Trung Quốc - Ấn Độ: Từ thù địch đến nhà đầu tư
Giữa hai nước luôn tồn tại những bất đồng gay gắt. Tuy nhiên, dường như điều này đang được hóa giải với làn sóng đầu tư của Trung Quốc đổ vào Ấn Độ.
Xét về nhiều mặt, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang rất “còi cọc.” Những mối liên kết về văn hóa vốn đã tồn tại lâu đời - từ việc nghiên cứu chu kỳ của mặt trăng cho đến tôn sùng đạo Phật – giờ đây đã bị lãng quên.
Sau thời kỳ yên bình trong suốt những năm 1950, Trung Quốc lâm vào cuộc chiến tranh biên giới với Ấn Độ vào năm 1962. Từ đó đến nay, 2 nước liên tục có những căng thẳng biên giới. Người Ấn Độ ghen tỵ với sự nổi lên của kinh tế Trung Quốc, luồng vốn đầu tư giữa 2 nước yếu ớt. Thậm chí, không hề có chuyến bay thẳng từ Bắc Kinh hay Thượng Hải đến Mumbai, trung tâm thương mại của Ấn Độ.
Khi Ấn Độ bắt đầu mở cửa nền kinh tế vào năm 1991, phương Tây vẫn thống trị kinh tế thế giới và do đó Ấn Độ đẩy mạnh giao lưu thương mại với khu vực này. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến mọi thứ thay đổi và Ấn Độ cũng không nằm ngoài qui luật đó.
Sự nổi lên của Trung Quốc cũng có những ảnh hưởng tích cực đối với Ấn Độ. Hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là máy móc thiết bị và được hưởng lợi thế giá rẻ. Tuy nhiên, quan hệ này cũng khiến kinh tế Ấn Độ đảo lộn.
Với mỗi đồng USD được Ấn Độ xuất khẩu sang Trung Quốc, nước này lại nhập khẩu về 3 USD. Điều này khiến thâm hụt thương mại lên tới 40 tỷ USD trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3 năm 2012, tương đương 2% GDP. Thương mại với Trung Quốc chiếm đến 1/5 trong tổng số thâm hụt thương mại của Ấn Độ.
Theo dự báo, mức thâm hụt sẽ còn tăng nhanh trong những năm tiếp theo. Do các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển sang sản xuất các sản phẩm đa dạng và phức tạp hơn, các doanh nghiệp Ấn Độ sẽ gặp khó. Saif Qureishi đến từ Kryfs, công ty sản xuất lõi kim loại sử dụng trong bộ biến áp của máy phát điện cho biết Trung Quốc đã chiếm mất 1/3 thị phần của Ấn Độ.
Bên cạnh đó, những sản phẩm mà Ấn Độ sản xuất ra không được người Trung Quốc ưa chuộng. Các sản phẩm chính được Ấn Độ xuất khẩu sang Trung Quốc là nguyên liệu thô như khoáng sản và bông.
Tuy nhiên, vào cuối năm 2011, chính phủ Ấn Độ đã cấm khai thác khoáng sản trái phép và khối lượng xuất khẩu đã giảm đi 20%. Hơn nữa, hồi tháng 3, Ấn Độ đã ra lệnh cấm xuất khẩu bông do lo ngại tình trạng thiếu hụt.
Ấn Độ đã ra sức hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc. Không có hiệp định thương mại song phương nào được kí kết, Ấn Độ cũng thường xuyên áp dụng các rào cản thương mại. Doanh số bán ra của Huawei - công ty viễn thông đến từ Trung Quốc – tại Ấn Độ đã giảm một nửa sau khi bị áp thuế chống bán phá giá và bị gắn mác không an toàn. Các doanh nhân Trung Quốc cũng phàn nàn về những khó khăn khi xin visa ở Ấn Độ.
Tất nhiên, Trung Quốc có thể làm giảm con số thâm hụt nếu như các ngân hàng Trung Quốc cung cấp nhiều khoản vay hơn. Điều này lại là không thể vì chỉ có 1 ngân hàng Trung Quốc được phép mở chi nhánh tại Ấn Độ. Trung Quốc cũng có thể tăng cường lượng vốn FDI đầu tư vào Ấn Độ. Tuy nhiên, dường như Ấn Độ coi FDI là “món quà” chỉ đến từ các nước phương Tây mà thôi.
Mặc dù vậy, tình hình cũng đã được cải thiện trong thời gian gần đây. Sany, công ty sản xuất máy móc xây dựng và là một trong những công ty đầu tiên của Trung Quốc đầu tư vào Ấn Độ đã đầu tư 70 triệu USD vào đây và tuyển tới 460 người bản địa vào làm việc.
T.C.A. Ranganathan, Chủ tịch Ngân hàng Nhập khẩu Ấn Độ cho biết đã có khoảng 10 doanh nghiệp Trung Quốc xây nhà máy ở Ấn Độ và 100 công ty mở văn phòng tại đây.
Liệu đây có phải là bước khởi đầu cho làn sóng đầu tư của Trung Quốc vào Ấn Độ? Ấn Độ cần đến nguồn vốn bên ngoài cũng như các chuyên gia trong ngành sản xuất chế tạo và cơ sở hạ tầng trong khi Trung Quốc đang tìm chỗ để đầu tư lượng vốn dư thừa.
Trung Quốc đầu tư vào Ấn Độ sẽ là ý tưởng sáng suốt nhất cho hoàn cảnh hiện tại nếu như 2 bên có thể hóa giải được sự thiếu tin tưởng đã tồn tại bấy lâu nay.
Theo CafeF
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo