương chia sẻ.

Nhiều người từng đặt câu hỏi, tại sao Việt Nam chưa có các công ty lớn xét trên nhiều khía cạnh, cũng như những người tài chưa thể “ngồi chung mâm” để làm việc cùng nhau. Có lẽ câu trả lời phụ thuộc vào việc tìm ra “mảnh ghép” còn thiếu của mỗi cá nhân. Hành trình 5 năm khởi nghiệp của Hương bao gồm cả việc thành lập các dự án, cũng như làm thuê tại các công ty chính là quãng đường giúp cô học cách phối hợp làm việc với nhiều người ở nhiều không gian, thời gian khác nhau.

“Chúng tôi phải tự xác định bản thân mình giỏi và kém cái gì. “Mảnh ghép” còn lại sẽ là người sở hữu những điểm mạnh mà với tôi đó là điểm yếu. Khi đó, nhiều nguồn lực được bổ sung cho nhau, cùng sự tôn trọng sẽ tạo nên một tập thể hoàn chỉnh”, sáng lập 8870Link nói.

 

Cần một chút mộng mơ

Start-up đôi khi cần là những người hơi mơ mộng, “ngô nghê” một chút và đừng quá suy xét, tính toán quá kỹ càng trước khi ra quyết định cuối cùng. Bởi thời điểm trôi qua, mọi thứ sẽ thay đổi. Việc cần làm là ra quyết định chứ không thể dành quá nhiều thời gian để phân tích.

Đây là điểm Hương nhận ra sau nhiều lần khởi nghiệp. Trước khi ra quyết định, cô phải tập hợp đầy đủ mọi dữ liệu liên quan từ “chân tơ đến kẽ tóc”. “Nhưng sự thật, không bao giờ là đủ để làm việc đó. Bởi kiến thức là vô hạn”, Hương đúc kết kinh nghiệm cho bản thân.

Quyết định khởi sự doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào việc nghiên cứu thị trường. Tuy nhiên, không có nghĩa chỉ thực hiện việc này khi đủ tiền, nhân sự hay công nghệ. Bởi khi ấy, có thể cơ hội đã mất, thị trường không có chỗ cho những start-up chậm chạp. Công ty lớn không còn đánh bại công ty nhỏ được nữa, mà sẽ là người nhanh đánh bại kẻ chậm.

Nên đọc
Theo Báo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo