Triển lãm những tác phẩm chưa công bố
Đó là phần sáng tác trong 6 ngày đầu tiên tại Hòa Bình, phần sau BTC lưu giữ tại bảo tàng Không gian Văn hóa Mường, và một phần các nghệ sỹ đem ngay về nhà, hầu như không ai xem được.
Bình quân mỗi nghệ sỹ tham gia workshop sáng tác hai tác phẩm, có người vẽ nhiều hơn, và những người làm gốm hay điêu khắc có thể rất nhiều hoặc rất ít chỉ là một tác phẩm. BTC đánh giá cao những tác phẩm tại workshop Đất Mường, chúng thể hiện những bản sắc văn hóa rất khác biệt, những suy nghĩ của nghệ sỹ nước ngoài về văn hóa đời sống Việt Nam. Dù họ chưa ở đây chưa thâm nhập bao nhiêu, tất nhiên cả mức độ sống khác nhau trong bước phát triển khoa học, công nghệ và hiện đại hóa ở từng vùng miền thế giới, trong khi ở Đất Mường này mọi cái có vẻ rất ít thay đổi trong vài chục năm qua và rất khác biệt so với mức sống của các nước có nghệ sỹ đến dự workshop này.
Các nghệ sĩ nước ngoài tham gia đông đảo ở mỗi workshop
Dù không sắp đặt, dù các nghệ sỹ không hoàn toàn là đại diện cho nghệ thuật đất nước mình, nhưng nghệ thuật của từng khu vực và quốc gia rất khác nhau và những nghệ sỹ phát triển rất cá nhân. Chúng ta cũng không biết rõ vị thế của họ trong nền nghệ thuật của họ, mà hoàn toàn căn cứ vào sáng tác cụ thể của những workshop đã qua mà nhóm Artlink tổ chức vòng quanh Đông Nam Á. Nói chung tất cả đều từng được đào tạo cẩn thận và có kinh nghiệm sáng tác nhiều năm.
Mỗi nghệ sĩ tham gia đều có những phát triển nghệ thuật riêng mình
Những nghệ sỹ ít được biết tới như Mông Cổ, Nga, Ý, Đài Loan (Sambuugin Mashbat, Ludmila Baitsaeva, Giuseppe Strano Spitu, Tsai Chit Rong) là những người có bản lĩnh cao và từng trải trên trường nghệ thuật quốc tế.
Những nghệ sỹ Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines luôn có những sáng tạo bất ngờ, họ đều có một truyền thống nghệ thuật và tôn giáo lâu đời, đều có những bước tiến về kinh tế và xã hội sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, và có nền hòa bình từ đó, khi các nghệ sỹ Việt Nam đều trải qua một thời chiến tranh khá dài và một thời Bao cấp nhọc nhằn.
Mức độ khác biệt về xã hội văn hóa đều trở nên bình đẳng khi tất cả tham gia workshop. Con người - đời sống nhân văn luôn là đối tượng sáng tác và cố gắng được diễn tả bằng những hình thức mới nhất.
Tác phẩm Vô đề của Natalya Zaloznaya, nghệ sĩ đến từ Bỉ, sáng tác
năm 2012, chất liệu tổng hợp,kích cỡ 80x100cm.
Bất kỳ một workshop nào, do sáng tác trong điều kiện chung sống tập thế cũng không thể tốt như ở xưởng riêng, không thể đáp ứng vật liệu, kỹ thuật cho tất cả những lối sáng tác khác nhau và ngày càng phong phú, nhưng sống chung thì hiểu nhau hơn, hiểu cái nền văn hóa và đời sống bản địa thực tại, trò chuyện với nhau tùy theo khả năng ngoại ngữ để hiểu bạn nghề của mình.
Bức tranh, bức tượng đương đại không bao giờ là quá dễ hiểu. Các hình thức tả thực cũng bị biến đổi vào những tư duy nghệ thuật mới, những đa chiều về thời gian và không gian. Người xem phải chiêm nghiệm nó, phải đặt mình vào các bối cảnh xã hội, và từ những điểm chung nhau của xã hội thông tin và công nghiệp hiện đại mà liên hệ sang các nền văn hóa khác. Điểm rất khác biệt giữa văn hóa đương đại Việt Nam là chấp nhận tương đối nhuần nhuyễn các ảnh hưởng từ bên ngoài, trong khi đó ở các nước khác truyền thống và đương đại luôn như hai hòn đá nằm cạnh nhau, và điều đó cũng thực tại ngay trong tâm hồn của nghệ sỹ.
Tác phẩm gốm "Những hòn đảo", 2012 của nghệ sĩ Bianca Boeroui đến từ Romania
Cuộc triển lãm lần này nhằm giới thiệu với công chúng Hà Nội những tác phẩm chưa được công bố nhân dịp Tết Xuân Quý Tỵ. Và một lần nữa bổ sung cho cảm quan nghệ thuật mà chúng ta đã biết qua triển lãm Workshop "Nghệ thuật dưới mái nhà sàn" tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội trong tháng 10/ 2012 vừa qua.
Triển lãm khai mạc: 18h Thứ Năm, 31 tháng 1 năm 2013, mở cửa đến ngày 18 tháng 2 năm 2013. Địa điểm: Viet Art Center, 42 Yết Kiêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Nguyễn Đào - Theo Thể thao văn hóa
End of content
Không có tin nào tiếp theo