Doanh nghiệp - Doanh nhân

Trồng loài cây tưởng bỏ đi - "tưởng không giàu mà giàu không tưởng"

Bà Huỳnh Kim Lam nhận thấy nhiều doanh nghiệp tìm nơi cung ứng sản phẩm đan đát lục bình nhưng không có trong khi lục bình ở quê lại nhiều vô số, đa số bỏ không.

Quyết truyền nghề đan đát

Thấy chị em ở quê ngoài ruộng không làm gì để có thêm thu nhập, bà Huỳnh Kim Lam (60 tuổi, ấp Vĩnh Minh, xã Vĩnh Thắng, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) tự nhủ phải làm gì đó giúp chị em có thêm thu nhập để bớt vất vả. Thế là bà lân la tìm hiểu nhu cầu của các doanh nghiệp tại Biên Hòa (Đồng Nai). Nhận thấy nhiều doanh nghiệp tìm nơi cung ứng sản phẩm đan đát lục bình nhưng không có trong khi lục bình ở quê lại nhiều vô số, đa số bỏ không. Cũng chính bà thuê cán bộ kỹ thuật của công ty về nhà dạy cho hai con và rủ thêm một số chị phụ nữ trong ấp cùng học. Mọi chi phí dạy nghề, nguyên vật liệu cho chị em thực tập đều do bà Lam bỏ ra. Ít lâu sau, trong ấp đã có gần chục chị phụ nữ đan được sản phẩm đầu tay.

Năm 2006, bà Lam đứng ra xin chính quyền địa phương thành lập tổ hợp tác đan đát lục bình với 30 chị em tham gia. Sản phẩm làm ra đều được bà thu mua để giao lại cho công ty. Chân ướt chân ráo chốn thương trường khiến bà Lam gặp không ít khó khăn. Những sản phẩm do chị em mới học nghề còn chưa đẹp, bà vẫn thu mua để động viên chị em theo nghề. Sản phẩm lỗi, bà phải cho người lên tận công ty để sửa. Vừa tốn chi phí, vừa bị cạnh tranh bởi các doanh nghiệp lớn trong việc tranh mua sản phẩm khiến bà Lam chịu cảnh lỗ hơn 7 lượng vàng chỉ trong 1 năm đầu khởi nghiệp.“Khổ không biết than với ai. Đang lúc nản định bỏ ngang thì chị em động viên, ủng hộ nên tôi dần lấy lại được tinh thần” - bà Lam kể.

Bà Lam kiểm tra sản phẩm trước khi giao cho khách hàng (Ảnh: N.Q).

Với sự hỗ trợ từ chị em xung quanh, sự quan tâm của chính quyền địa phương, bà Lam tiếp tục đi khắp nơi khảo sát nhu cầu học nghề đan đát lục bình, rồi lại tự bỏ tiền thuê cán bộ kỹ thuật dạy. Chị em học được nghề cứ truyền lại cho nhau từ xã này qua xã khác. Thấy chị em đủ khả năng đan đát lục bình với số lượng ổn định, bà Lam quyết định thành lập doanh nghiệp tư nhân Kim Lam vào năm 2007. Được huyện quan tâm, bà Lam được hướng dẫn liên kết với các đơn vị dạy nghề để được hỗ trợ chi phí giảng dạy và người học được hưởng phụ cấp học nghề. Từ đó, bà Lam mạnh dạn khảo sát nhu cầu học nghề trong chị em, kể cả qua tận tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, trong đó, ưu tiên động viên những người không ruộng đất, bị tàn tật.

Cho thu nhập ổn định

Đôi chân bị tật sau di chứng sốt bại liệt từ nhỏ, chị Võ Thị Kim Thoa (22 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Tân, xã Vĩnh Thắng, huyện Gò Quao), từng được bà Lam đến nhà động viên học nghề đan đát lục bình dù phải ngồi xe lăn. “Tôi được bà Lam chỉ dẫn học nghề từ năm 13 tuổi. Hiện mỗi ngày tôi kiếm được từ 50.000 đồng phụ gia đình trang trải cuộc sống, tôi thấy vui lắm” - chị Thoa nói.Không chỉ có chị Thoa mà còn gần 1.000 chị em phụ nữ ở 56 tổ đan đát lục bình trong và ngoài tỉnh được bà Lam tạo việc làm như vậy. Nhiều gia đình có việc làm, cho thu nhập ổn định từ 3-4 triệu đồng/tháng. Những năm sản phẩm lục bình được giá, có gia đình còn chuộc lại được đất ruộng, trả dứt nợ nần cũng nhờ nghề đan đát lục bình.

Không những vậy, được tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, bà Lam cho chị em làm nghề mượn không tính lãi để mua nguyên liệu lúc rẻ dự trữ. Nhờ vậy, mỗi sản phẩm chị em làm ra có thêm 1.000-2.000 đồng lợi nhuận. Làm ăn uy tín nên doanh nghiệp của bà Lam luôn được các doanh nghiệp khác chọn làm nhà cung cấp sản phẩm từ lục bình như chậu hoa, đầu trâu, nón, thùng rác, khay trái cây gần 10 năm nay. Hiện mỗi năm doanh nghiệp tư nhân Kim Lam cung ứng trên 30.000 sản phẩm đan đát lục bình cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Liên tục từ năm 2011 đến 2015, sản phẩm đan đát lục bình của doanh nghiệp tư nhân Kim Lam được UBND tỉnh chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.Giới thiệu cho chúng tôi xem một chiếc chậu hoa được đan bằng lục bình, bà Lam nói: “Chị em mình khéo tay lắm, mối đan nào cũng đều và đẹp. Giờ thì tay nghề các chị đã cứng, lại chịu khó học hỏi nên đơn hàng có phức tạp đến đâu chị em cũng làm được”.

Theo Kiến Thức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo