Truyền hình giải trí và giá phải trả: Bùng nổ không kiểm soát
Tạm dừng cấp giấy chứng nhận đăng ký chương trình liên kết của VTV với đối tác mà trước đó đã để xảy ra sai phạm nhiều lần, Bộ Thông tin và Truyền thông bắt đầu mạnh tay trong xử lý đối với các chương trình truyền hình nói chung, các chương trình truyền hình kinh doanh giải trí nói riêng trên sóng truyền hình lâu nay gây ra nhiều bức xúc trong dư luận.
Khi có quá nhiều chương trình ồ ạt lên sóng, cuộc đua cạnh tranh của nhà sản xuất bị đẩy lên cao trào, quyết liệt, thậm chí sống còn mà không được kiểm soát, tất yếu nảy sinh nhiều hệ lụy.
Không thể kể hết những chương trình truyền hình thực tế được mua bản quyền hoặc sao chép ra đời ở Việt Nam. Đây hoàn toàn là sự phát triển tất yếu khi giải trí truyền hình là thị trường kinh doanh mới đầy tiềm năng. Trong cuộc đua giành thị phần luôn có hai mặt, được - mất. Và khi cuộc đua cạnh tranh của các nhà sản xuất bị đẩy lên cao trào, quyết liệt, thậm chí sống còn mà không được kiểm soát, tất yếu nảy sinh nhiều hệ lụy.
Chưa kịp hay đã dở
Lĩnh vực giải trí truyền hình Việt Nam có lẽ bắt đầu thay đổi khi xuất hiện chương trình truyền hình thực tế mang đậm yếu tố giải trí Vietnam Idol mùa đầu tiên (mua bản quyền American Idol) phát trên sóng HTV7. Chương trình đã tạo diện mạo mới cho những cuộc tranh tài tìm kiếm tài năng âm nhạc, vốn đã bắt đầu đi vào lối mòn và thiếu hấp dẫn. Thành công của chương trình Vietnam Idol mùa đầu tiên đã mở đường cho vô số chương trình truyền hình thực tế giải trí khác được mua bản quyền từ nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam.
Điều không thể phủ nhận là những chương trình truyền hình thực tế mang tính giải trí, nhất là những bản quyền ăn khách của nước ngoài, không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí đa dạng của khán giả xem đài mà còn là sân chơi hữu ích cho những tài năng cần cơ hội để thử sức. Những chương trình như Vietnam Idol, The voice - Giọng hát Việt, So you think you can dance - Thử thách cùng bước nhảy,… trở thành sân khấu tỏa sáng cho nhiều tài năng mang tính phát hiện. Một số thí sinh tài năng bước ra từ những sân chơi này đã bắt đầu có những đóng góp cho đời sống văn hóa nghệ thuật.
Yếu tố mới lạ và những giá trị tích cực mà các chương trình giải trí của truyền hình mang lại đã thu hút lượng lớn khán giả, kéo theo các nhà tài trợ, quảng cáo đua nhau đổ tiền đầu tư. Tiền tài trợ mua bản quyền cho mỗi chương trình ăn khách được tính bằng con số triệu USD, còn giá spot quảng cáo (30s) trong chương trình ăn khách trên VTV3 có khi lên đến 350 triệu đồng. Chỉ tính riêng doanh thu quảng cáo, có những chương trình đạt đến hàng trăm tỉ đồng.
Vì nguồn lợi khổng lồ mang lại cho các đơn vị liên kết sản xuất và nhà đài giữ bản quyền phát sóng nên nhiều công ty không thể ngó lơ, đua nhau nhập bản quyền chương trình nước ngoài về sản xuất, “mua sóng” để kinh doanh. Đơn vị nào không có điều kiện thì sản xuất chương trình riêng cho mình bằng hình thức sao chép, mô phỏng các chương trình nổi tiếng. Thậm chí, vài công ty chuyên làm phim hoặc chuyên về truyền thông thấy ngon ăn cũng tập tành làm chương trình truyền hình thực tế. Được biết, một công ty chuyên về sản xuất phim đang chuẩn bị ra mắt chương trình tìm kiếm tài năng hát nhạc xưa; còn một công ty quảng cáo sẽ ra mắt hàng loạt chương trình tìm kiếm nhân tài hài trong dân gian. Xem ra, chương trình truyền hình thực tế giải trí đang ngày càng tăng lên về số lượng và áp lực cạnh tranh sắp tới sẽ trở nên khốc liệt hơn.
Mất kiểm soát
Khi các chương trình giải trí trên truyền hình ở Việt Nam trở thành sản phẩm công nghiệp hái ra tiền, mọi thứ bắt đầu mất dần khả năng kiểm soát.
Những gì được cho là nhân văn khi biến một thí sinh đi “từ số 0 đến người hùng” trở thành kịch bản vụng về, thô thiển bởi tính diễm lệ đến phi lý của nó. Từ chàng trai khiếm thị, mồ côi đến cô gái mắc bệnh ung thư, nhà nghèo,… vượt nghịch cảnh để chạm vào điều mình mơ ước, liên tiếp diễn ra một cách tẻ nhạt, thậm chí đến cả những trò lừa dối khán giả trắng trợn mà nhà sản xuất chương trình nói rằng mình không hay biết. Vậy nên, có nhiều chương trình chỉ thành công được một hai mùa đầu, đến mùa thứ ba bắt đầu tụt dốc và bị công chúng “bóc mẽ”. Thậm chí, có chương trình còn chưa đi đến vòng chung kết như Vua hài đất Việt đã phải dừng chân bởi sự tào lao về nội dung của nó.
Nhà báo Bạch Mai nhận định: “Công chúng chán ngay cả những chương trình truyền hình thực tế từng được yêu thích trước đây. Bởi vì, nó không chỉ thiếu cái mới mà còn quá thừa cái không đáng có. Chẳng hạn như tai tiếng này nọ từ thí sinh, từ ban giám khảo, từ những chiêu trò được dựng lên để gây sốc nhằm kéo sự quan tâm của khán giả. Phần lớn những chương trình truyền hình thực tế có nội dung thi chọn tài năng đều vướng phải lỗi lầm này. Đó là chưa kể cái chất “thực tế” của chương trình được mua từ nước ngoài đem về dàn dựng lại cũng chưa hòa hợp được với thực tế của Việt Nam. Những khâu dàn dựng, biên tập, tạo chiêu trò, chương trình truyền hình thực tế làm cho người xem cảm thấy đây là… giả, có kịch bản lèo lái”.
Khi có quá nhiều chương trình tương tự nhau nở rộ, nguồn nhân lực tham gia sản xuất cũng yếu đi, thí sinh tham gia trở nên cạn kiệt. Đầu vào thành ra dễ dãi bởi nhà sản xuất chỉ lo kiếm đủ người thi, thí sinh chỉ cần được lên sóng nhiều mà không cần phải là người chiến thắng nên đầu ra kém sức hấp dẫn. Bài toán thu hút người xem lúc này được các công ty dùng đến ngày càng nhiều hơn là “chiêu trò”. Khán giả vì vậy ngày càng ngao ngán.
Theo Người lao động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo