Doanh nghiệp - Doanh nhân

Trở thành tỷ phú nhờ chuyên canh cây nhãn trên đất phù sa

Nhắc đến anh Nguyễn Hữu Thanh, ấp Long Thạnh, xã Long Hòa, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, người dân ở địa phương ai cũng trầm trồ ngợi khen, bởi từ lâu anh đã nổi tiếng với danh xưng “vua nhãn” và làm giàu với mô hình trồng chuyên canh cây nhãn trên đất phù sa ven sông Ba Lai.

Hiện anh Nguyễn Hữu Thanh là người nông dân có vườn nhãn lớn nhất ở tỉnh Bến Tre. Những năm qua, dù sở hữu đến 7,2 ha đất ở nhiều thửa, nhiều xã khác nhau nhưng anh vẫn Thanh chọn cây nhãn để gây dựng cơ nghiệp cho mình.

Trước đây, trên diện tích 4 công đất (4.000 m2) do gia đình cho, anh Thanh chủ yếu trồng giống nhãn long, nhưng năng suất không cao và cho thu nhập thấp. Khoảng năm 1990, anh bắt đầu chuyển sang trồng nhãn tiêu quế. Thời điểm này, nhãn tiêu quế có giá trị kinh tế khá cao, nên kinh tế gia đình anh dần khá giả.

Anh Nguyễn Hữu Thanh chăm sóc vườn nhãn. Ảnh: TTXVN.

Từ số tiền tích dành dụm lũy được qua nhiều năm, đến năm 1995, anh Thanh mua thêm 3,2 ha đất để tiếp tục trồng nhãn tiêu quế. Với bản tính cần cù siêng năng, say mê lao động nên vườn nhãn của anh ngày càng phát triển tốt và cho năng suất cao, bán được giá. Do vậy, kinh tế gia đình khấm khá hẳn lên và có điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa.

Anh Thanh cho biết, khi đi tham quan nhiều nơi nhận thấy giống nhãn Idor được các nơi khác trồng cho hiệu quả kinh tế cao, anh ấp ủ dự định đưa giống nhãn này về trồng. Sau thời gian suy nghĩ, đến năm 2012, anh Thanh mạnh dạn mua thêm 1,6 ha đất vườn dừa ở xã Thới Lai, huyện Bình Đại để thâm canh cây nhãn Idor.

Theo anh Thanh, đây là loại nhãn mặc dù đòi hỏi kỹ thuật canh tác khá khắt khe nhưng năng suất, phẩm chất tốt và giá bán luôn ở mức cao. Đặc biệt là nhãn này không bị bệnh chổi rồng. Thị trường cũng rất ưu chuộng, nhất là thị trường Trung Quốc.

Sau khi trồng được một năm, thấy nhãn Idor sinh trưởng tốt, anh tiếp tục mua thêm 1,2 ha vườn để trồng thêm nhãn Idor. Bước sang năm 2015, anh xử lý ra hoa lô nhãn Idor trên diện tích 1,6 ha, đến cuối năm thu hoạch được hơn 16 tấn nhãn, bán được giá gần 30.000 đồng/kg. Dù chi phí sản xuất nhãn Idor có cao hơn nhưng cho lợi nhuận gấp 3 lần nhãn tiêu quế.

“Có năm, thương lái vào tận vườn đặt mua với giá rất cao. Vùng đất này rất thích hợp để trồng loại nhãn này, trái đẹp, chất lượng hơn. Từ khi đạt chuẩn VietGap thì cây nhãn Long Hòa vươn xa hơn ra thị trường ngoài nước”, anh Nguyễn Hữu Thanh  cho biết.

 

“Thừa thắng xông lên”, đến năm 2016, gia đình anh dồn dức mua thêm 0,8 ha để trồng tiếp nhãn Idor và hiện nay vườn nhãn đang phát triển tốt, hứa hẹn cho năng suất và sản lượng cao trong thời gian tới. Như vậy, đến nay anh Thanh có tổng cộng 3,6 ha trồng nhãn tiêu quế và 3,6 ha trồng nhãn Idor, trong đó có gần 4 ha đang canh tác theo hướng VietGAP.

Nói về “bí quyết” thành công với mô hình trồng nhãn, anh Nguyễn Hữu Thanh tâm sự: “Tôi đam mê trồng nhãn ngay từ nhỏ, hồi ở quê nội-xã Giao Hòa, huyện Châu Thành. Tôi đã hiểu quá nhiều về sự thăng trầm của cây nhãn rồi. Bây giờ, cứ có đất vườn là tôi trồng nhãn bởi vùng đất này rất thích hợp”.

Theo anh Thanh, cây nhãn rất dễ trồng, nếu chăm sóc tốt thì chỉ hai năm là có thu hoạch (bình quân khoảng 100kg/cây). Hồi đó, chưa có các lớp tập huấn, chuyển giao khao học kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm, cập nhật thông tin thị trường như bây giờ (có Internet) thì trồng nhãn khó khi xử lý ra hoa. Bây giờ có mạng Internet, có các lớp tập huấn do Hội, chính quyền xã tạo điều kiện cho học thì bà con rất yên tâm.

Không chỉ chăm chỉ, hăng say lao động, anh Thanh còn nắm vững kỹ thuật xử lý cho cây nhãn ra hoa trái vụ để bán được giá cao và không “đụng hàng” với các loại trái cây khác. Bình quân hằng năm, với 7,2 ha đất trồng nhãn của anh, năng suất từ 120-130 tấn/năm, với giá 1.5000-1.7000đ/kg (nhãn tiêu quế), từ 25.000 - 35.000đ/kg (nhãn Idor), anh Thanh thu nhập có gần 3 tỷ đồng. Sau khi trừ đi mọi chi phí thì anh có lãi ròng hơn 2,2 tỷ đồng. Thời gian tới, tuy không mở rộng diện tích sản xuất, nhưng anh Thanh tập trung vào việc nâng cao chất lượng trái nhãn bằng cách chuyển dần diện tích sang sản xuất giống nhãn Idor.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Hòa Lê Hoàng Chiến cho biết: anh Nguyễn Hữu Thanh là một trong những nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu ở địa phương, với mô hình cây nhãn, đặc biệt là những năm gần đây cây nhãn Idor đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điểm nổi bật là anh Thanh là người rất cần cù, siêng năng và chịu học hỏi đúc kết kinh nghiệm từ những người nông dân đi trước để áp dụng vào thực tiễn sản xuất và làm giàu cho bản thân.

 

Hiện nay, xã đang vận động nhân rộng mô hình trong nhãn Idor, xã Long Hòa đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Long Hòa, bao gồm 22 xã viên, với 24 ha trồng nhãn. Với bề dày kinh nghiệm trồng nhãn của mình,  anh Thanh được tín nhiệm bầu làm Giám đốc hợp tác xã- ông Chiến cho hay.

Gần 20 gắn bó với cây nhãn, kinh tế gia đình anh Thanh ngày càng khấm khá. Với việc có trong tay diện tích đất vườn nhãn “có một không hai” như anh Thanh là điều mà người nông dân nào cũng mơ ước trong cuộc đời làm vườn của mình. Nhưng với anh thì khác, cuộc sống còn có sự sẻ chia, yêu thương và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn. Hằng năm, anh rất tích tham gia đóng góp các phong trào xây dựng giao thông nông thôn, tặng học bổng, học phẩm cho học sinh nghèo, ủng hộ Quĩ khuyến học, làm công tác từ thiện, xây dựng nhà tình thương…

Với những thành quả trong lao động sản xuất, anh Nguyễn Hữu Thanh được bình chọn là nông dân tiêu biểu tỉnh Bến Tre trong năm 2017 và là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh 3 năm liên tục từ năm 2015 đến năm 2017.

Nên đọc
Theo Báo Dân tộc & Miền núi
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo