Truyền thông đã biến thảm họa thành biểu tượng văn hóa
Đó là nhận định của John. L. Tran, nhiếp ảnh gia gốc Việt lấy bằng tiến sĩ tại Anh, viết trên tờ Japan Times.
11/3/2011 là ngày thảm họa nói trên xảy ra ở Nhật Bản
“Người Nhật được nhắc nhở mỗi ngày về trận sóng thần”
Tại hội nghị chuyên đề “Chấn thương và hoang tưởng” ở Tokyo vào tháng 10/2014, có một ý kiến đáng chú ý của nhà nhiếp ảnh Naoya Hatakeyamam, người mất mẹ và nhà cửa khi trận sóng thần đi qua thành phố Rikuzentakata, tỉnh Iwate (Nhật Bản).
Hatakeyamam là một nạn nhân của trận sóng thần 2011, nhưng anh đủ sáng suốt để nhắc nhở tất cả rằng một thảm họa khác là trận đại sóng thần Ấn Độ Dương 2004 đã tấn công 10 quốc gia (nặng nhất là Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ, Thái Lan) và cướp đi 230.000 mạng sống.
Vô số bức ảnh chụp “bến phà mắc kẹt trên đỉnh tòa nhà” là minh chứng cho việc truyền thông khai thác tối đa “khoái cảm thị giác” từ thảm họa.
Thảm họa đó gây thiệt hại lớn gấp 10 lần so với thảm họa ở Nhật Bản. Vấn đề là nạn nhân của thảm họa 2004 không được truyền thông đề cập đến nhiều như thảm họa 2011. Nguyên nhân chủ yếu vì truyền thông Nhật Bản đã rất nhạy bén, làm mọi thứ để giữ sự kiện 11/3 sống mãi như một biểu tượng.
Truyền thông Nhật Bản, bằng quyền lực của mình đã khiến thế giới ngưỡng mộ và cảm phục người Nhật. Trong khi đó, thông tin về cuộc sống sau thảm họa của gần một phần tư tỷ nạn nhân vụ Ấn Độ Dương vẫn còn rất mù mờ.
“Ở Nhật Bản” – John. L. Tran viết – “Chúng tôi được truyền thông chính thống nhắc nhở hầu như mỗi ngày về thảm họa 11/3. Tần suất và chất lượng của những tin bài tường thuật này khiến không ai phân biệt được đây là thảm họa quốc gia hay niềm tự hào quốc gia”.
Đây cũng là chủ đề cuốn sách lịch sử của tác giả Gennifer S. Weisenfeld có tên Tưởng tượng ra thảm họa: Tokyo và nền văn hóa thị giác của trận đại địa chấn Nhật Bản 1923. Cuốn sách này nhắc nhở dân chúng Nhật Bản rằng phản ứng của họ trước thảm họa có thể được nhào nặn bởi xã hội và chính quyền.
“Khoái cảm thị giác” từ thảm họa
Có rất nhiều triển lãm hay sách ảnh về sự kiện 11/3 tại Nhật Bản. Theo John. L. Tran, càng nhiều ấn phẩm xuất bản càng thể hiện rõ “nghĩa vụ” của các nhiếp ảnh gia, nhà báo là phải cung cấp những cái nhìn đa chiều về sự kiện này. Ảnh được chọn cũng vô số, từ những bức do điện thoại di động chụp cho đến ảnh in báo cỡ lớn đắt giá.
Có những cuốn sách ảnh đậm chất nghệ thuật như Natural Stories (Câu chuyện thiên nhiên) năm 2011 của nhiếp ảnh gia hàng đầu Nhật Bản Naoya Hatakeyama, hay Mushrooms From the Forest (Nấm từ rừng) cũng năm 2011 của nhà nhiếp ảnh Takashi Homma.
Ngoài ra, có đến hàng trăm cuốn sách ảnh từ góc độ báo chí về thảm họa 11/3. Trong đó có 3/11 to 1/17 Daishinsai (Đại địa chấn 11/3 đến 17/1) của Masanori Kobayashi. 17/1 là để chỉ trận động đất ở Kobe năm 1995. Sách của Kobayashi chụp nhiều thứ thường xuất hiện ở nhiều nơi khác, chẳng hạn, con tàu lớn ở Kesennuma hay bến phà bị mắc kẹt trên đỉnh một tòa nhà ở Otsuchi, tỉnh Iwate.
Cảnh bến phà được chụp nhiều đến nỗi người ta nhận ra rằng: hậu quả của trận sóng thần, hay của bất kỳ thảm họa nào, đều là nguồn cung dồi dào cho những khoái cảm thị giác.
Một vài cuốn sách ảnh khác lại tìm “khoái cảm thị giác” đó ở những khung cảnh, vật thể bị tàn phá. Cuốn Tsunami, Photographs, and Then là kết quả một dự án tình nguyện tìm kiếm những bức ảnh gia đình bị sóng cuốn, được phục hồi và trả lại cho chủ của chúng. Cuốn Icons of Time của Tomohiro Muda chụp những vật thể được tìm thấy ở vùng chịu thảm họa, như giày, cuộn dây, búp bê…
John. L. Tran tổng kết rằng không còn nghi ngờ việc nhiều nhà xuất bản đã sử dụng “sự kiện 11/3” như một yếu tố để giúp sách bán chạy. Mọi nội dung liên quan đến thảm họa đều đảm bảo sách có sức hút hơn đối với thị trường, hoặc tạo ấn tượng rằng mua sách giống như một hành động tưởng nhớ, thể hiện tình đoàn kết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bí mật phía sau số tiền tỷ phú Mỹ yêu cầu Đàm Vĩnh Hưng bồi thường, mục đích thật sự được vén màn
Gia đình hiếm hoi bậc nhất điện ảnh Việt: 3 NSND, 1 NSƯT, danh tiếng lẫy lừng
Thương Tín phải chấp nhận những điều này khi bệnh tật
Việt Hương khẳng định bỏ 5 tỷ cũng chưa chắc mời được cô đóng phim, lý do làm ai nấy đều gật gù
Bị “tung tin” là người đồng tính, Lê Dương Bảo Lâm phản ứng ra sao?
Hoa hậu đẹp nhất Châu Á 2009 lấy chồng Trung Quốc than thở: 'Tôi làm 2, 3 công việc'