Văn hóa

Trên sông Gâm, nghĩ về du lịch Việt

Cuối tháng 3-2015, nhân một chuyến công tác ở Hà Giang, tôi được anh Trần Thế Dũng (Công ty du lịch Thế hệ trẻ) rủ rê tham gia một đoàn khách đi thuyền dọc sông Gâm. Chuyến đi quả là không uổng công, nhiều đồng nghiệp từng “quần nát” khu vực Hà Giang cũng phải ghen tị!
 Con sông Gâm vào tháng 3 xanh biếc chảy len lỏi giữa những dãy núi đá vôi hùng vĩ - Ảnh: HUY THỌ
 
Đơn giản bởi con sông Gâm tuy tuyệt đẹp, nhưng chỉ duy nhất Thế hệ trẻ dám khai thác. Còn tự đi ư? Hơi bị khó vì tàu bè trên ấy quá khan hiếm, chỉ toàn những chiếc đò bé tẹo mỏng manh của người dân mà ít ai dám đặt chân lên để xuôi dòng hơn 100km (từ huyện Bắc Mê - Hà Giang, đến Na Hang - hồ thủy điện Tuyên Quang).
 
Chỉ riêng Trần Thế Dũng, người được gọi là “ông vua” của những tour độc, lạ, khám phá vẻ đẹp Việt Nam, tổ chức được là vì “chịu chơi” thuê một chiếc thuyền lớn, có khả năng chở 40-50 người từ Tuyên Quang ngược dòng sông Gâm lên đến Bắc Mê đón khách. Vì thế, chi phí lớn nhưng không dám tăng giá tour cao, chấp nhận lấy công làm lời.
 
Con sông Gâm đẹp thế nào thì có lẽ nhiều người biết, đã có không ít bài viết say sưa tả về nó. Dòng nước màu ngọc bích ấy len lỏi qua những bản làng của người Tày, người Dao, giữa những dãy núi đá hùng tráng, chi chít những nhũ đá huyền ảo, đặc biệt xứng danh với tên gọi “Hạ Long trên sông” khi ở cuối sông là lô nhô những cột, núi đá.
 
Nhưng, ngồi trên con thuyền trôi chầm chậm với tốc độ 20km/giờ xuôi sông Gâm, chứng kiến cảnh một vị khách Tây - ông Thomas Joseph Brenner (Canada) tíu tít chạy tới chạy lui trên tàu tìm vị trí chụp ảnh, miệng luôn xuýt xoa “đẹp quá, tuyệt quá”, không khỏi nghĩ về câu chuyện thời sự của du lịch Việt đang rộ lên về việc du khách nước ngoài đến Việt Nam sụt giảm mạnh. Theo Tổng cục Du lịch, lượng du khách vào Việt Nam liên tục sụt giảm trong 10 tháng liền, từ tháng 6-2014 đến tháng 3 năm nay.
 
Nghe tôi bảo chuyến du lịch của ông chỉ mới là một phần rất nhỏ của vẻ đẹp Việt Nam (tour này đi qua Hà Giang - Bắc Kạn - Cao Bằng - Lạng Sơn, biết được đèo Mã Pì Lèng, Đồng Văn, sông Gâm, hồ Ba Bể, thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hang Pác Bó, Quỷ môn quan…), ông Brenner ngỡ ngàng: “Thế mà tôi chẳng biết gì. Nhiều người Canada cũng thế!”.
 
Việc khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam sụt giảm thường được những người có trách nhiệm giải thích bởi hai lý do khách quan: khách Trung Quốc giảm mạnh sau vụ giàn khoan Hải Dương 981 và đồng rúp xuống giá khiến khách Nga cắt giảm chi tiêu cho du lịch. Cả hai lý do ấy đều đúng, nhưng đã đủ chưa?
 
Ngay từ trước khi có hai lý do ấy, từ đầu năm ngoái ông Nguyễn Quốc Kỳ, tổng giám đốc Vietravel, đã than thở với tôi: “Du lịch Việt manh mún quá, từ khâu quảng bá để thu hút khách mới đến việc rất nghèo dịch vụ nên tỉ lệ khách quay lại lần hai, lần ba quá thấp”.
 
Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ - một trong năm quốc gia mạnh nhất thế giới về du lịch - ông Nguyễn Thế Cường cũng từng chê: “Tôi đã nhiều lần góp ý với ngành du lịch là phải luôn mở rộng thị trường để tìm kiếm khách mới, đừng hài lòng, yên tâm với một vài thị trường để rồi khi có sự cố thì bó tay. Chúng ta hãy học theo cách người Thổ Nhĩ Kỳ làm du lịch. Ví dụ, thị trường Việt Nam có đáng là bao so với lượng khách khổng lồ đến với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng họ vẫn lên chương trình một cách bài bản, từ hàng không cho đến việc tung các tập đoàn hùng mạnh về du lịch sang “tấn công” thị trường Việt Nam”.
 
Cột đá này được người Tày gọi là Vài Phạ (có nghĩa là nơi để cột con trâu trời) - Ảnh: HUY THỌ
 
Trong khi đó, chúng ta có trong tay hàng ngàn kilômet bờ biển đẹp rạng rỡ, có hệ thống hang động Phong Nha - Kẻ Bàng hàng đầu thế giới, có những con sông đẹp tuyệt vời như sông Gâm, Nho Quế, sông Đà, sông Hương, có cao nguyên đá Đồng Văn được Unesco công nhận là công viên địa chất toàn cầu, có một nền văn hóa - lịch sử phong phú, hào hùng hàng ngàn năm…, vậy mà chịu bó tay ngồi than thở chuyện khách du lịch nước ngoài giảm liên tục 10 tháng liền?
 
Những người trực tiếp làm du lịch cho rằng ngành công nghiệp không khói của Việt Nam mắc bệnh ”ôm cây đợi thỏ”!
 
Chúng ta rất khoái khi nghe khách quốc tế ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên của Việt Nam và nghĩ rằng thiên hạ sẽ xếp hàng đến với mình. Làm du lịch không dễ như thế. Ví dụ như muốn có nhiều khách đến với con sông Gâm xinh đẹp thì huyện Bắc Mê không thể chỉ có vài căn nhà trọ tồi tàn, sau bữa cơm chiều chẳng biết làm gì khác ngoài... đi ngủ.
 
Mà nào chỉ có Bắc Mê, ngay đoạn cuối của chuyến xuôi dòng sông Gâm, lên đến một khu nổi tiếng bao đời nay là hồ Ba Bể (Bắc Kạn) cũng chẳng hơn gì. Có thể giải thích là do nghèo, không có tiền để đầu tư cho bài bản. Nhưng đi buôn mà không bỏ vốn, chỉ tính “lấy mỡ nó rán nó” thì làm sao mà giàu được!
 
 
Theo Tuổi trẻ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo