Trở thành "đại gia" Hậu Giang nhờ “cưỡi trâu du mục”
Những ngày cuối năm, nhà anh Ngự rộn rã tiếng cười. Anh vừa làm con nghé chia thịt cho bà con để gắn kết nghĩa xóm tình làng. Xúm lại làm trâu xong, anh Ngự ngồi tâm sự, nói chuyện làm ăn.
Anh kể về cơ duyên đến với con trâu, cách khởi nghiệp của anh không giống ai, vì người khác cho là nuôi trâu xui còn anh thì lại thấy hên nên làm cho đến ngày hôm nay có của ăn của để cũng nhờ nó.
Anh Ngự học hết lớp 11, do hoàn cảnh khó khăn đành phải ở nhà làm ruộng. Trước đây, vùng này đất này bị nhiễm phèn nặng nên làm lúa một công mỗi năm chỉ được vài trăm ký, không đủ sống. Rồi đến lúc lập gia thất, các con ra đời khiến gánh nặng cơm áo gạo tiền lại đè lên vai, buộc anh phải làm đủ mọi phương kế kiếm sống.
"Năm 1991 làm lúa lúc thu hoạch khổ nhất là không có trâu kéo, thấy người ta kêu bán con trâu rẻ nên tôi gom hết tiền vàng mừng cưới, mượn thêm bà con được 6 chỉ vàng mua con trâu cái về kéo lúa.
Nhiều người nói mua trâu nuôi xui lắm nhưng chỉ vụ đầu tôi cho kéo ruộng nhà xong và ruộng hàng xóm, vậy mà gia đình dư tiền mua gần được 1 cây vàng. Vài tháng sau con trâu cái này có chửa, tôi cho nó đẻ gây đàn. Từ đó tôi tập trung chăm sóc, tăng đàn. Từ vài con trâu ban đầu, dần dà làm có tiền tôi mua thêm nên đàn trâu cứ thế sinh sôi nảy nở lên đến hàng chục con. Mới đó mà đã hơn 20 năm tôi gắn với nghề…”, anh Ngự nói.
Hằng ngày, trời vừa hửng sáng, anh Ngự đưa trâu ra đồng rặm cỏ, trâu rất thích ở ngoài đồng để ngâm mình dưới nước nên hầu như cả ngày phải thả lang, đến chiều mới dắt về chuồng.
Anh Ngự nói: "Nuôi trâu không cực mà trái lại còn khỏe hơn nuôi những con vật khác. Vì con trâu rất dễ tính, sống rất khỏe, thức ăn chính là cỏ, chỉ cần cung cấp đủ lượng cỏ cần thiết, còn lại hầu như không phải tốn công chăm sóc gì nhiều, chỉ nuôi khoảng 3 - 5 năm có thể bán mỗi con từ 25-40 triệu đồng/con".
Khi đàn trâu sinh sôi nảy nở, để kiếm thêm tiền từ số trâu đực dư ra, anh còn nghĩ ra làm dịch vụ cho thuê trâu với giá 6 triệu đồng/con/năm.
Theo anh Ngự, người ta thuê trâu đực chủ yếu để kéo rơm, kéo lúa, cày... Đến cuối năm anh nhận trâu về, vừa không mất công chăm sóc trong 1 năm, vừa thu được lợi nhuận.
Hiện tại anh Ngự đang sở hữu trong tay 140 con trâu đực, hơn 50 con trâu cái, trong đó có hơn 40 con đang sinh sản, mỗi năm cho thêm từ 40-50 con nghé.
Bên cạnh bán trâu giống, cho thuê trâu đực, anh còn làm nghề “lái trâu” mỗi năm cung cấp cho thị trường trâu thịt khoảng 400 con chủ yếu các tỉnh miền Bắc và ĐBSCL. Sau khi trừ hết chi phí mỗi năm anh Ngự bỏ túi hơn 2,5 tỷ đồng.
Theo người dân xã Lương Nghĩa, ấn tượng nhất về anh Ngự là con người vui vẻ, miệng luôn tươi cười và là người đàn ông mê trâu đến kỳ lạ. Nhiều người còn gọi anh là kẻ du mục với đàn trâu. Người ta nói đi đâu ở miền Tây gặp đàn trâu khoảng chục con có thể đó là trâu của anh Ngự. Bởi anh gửi trâu khắp nơi, có lúc lên tận Bảy Núi (An Giang), vùng biên giới Giang Thành (Kiên Giang), huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), Cờ Đỏ (Cần Thơ)… Đâu có đồng cỏ tốt là đàn trâu của anh đến đó rặm.
Trong làm ăn, ngoài nhạy bén, anh Ngự là một người luôn có tấm lòng rộng mở. Anh Ngự nói: "Mình giờ có của ăn của để nhờ con trâu, nay mình dùng con trâu giúp người khác âu cũng là lẽ phải ở đời".
Từ thành công trong nghề nuôi trâu, anh Ngự đã không ngần ngại giúp đỡ và hướng dẫn bà con trong vùng cùng phát triển nghề này. Thậm chí, anh còn giúp vốn cho những hộ nghèo để nuôi. Hơn 60 con trâu cái của anh "tìm đến" những hộ có ít đất sản xuất, hoàn cảnh khó khăn để mở cơ hội đổi đời cho họ.
Anh áp dụng hình thức giao trâu và chia đôi lợi nhuận. Tức là ban đầu cho họ mượn một con trâu cái, sau một thời gian chăm sóc con trâu này sẽ đẻ con, giá trị con nghé này được chia đôi. Bằng cách này, đến nay đã có hàng chục hộ ở ĐBSCL được anh cho mượn trâu nuôi, có nhiều hộ khá giả lên.
Điển hình như gia đình anh Hoàng Năm ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, Hậu Giang. Nhà nghèo không có cơm ăn hàng ngày, từ khi anh Ngự cho mượn trâu về nuôi, sau nhiều năm làm dịch vụ cộ lúa, kéo rơm, giờ đây anh Năm đã có dư tiền mua được 7 cộng ruộng, cất được căn nhà tường khang trang. Đồng thời anh anh Năm hùn vốn cho vợ mình buôn bán trái cây để có nguồn thu nhập ổn định.
Theo anh Ngự, lúc đầu anh cũng không nghĩ sẽ mở rộng đàn trâu nhiều như vậy. Nhưng trong quá trình nuôi, anh nghiệm ra con trâu cho lợi nhuận cao, chỉ cần tốn ít thời gian, tiêm ngừa đầy đủ thì trâu phát triển rất tốt, không bệnh tật. Có được con trâu trong nhà xem như có tài sản lớn.
Nhờ con trâu mà anh Ngự có tiền mua hơn 220 công đất, 70% làm ruộng, còn lại trồng cỏ làm thức ăn cho trâu. Nuôi trâu cực nhất là lúc đồng xuống giống hết, không còn cỏ. Để gỡ khó giai đoạn này, anh dành hẳn 40 công đất để trồng cỏ, thả trâu vào ăn, coi như lập trang trại mini. Lúc kẹt đưa hết đàn trâu về đây thì có sẵn nguồn thức ăn duy trì để đợi đến ngày đưa trâu đi gửi tiếp. Hôm chúng tôi đến, anh khoe mới bán 40 con trâu hơn 1,2 tỷ đồng “ tậu” chiếc xe ô tô Toyota Fortuner để chạy dịch vụ.
Ngoài chuyện nuôi trâu, lái trâu, cho thuê trâu… có lẽ ở miền Tây, ít ai biết được anh Ngự là người hiếm hoi đưa trâu, rồi dưỡng trâu mang ra thi thố tại hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) 6 năm liên tục.
Đến nay anh Ngự đã đưa 18 con ra đó thi chọi. Năm 2017 vừa rồi trâu của anh đạt giải nhì. Con trâu chọi của anh thắng cuộc được xẻ thịt bán có giá trị 2 triệu đồng/kg. Với 500kg hơi bán lời được 600 triệu đồng cao gấp nhiều lần trâu thường và góp vui ngày hội nữa.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tôn vinh TOP 10 thương hiệu Sao Vàng đất Việt 2024: Vươn tầm Việt Nam
Apple tiến sát cột mốc 4.000 tỷ USD vốn hóa thị trường
Doanh nghiệp cần không ngừng đổi mới sáng tạo, tìm kiếm giải pháp mới
Thị trường Halal: Cửa đã rộng mở, làm sao khai thác tiềm năng nghìn tỷ đô?
FPT được vinh danh Top 10 thương hiệu Sao Vàng Đất Việt