Trẻ con thời chiến
Người Hà Nội đi sơ tán. Đúng ra là chỉ những người già và trẻ con rời khỏi thành phố. Các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy vẫn hoạt động cầm chừng nghe ngóng. Người có quê ở các tỉnh lân cận kéo nhau về làng tá túc tại gia đình họ hàng. Nhiều người xa quê quán lâu đời, họ hàng cũng chỉ còn lại những người xa lắc. Quê hương tìm cách thu xếp cho họ ở nhờ nhà kho, đình chùa, miếu mạo… Lũ trẻ tập làm quen với đèn dầu, nước giếng, ao chuôm, đồng ruộng. Gian nan vất vả nhưng cực kỳ vui sướng. Sống ở nông thôn trong khoảng ba năm liền là điều mà nhiều thế hệ trẻ con sau hòa bình không bao giờ có được.
Nửa cuối năm 1968, tình hình chiến sự lắng xuống. Không có thông báo nào từ Nhà nước nhưng người Hà Nội bằng cảm nhận của mình đã tìm cách đưa trẻ con về. Mấy năm liền người lớn quá vất vả tiếp tế cho gia đình sơ tán chỉ bằng những chiếc xe đạp thô sơ. Quần áo, gạo, củi, thuốc men cùng với nhung nhớ về đến tận ngõ ngách xóm làng xa xôi. Họ đạp xe năm, sáu chục cây số mỗi cuối tuần tính ra đã hàng vạn ki lô mét trong thời gian ấy.
Không có chủ trương hồi cư, trẻ con về phố phải học ở các trường ven nội Xuân Đỉnh, Nghĩa Đô, Yên Hòa, Thanh Xuân, Hoàng Mai… Lần đầu tiên lũ trẻ được chứng kiến một sự kiện mà sau này có tên gọi là “chạy trường, chạy lớp”. Chỉ khác bây giờ là mọi ngôi trường phụ huynh chọn lựa lúc ấy không theo tiêu chí “trường chuyên lớp chọn”. Ngôi trường chỉ cần thỏa mãn một điều kiện duy nhất mà thôi. Nó phải gần bến xe điện cuối cùng của mấy tuyến Hà Đông, Cầu Giấy, Bạch Mai, Bưởi… Và khác bây giờ ở chỗ các thầy, cô giáo lúc ấy cũng chỉ nhận những món quà lặt vặt. Chiếc lốp xe đạp, vài mét vải may áo, chiếc khăn quàng cổ, chiếc bút máy Kim Tinh, mấy thếp giấy “năm hào hai”. Hình như hồi ấy chiếc phong bì chỉ dùng vào mỗi việc gửi thư mà thôi.
Trẻ con quá vui khi được về phố sau mấy năm sơ tán ở quê. Những đứa nhỏ được quấn quýt bên cha mẹ, được ăn ngon, có đèn điện nước máy. Những đứa lớn hơn bắt đầu hành trình khám phá lại thành phố của mình ở các vùng ngoại ô. Chúng nhanh chóng làm quen với cả sáu tuyến xe điện bằng cách xin đi nhờ. Những người soát vé trên tàu dễ tính nhưng đầy nghiêm khắc. Họ như các bậc phụ huynh rèn giũa bọn trẻ như ở nhà. Chiều muộn không bao giờ cho bọn trẻ đi nhờ ra các vùng ngoại ô. Ở trên tàu liên tục nhắc nhở lũ trẻ giữ trật tự vệ sinh. Đứa nào yếu mệt dẫn ra đồn công an gần nhất nhờ gửi về nhà.
Thành phố thanh bình yên tĩnh dù cuộc sống rất nghèo khổ. Bát cơm độn một nửa mì sợi, sắn, ngô. Tất cả đều được phân phối bằng tem phiếu. Nhiều người lớn sau giờ làm việc ở cơ quan phải nhận về nhà rất nhiều việc làm thêm. Từ dán hộp mứt, may dây cặp ba dây, dán túi đường, cho đến gấp giấy in, quấn thuốc lá, đan len, gõ đinh thuê cho hiệu giày, đơm khuy thùa khuyết cho hiệu may. Từ nuôi lợn, nuôi gà cho đến may vá và sửa chữa xe đạp. Vài phụ huynh “tháo vát” hơn còn có thể lảng vảng ra các cửa hàng buôn bán tem phiếu. Đám phụ huynh này được gán cho cái tên “phe phẩy” thường bị nhìn bằng con mắt kém thiện cảm. Tuy nhiên, họ cũng chỉ là những bậc phụ huynh hết lòng vì gia đình mà thôi. Chưa thấy ai làm giàu được bằng việc “phe” tem phiếu.
Trẻ con gia đình cán bộ công nhân viên chức phần lớn cũng phải tham gia vào tất cả các công việc làm thêm của gia đình tùy theo tuổi tác và sức lực. Sẽ chẳng bao giờ có một thế hệ trẻ con được đào tạo đầy đủ kỹ năng sống như thời kỳ này. Đứa lớn biết sắp xếp thời gian đi xếp hàng mua lương thực, thực phẩm. Nhỏ hơn một chút có thể ở nhà rửa rau vo gạo, dồn bếp mùn cưa, đặt trước nồi cơm. Nhỏ hơn nữa biết trông em, quét nhà. Dĩ nhiên, chúng vẫn còn khá nhiều thời gian vui chơi đùa nghịch. Nhảy dây, đá bóng, đá cầu, xem phim, đi thuê truyện ở các hiệu sách. Đầu năm học 1969, toàn bộ các trường phổ thông ở Hà Nội mở cửa trở lại. Thành phố hồi sinh trong tiếng trống trường rộn rã. Trẻ con không quan tâm đến việc mà người lớn lúc ấy ngày đêm lo lắng. Cuộc chiến tranh vẫn còn là nỗi ám ảnh thường trực. Nó có thể quay lại vào bất cứ lúc nào. Cùng với tâm lý lo lắng ấy, lác đác vài người Hà Nội bắt đầu có những cư xử và tác phong tạm bợ thời chiến. Thành phố ồn ào mất trật tự. Kẻ cắp móc túi tràn lan khắp chợ, nhà ga, bến xe. Nhiều đứa trẻ đã trở nên hư hỏng. Bộ mặt kiến trúc thành phố bị hủy hoại nhiều nhất trong thời kỳ này. Những nhà ống phố cổ chia năm xẻ bảy. Những biệt thự cơi nới chia cắt lấn chiếm vô tội vạ. Lũ trẻ mất dần những sân chơi lành mạnh bổ ích. Nhiều đứa chuyển sang trèo me trèo sấu. Câu cá trộm trên các hồ nước trong thành phố.
Và cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đã quay lại. Lần này thì Hà Nội là mục tiêu đánh phá trọng điểm của máy bay Mỹ. Tin tức về đợt oanh tạc cuối cùng của không quân Mỹ đã được người Hà Nội biết trước vài tháng. Năm học mới cuối 1972, tất cả các trường học trong thành phố được lệnh sơ tán khẩn cấp ra các vùng ngoại thành. Nhiều thanh niên học lớp cuối cấp ba lên đường nhập ngũ. Số còn lại đi sơ tán theo trường. Ăn ở tập thể trong các ngôi làng hẻo lánh. Rất may, lúc này lũ trẻ đã có nhiều kinh nghiệm sống ở nông thôn. Chúng không còn ngỡ ngàng với việc đào hầm, tắm sông, đèn dầu và đun bằng rơm rạ.
Những người Hà Nội trạc trên dưới 60 tuổi bây giờ hẳn là chưa thể nào quên những tháng năm thơ trẻ vất vả mà hào hùng đến thế. Ký ức tuổi thơ ấy sẽ còn mãi mãi nguyên vẹn trong họ dù Hà Nội có đổi thay đến thế nào đi chăng nữa.
End of content
Không có tin nào tiếp theo